Năm
1921, mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ từ giã quê hương, một mình lên tàu vượt đại
dương sang Pháp du học. Suốt 11 năm miệt mài đèn sách ở xứ người, năm 1933 ông
tốt nghiệp cử nhân luật hạng ưu và trở về nước mở Văn phòng luật sư tại Mỹ Tho,
Vĩnh Long, Cần Thơ và tại Sài Gòn – Chợ Lớn.
Sống
tại mảnh đất Nam Kỳ tự trị, được đào tạo tại “chính quốc”, thông thạo lịch sử,
văn chương, văn hóa Pháp, có văn bằng cấp cao, điều kiện vật chất ổn định
lại có môi trường gia đình, xã hội thuận lợi, luật sư trẻ Nguyễn Hữu Thọ có đủ
mọi thứ để được ưu đãi và để cho mình có một cuộc sống giàu sang, một vị trí xã
hội xứng đáng. Song, luật sư đã khước từ
tất cả và quyết định dấn thân vào con đường đấu tranh của nhân dân – con đường
đấu tranh cách mạng đầy cam go, nguy hiểm và đã trở thành nhà lãnh đạo nổi
tiếng của phong trào cách mạng Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Ngay từ những năm
tháng đầu tiên tham gia cách mạng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là hiện thân tiêu biểu
cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân.
Lịch sử sẽ còn mãi
ghi nhớ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Đoàn đại biểu trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn
gửi Tuyên ngôn hòa bình cho Cao ủy Pháp E.Bôlae năm 1947, tên tuổi và hình ảnh
của đồng chí tượng trưng cho khối đoàn kết giới trí thức yêu nước, giương cao
ngọn cờ hòa bình, đại đoàn kết dân tộc, đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống
nhất đất nước. Tên tuổi của đồng chí đặc biệt gắn liền với hoạt động của Mặt trận
Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khi cả nước thống nhất bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong một
bối cảnh vừa thuận lợi, vừa khó khăn, những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu
Thọ đối với công tác xây dựng, củng cố Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là vô cùng to
lớn.
Trước tiên là việc tổ
chức Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (diễn ra từ ngày 31/01 đến
ngày 04/02/1977, tại Thành phố Hồ Chí Minh), với sự tham gia của tổ chức Mặt trận
trên cả hai miền Nam - Bắc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải
phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình
Việt Nam. Là một trong những người chủ trì Đại hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã
kêu gọi các giới trí thức, tôn giáo, đồng bào các dân tộc bày tỏ ý chí kiên định,
tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vững bước tiến vào tương
lai. Sau 05 ngày làm việc khẩn trương, ngày 04/02/1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc
thống nhất Việt Nam đã đi đến thống nhất các tổ chức mặt trận toàn quốc được họp
thành một mặt trận chung và lấy tên là Mặt trận Tổ quốc.
Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (giữa) và đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời
Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao Phong trào không liên kết ở Algérie (tháng 9-1973) . Nguồn: Internet
Tuy không giữ cương vị
lãnh đạo cao nhất của Mặt trận Tổ quốc nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Thọ vẫn được đề
nghị tham gia trong Ủy ban Trung ương Mặt trận và ông đã dành nhiều thời gian để
tham gia công tác Mặt trận. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn dành thời gian đi thăm
hỏi đồng nghiệp, bạn bè trong giới trí thức cũ. Nhiều trí thức chế độ cũ, qua
tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, đã giải tỏa được mặc cảm, khơi dậy được
tinh thần dân tộc và lòng yêu nước; thấy rõ trách nhiệm với đất nước, với dân tộc,
tin tưởng vào chế độ mới. Những hoạt động này của đồng chí đã có tác dụng rất lớn
trong việc củng cồ, tăng cường khối đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc
thống nhất.
Sau Đại hội Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, chương trình hành động, đề ra những biện pháp công
tác mới để thúc đẩy công tác Mặt trận đã được ban hành nhưng mức độ chuyển biến
vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng và vai trò của Mặt trận.
Để chuẩn bị cho Đại hội
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III - Đại hội đổi mới tổ chức và công tác Mặt
trận, nhiều đợt sinh hoạt chính trị trong các tổ chức thành viên, các cấp Mặt
trận được tổ chức, nhiều vấn đề quan trọng về tổ chức, hoạt động và công tác Mặt
trận đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bàn thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã trực tiếp tham dự
và chỉ đạo những hội nghị quan trọng bàn về đổi mới nội dung, phương thức hoạt
động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Quán triệt những quan điểm
Đại hội VI của Đảng, Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định, Mặt trận Tổ
quốc không chỉ đơn thuần là tổ chức quần chúng, mà là một thành viên quan trọng
của hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam. Tại Đại hội này, đồng chí được
tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam (khóa III).
Đồng chí Nguyễn Hữu
Thọ cho rằng Mặt trận phải trở thành nơi tập trung trí tuệ, sáng tạo của mọi tầng
lớp nhân dân, là trung tâm đoàn kết của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, không
phân chia thành phần giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng; không phân biệt người sống
ở trong nước hay đang sống ở nước ngoài. Là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
đồng chí luôn quan tâm tới cơ quan ngôn luận của Mặt trận. Cũng chính vì lẽ đó
nên báo Đại Đoàn kết được yêu cầu phải nâng cao chất lượng, thực sự trở thành
phương tiện hiệu quả, thiết thực để trở thành phương tiện hiệu quả, thiết thực,
thể hiện tiếng nói của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, ngang tầm
với nhiệm vụ chính trị.
Tại Đại hội IV Mặt trận
Tổ quốc, đồng chí được bầu làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Khi nói về công lao,
cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc,
đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam (khóa IV) đã khẳng định: “Phải thừa nhận rằng Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam từ sau Đại hội lần thứ III có bước tiến mới, đã xác lập được rõ hơn vị thế
của mình trong hệ thống chính trị và đã đem lại nhiều kinh nghiệm mới cho công
tác Mặt trận”, “Luật sư đã nêu một tấm gương sáng bất diệt của một nhà trí thức
Việt Nam yêu nước, một nhà lãnh đạo Mặt trận tiêu biểu cho khối đại đoàn kết
dân tộc”.
Ghi nhận công lao cống
hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Mặt trận
Dân tộc thống nhất (17/11/1995), Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Luật sư
Nguyễn Hữu Thọ... nhà trí thức tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng,
người chiến sĩ từng trải thử thách trên mặt trận đấu tranh chống xâm lược vì độc
lập dân tộc, vì công lý và công bằng xã hội, đã có những đóng góp quý báu vào sự
nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong mấy thập kỷ qua”.
Kỷ niệm 110 năm Ngày
sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và
tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với đất nước; qua đó, giáo
dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn đất nước và tinh thần đại đoàn kết
toàn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, lao động,
công tác và chiến đấu góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng,
phát triển và bảo vệ đất nước.
Tố
Nga