ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Đồng Nai trong hoạt động tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021
Đăng ngày: 19-11-2020 02:27
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tập hợp, tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
 

Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đồng thời khắc phục những hạn chế và đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, từ đó nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Quy định tại điều 15 và 16 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13, ngày 09/6/2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 quy định, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

IMG_8708.JPG
Đại biểu HĐND tỉnh và huyện Định Quán TXCT xã Phú Hòa

Với chức năng, nhiệm vụ theo quy định, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND và các cơ quan hữu quan, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động TXCT của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và Đoàn ĐBQH thống nhất xây dựng kế hoạch TXCT và đưa vào chương trình công tác năm của MTTQ; đồng thời, hướng dẫn Uỷ ban MTTQ các cấp phối hợp với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp, các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện kế hoạch, chủ trì các hội nghị tiếp xúc cử tri giữa đại biểu với cử tri ở địa phương.

Căn cứ vào kế hoạch tiếp xúc cư tri của đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân về tổ chức hội nghị tiếp xúc cư tri, xác định rõ thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung, thành phần tham gia, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan tham gia tiếp xúc cư tri, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động phối hợp làm tốt nhiệm vụ chuẩn bị các hội nghị tiếp xúc như: thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; xác định rõ nội dung hội nghị tiếp xúc (tiếp xúc trước và sau kỳ họp, tiếp xúc chuyên đề…) gửi giấy mời đến cử tri; chuẩn bị cơ sở vật chất, địa điểm, hội trường, trang thiết bị, phục vụ hội nghị; đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn...; nắm bắt tình hình nhân dân và dự báo, định hướng để cử tri phát biểu đúng trọng tâm, giúp đại biểu chủ động và có sự chuẩn bị trong giải đáp, trả lời tại các cuộc hội nghị.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực phối hợp thông tin, tuyên truyền về kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu; làm tốt vai trò, trách nhiệm theo kế hoạch, nhất là việc chuẩn bị địa điểm, mời cử tri tham dự đảm bảo số lượng, thành phần tham dự, nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân trước hội nghị tiếp xúc, giúp cho các hội nghị tiếp xúc an toàn, chất lượng. Thực hiện công khai lịch, chương trình, nội dung tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng.

20190930_080406.jpg


Để tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương về giải quyết kịp thời các bức xúc trong nhân dân, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tham mưu và mời đại diện lãnh đạo UBND các cấp đến dự để trực tiếp lắng nghe, giải đáp, trả lời, giải quyết những vấn đề cử tri nêu lên thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong các hội nghị TXCT, nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết tại hội nghị, đáp ứng kịp thời được mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân, góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương, tăng cường đồng thuận xã hội. Trong nhiệm kỳ qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức cho đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội tiếp xúc trực tiếp với  có 229.098 cử tri tham dự với 23.243 lượt đóng góp ý kiến phản ánh, kiến nghị, phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; tình hình đời sống của nhân dân.

Ngoài tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp theo thông lệ thì trong nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND mở rộng các hình thức tiếp xúc như tiếp xúc chuyên đề, mang lại hiệu quả rõ nét trong việc góp ý, xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước… Các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực của đại biểu đã thu hút được nhiều cử tri là chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, những người có uy tín trong dân tham dự.

Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp tập hợp, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để phân loại, báo cáo. Với trách nhiệm chủ trì tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, MTTQ các cấp đã phân công cán bộ tham dự và ghi chép, phối hợp tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, đảm bảo không bỏ sót kiến nghị của cử tri tại các hội nghị. Việc tập hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng thông báo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tại các kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân tỉnh. Thông báo ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đã thể hiện đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những lĩnh vực, vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, phản ánh, kiến nghị. Các ý kiến, kiến nghị đã cụ thể, có địa chỉ và sát thực tế hơn, có sự trao đổi, phản hồi thông tin của các Sở, ngành được góp ý, kiến nghị, được cấp ủy, Chính quyền ghi nhận, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao. Qua đó, Mặt trận đã thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân, các ý kiến, kiến nghị của cử tri đề nghị các cơ quan có chức năng của địa phương giải quyết, trả lời, theo quy định của pháp luật. Đối với những kiến nghị chậm trễ giải quyết, trả lời Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với HĐND tiếp tục đề nghị chính quyền giải quyết hoặc phối hợp với cơ quan hữu quan giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho cử tri và nhân dân. Nhờ có sự giám sát tích cực của HĐND và Ủy ban Mặt trận các cấp, các kiến nghị của cử tri được giải quyết nhanh hơn, góp phần ổn định, tránh phát sinh điểm nóng ở địa phương. Qua tổ chức tiếp xúc cử tri, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đồng thời giám sát thực hiện trách nhiệm của người đại biểu dân cử, cán bộ các cấp, kịp thời có ý kiến đối với những vấn đề chưa đúng quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được công tác tổ chức tiếp xúc cử tri của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp còn một số khó khăn, hạn chế:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền về kế hoạch tiếp xúc cử tri, về chương trình, nội dung, thời gian và lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu chưa được quan tâm thích đáng, việc mời cử tri tham dự một số nơi vẫn hình thức, số lượng cử tri tham dự rất ít, vẫn còn tình trạng cử tri “chuyên nghiệp”, cử tri “đại diện”.

Thứ hai, Việc tổ chức hội nghị TXCT định kỳ trước và sau kỳ họp một số nơi còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao, nhất là đối với việc tiếp xúc sau kỳ họp; việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng… còn ít, chưa thường xuyên. Mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri nhiều nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, chưa nắm chắc vấn đề để có chính kiến, biện pháp góp phần giải quyết bức xúc, giảm vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Thứ ba, việc tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại diện chính quyền, các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương chưa đầy đủ; việc tiếp thu, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri của đại diện chính quyền, một số ngành chức năng một số địa phương (tại hội nghị và sau hội nghị) còn chung chung, chưa được kịp thời, thông tin giải đáp chưa đầy đủ, chưa cụ thể, rõ ràng như cử tri mong muốn.

Thứ tư, ở một số địa phương, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chưa đầy đủ, thiếu địa chỉ cụ thể. Việc theo dõi, đôn đốc, xem xét, đánh giá và giám sát việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã gửi chuyển đến các ngành chức năng trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn chưa thực sự mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng nhiều kiến nghị qua nhiều kỳ họp vẫn chưa được giải quyết, trả lời dứt điểm.

Một số giải pháp để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nâng cao chất lượng công tác tổ chức tiếp xúc cử tri trong thời gian tới:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH và Ủy ban MTTQ các cấp trong hoạt động tiếp xúc cử tri. Mở rộng đối tượng, thành phần tham dự buổi tiếp xúc cử tri theo hướng đa dạng. Cùng với cử tri đại diện cho cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở, cần vận động nhiều cử tri là người lao động ở các thành phần, các giới, các lứa tuổi cùng tham dự, vì chính những cử tri này thường phát biểu thẳng thắn, trung thực những vấn đề bức xúc ở địa phương, đơn vị mà không sợ ảnh hưởng đến danh vị, quyền lợi.

Hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, địa điểm, thành phần tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để cử tri biết và sắp xếp công việc, chuẩn bị nội dung phản ảnh, kiến nghị với đại biểu.

Ba là, MTTQ Việt Nam phối hợp tốt với đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND chuẩn bị các nội dung trong cuộc tiếp xúc, chủ động định hướng các nội dung cần thiết, quan trọng để cử tri có thể phát biểu tập trung, tránh việc cử tri phát biểu trùng lặp hoặc nêu các ý kiến, kiến nghị đã được trả lời, giải quyết. Định hướng chương trình, nội dung đảm bảo cuộc tiếp xúc hiệu quả, hạn chế việc hội nghị tiếp xúc trở thành nơi tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Bốn là: Nội dung tiếp xúc cử tri cử tri cần chuẩn bị một cách chu đáo, thiết thực, hiệu quả nhất. Đại biểu báo cáo với cử tri ngắn gọn, súc tích, nhất là những vấn đề mà dư luận đang quan tâm; dành thời gian cho cử tri trao đổi, phản ảnh, đề xuất, kiến nghị. Chủ tọa hội nghị tiếp xúc cử tri cần định hướng, khuyến khích cử tri phát biểu ý kiến nhưng phải ngắn gọn, cụ thể, không trùng lặp và phải tạo được không khí dân chủ, cởi mở, tin tưởng của cử tri vào người đại diện cho mình.

Năm là: Tăng cường tổ chức tập huấn, bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin, kỹ năng diễn đạt, tiếp thu và trả lời ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu dân cử. Đây là những việc làm thiết thực để các đại biểu làm tròn vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, đáp ứng sự tín nhiệm và kỳ vọng của nhân dân.

 

 (Xuân Tuấn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu