ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
​Đối ngoại nhân dân Việt-Mỹ: Mang tính đặc thù và quan trọng
Đăng ngày: 04-06-2020 09:14
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Quan hệ Việt-Mỹ đã đi được một phần tư thế kỷ kể từ khi bình thường hóa năm 1995, tuy nhiên, giao lưu nhân dân Việt-Mỹ đã được khơi nguồn từ trước đó, kể cả khi người dân hai nước bị ngăn cách bởi một cuộc chiến. Sợi dây kết nối ấy đã và đang được củng cố vững chắc dựa trên tinh thần thấu hiểu và sẻ chia.

“Tình bạn” trong mỗi giai đoạn

Nhìn lại lịch sử, theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2011-2014, quan hệ Việt-Mỹ xuất phát từ vài trăm năm trước đây. Ngay trong chiến tranh Việt Nam, quan hệ giữa nhân dân hai nước cũng đã được coi trọng và thúc đẩy, khi ấy, ngay trong lòng nước Mỹ đã có những tầng lớp nhân dân khác nhau, trở thành những người bạn của Việt Nam, tham gia vào phong trào đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, đòi bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam. Đó là những câu chuyện diễn ra ngay cả vào những thời điểm khó khăn khi mà hai bên còn cách biệt bởi một cuộc chiến.

Tiếp đến là cuộc đấu tranh của những người bạn của Việt Nam trong lòng nước Mỹ đòi bỏ cấm vận. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 đã có rất nhiều những trao đổi, giao lưu nhân dân, đáng chú ý là những người Mỹ, các tổ chức xã hội, nhân đạo đến Việt Nam tham gia vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh như bom mìn, chất độc màu da cam, hàn gắn nỗi đau chiến tranh giữa những người dân hai phía, còn có cả những cựu binh trong các tổ chức của Mỹ đã đến để xin lỗi Việt Nam. Giai đoạn Việt Nam mở cửa hội nhập, có rất nhiều người bạn, tổ chức của Mỹ ủng hộ Việt Nam tham gia hội nhập và phát triển.

Nhà ngoại giao có nhiều năm gắn bó với quan hệ Việt-Mỹ cho rằng, tất cả những gì có được trong những giai đoạn kể trên cho thấy giao lưu nhân dân là một bộ phận của chính sách đối ngoại nhưng trong quan hệ Việt-Mỹ có những đặc thù và càng quan trọng. Hiện nay, với quan hệ ngày càng được mở rộng, nhất là trong khuôn khổ Đối tác toàn diện, cần phải nhìn nhận quan hệ giao lưu nhân dân rộng hơn.

“Trước đây, chúng ta từng có những người bạn chống chiến tranh Việt Nam, đòi bình thường hóa… Ngày nay, chúng ta cần phải mở rộng để có những người bạn cùng Việt Nam hợp tác vì lợi ích song trùng, giúp Việt Nam độc lập, phát triển, thịnh vượng và ngày càng có vị thế, đóng góp tốt hơn vào quan hệ quốc tế”, ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng “Chúng ta phải nhìn rộng hơn ra, giao lưu nhân dân không chỉ là những người bạn, người dân hai phía một cách bình thường mà còn là những người ở các vị trí, tầng lớp khác nhau trong xã hội, dù họ là cựu Tổng thống, cựu quan chức, nghị sỹ, học giả, chính giới, doanh nghiệp trong các tổ chức xã hội khác nhau nhưng hoạt động với tư cách cá nhân để mở rộng hơn cơ sở quan hệ và giao lưu con người với con người”.

Thêm nữa, nếu trong quá khứ, quan hệ giữa người dân đã tạo ra những phòng trào ủng hộ Việt Nam ngay khi còn chiến tranh thì ngày nay Việt Nam càng phải nhấn vào việc mở rộng cơ sở bạn bè và nhân dân đó thông qua quảng bá hình ảnh Việt Nam, tiếp cận Việt Nam, nhấn mạnh vào thế hệ mới và đại diện các tầng lớp khác nhau.

doi-ngoai-nhan-dan-viet-my-mang-tinh-dac-thu-va-quan-trong.jpgCác Thượng nghị sĩ Mỹ bên cạnh người khuyết tật Việt Nam.

Kết nối “từ trái tim đến trái tim”

Kênh đối ngoại “từ trái tim đến trái tim” cũng được nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tâm Chiến nhấn mạnh. Vị Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2001-2007 luôn tâm niệm rằng nguồn lực thúc đẩy hòa giải Việt-Mỹ trước hết thể hiện qua suy nghĩ và hành động của người dân. Tiến trình hoà giải và bình thường hóa giữa hai nước đã bắt đầu chính bằng những tiếp xúc và hoạt động không chính thức, và mọi chính sách của nhà nước cũng xuất phát từ mong muốn của người dân và được đại đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ. Không phải ngẫu nhiên mà có cuộc khảo sát xã hội Việt Nam gần đây cho kết quả đại đa số người được hỏi có cảm tình với Mỹ.

Nghĩ về hành trình tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), trong vị Đại sứ với gần 40 năm làm Ngoại giao Nhà nước và hơn 12 năm làm Đối ngoại nhân dân, là hàng dài câu chuyện cảm động về hàng nghìn người dân Việt Nam đã cao thượng tham gia tìm kiếm MIA cho phía Mỹ dù đến nay hơn 30 vạn con em họ chưa có tung tích.

Khắp mảnh đất hình chữ S, Việt Nam vẫn thầm lặng vượt qua và khắc phục hậu quả buồn đau mang tên “da cam” đã kéo dài đến ba thế hệ... mà không đặt điều kiện nào cho các bước cải thiện và bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đã diễn ra nhiều cuộc gặp đầy cảm động giữa các giới nhân dân Việt-Mỹ trong mấy chục năm qua, nhất là của các bà mẹ và các cựu chiến binh. Trong những lần gặp gỡ ấy, đã có bao giọt nước mắt từ cả hai phía bởi mọi mất mát đều đau thương.

“Hệ quả xấu không thể quên nhưng người Việt không giữ lâu hận thù mà cảm thông, tha thứ và thậm chí chia sẻ; còn người Mỹ là sám hối và xúc động trước lòng nhân hậu, vị tha.

Sức truyền cảm của truyền thống tốt đẹp của người Việt đã cảm hóa từng con người quốc tế và làm nên những kỳ tích trong lịch sử ngoại giao của ta”, ông Nguyễn Tâm Chiến chia sẻ.

Tạo dựng nền tảng tốt đẹp

Nói về quan hệ Việt-Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã dành từ “phi thường” để mô tả những chuyển biến trong quan hệ hai nước suốt 25 năm qua.

Trong đối ngoại nhân dân, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink cho rằng, các cựu chiến binh và gia đình họ ở cả hai phía là những người đầu tiên đối mặt với quá khứ và bắt đầu xây dựng cầu nối để chính phủ hai nước có thể gắn kết thành công. Người Mỹ và người Việt đã bắt đầu làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh nhiều năm trước khi bình thường hoá quan hệ.

doi-ngoai-nhan-dan-viet-my-mang-tinh-dac-thu-va-quan-trong_1.jpg
Đoàn Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVA) tại địa điểm tìm kiếm MIA ở Bình Dương năm 2010.

Kể từ năm 1988, các nhóm công tác của Mỹ và Việt Nam đã hợp tác để tìm kiếm và trao trả hài cốt những người lính đã ngã xuống, năm 1991, Văn phòng Tìm kiếm Tù binh và người mất tích của Bộ Quốc phòng Mỹ đã mở cửa tại Hà Nội. Trong nhiệm kỳ Tổng thống George H.W. Bush, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã bắt đầu hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam thông qua Quỹ hỗ trợ Nạn nhân Chiến tranh Leahy. Từ năm 1993, Mỹ và Việt Nam đã hợp tác với nhau để giúp Việt Nam loại bỏ hiểm hoạ từ vật liệu chưa nổ (UXO).

Những bước đi đầu tiên đó đã đặt nền móng cho việc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và mở cửa hai Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội vào năm 1995.

Sau đó, vào năm 1997, Thượng viện Mỹ xác nhận ông Douglas “Pete” Peterson là Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đại sứ Peterson - người đã từng là phi công của Không lực Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam và có sáu năm là tù binh chiến tranh, đã dành cả nhiệm kỳ để hàn gắn và xây dựng một mối quan hề dài lâu giữa Việt Nam và Mỹ.

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink đặc biệt nhấn mạnh những thành quả trong việc hai bên cùng giải quyết các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh.

Từ năm 1988, hài cốt 727 người Mỹ mất tích trong chiến tranh đã được xác định nhờ sự hợp tác giữa các nhóm công tác của Mỹ và Việt Nam nhằm thu thập và trao trả hài cốt chiến sĩ đã khuất. Từ năm 1989, Mỹ đã cung cấp 100 triệu USD để hỗ trợ cho người khuyết tật Việt Nam, giúp đỡ hàng triệu người Việt Nam khó khăn.

Và từ năm 1993, Mỹ đã đóng góp hơn 120 triệu USD để giúp Việt Nam rà phá các vật liệu chưa nổ. Trong hai năm qua đã không còn thương vong liên quan đến vật liệu chưa nổ tại tỉnh Quảng Trị được Chính phủ Mỹ hỗ trợ.

Năm 2018, USAID đã hoàn thành dự án xử lý ô nhiễm dioxin trị giá 110 triệu USD tại sân bay Đà Nẵng và năm ngoái chúng tôi đã bắt đầu xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hoà, điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn cuối cùng ở Việt Nam.

Những nỗ lực mang tính chất “nền tảng” này đã góp phần tăng sự hiểu biết nhiều mặt giữa nhân dân hai nước, làm sâu sắc sự hòa giải cũng như cách thức thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ.

 (Theo Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu