ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Sáng mãi tư tưởng của Người
Đăng ngày: 20-05-2020 02:58
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam, sinh ngày 19-5-1890 tại làng Sen (H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Người đã dành trọn cuộc đời hiến dâng cho dân, cho nước.


Bác Hồ về thăm lại đồng bào ở Pắc Bó - Cao Bằng, năm 1961
Bác Hồ về thăm lại đồng bào ở Pắc Bó - Cao Bằng, năm 1961. Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Hết lòng chăm lo cho dân

Theo GS-TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ “Dân” là từ đẹp nhất trong tư tưởng, tâm hồn cũng như hành động của Người. Trong mọi suy nghĩ, hành động của Bác đều hướng đến chăm lo xây dựng làm cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các giá trị, quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng nước ta.

Trở lại với lịch sử khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đã nung nấu một điều là “cứu lấy dân ta”. Trải qua khảo cứu nhiều cuộc cách mạng tư sản: Anh, Pháp, Mỹ, Đức... ở đâu Người cũng thấy sự bần cùng, cực khổ của người dân bị áp bức, bóc lột, trong Người đã xuất hiện tư duy phải cứu lấy nhân loại.

Cũng theo GS-TS Tạ Ngọc Tấn, ngay trong bản yêu sách gửi đến hội nghị các nước thắng trận năm 1919 tại Versailles (Pháp), Người đã đòi các quyền cho dân như quyền tự quyết của dân tộc gắn với quyền tự do; tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do cư trú, tự do học tập, tự do mở trường... đều là những vấn đề của thời đại.

Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã reo lên: “Con đường cứu nước, cứu dân đây rồi”... Từ đó, Người quyết tâm đi theo con đường cách mạng vô sản; chuẩn bị về mọi mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930; lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 2-9-1945) và lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm giành độc lập tự do cho đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người cách mạng yêu nước là phải thương dân, trung với nước là phải hiếu với dân. Tôn trọng dân trước hết phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của dân. Người chỉ ra: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”...

GS-TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, trong chế độ mới, giá trị cao nhất của độc lập theo tư tưởng của Bác chính là đem lại quyền làm chủ thực sự cho nhân dân, phải trao lại cho dân mọi quyền hành. Dân là chủ của đất nước, nước là của dân. Các cơ quan Đảng và Nhà nước là tổ chức được nhân dân ủy thác phải mang lợi ích đến cho dân, làm “công bộc của dân” nên phải hết lòng, hết sức lo cho dân...

* Sáng ngời tinh thần đại đoàn kết

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công. Người từng dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô cùng quý báu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 cho rằng, nhờ biết dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc mà các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn luôn được đảm bảo, đời sống người dân ngày càng được nâng cao...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Vì vậy, 8 chữ “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” là mục đích của Đảng và Đảng thực hiện “đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc”; “đoàn kết để xây dựng nước nhà”, cho nên phải “đoàn kết rộng rãi và lâu dài”...

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho biết, tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc thì phải có lực lượng và có thành phần làm nòng cốt. Người chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết”.

Thực hiện lời dạy của Người, trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh nhà, MTTQ các cấp tỉnh Đồng Nai sẽ mở rộng và nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, công tác Mặt trận tập trung hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực xây dựng tỉnh Đồng Nai ngày càng giàu mạnh, văn minh.             

TS Nguyễn Văn Thắng, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Phát huy truyền thống đại đoàn kết của dân tộc

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa sống còn trong toàn bộ đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đây là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Lịch sử dân tộc từ khi dựng nước đến nay đã chứng minh với lòng yêu nước nồng nàn, với truyền thống đoàn kết muôn người như một, dân tộc Việt Nam đã chiến thắng thiên tai khắc nghiệt, chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm cho dù chúng mạnh và tàn bạo cỡ nào. Truyền thống đó được phát triển đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh. Phát huy truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, Hồ Chí Minh đã chỉ ra lực lượng, hình thức đại đoàn kết phải là liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng trong Mặt trận dân tộc thống nhất (MTTQ Việt Nam hiện nay). 

Theo Hồ Chí Minh, tùy theo từng thời kỳ cách mạng, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị để vận dụng phương pháp đại đoàn kết một cách phù hợp nhất. Đại đoàn kết phải trên nguyên tắc thống nhất giữa lợi ích của đất nước với quyền lợi của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, tất cả vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, nói như hiện nay là vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo Người, đoàn kết dân tộc phải gắn với đoàn kết quốc tế để kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Năm 2020 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Đảng và của dân tộc, do đó việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cần phải được đặt lên hàng đầu.

Nam Anh (ghi)

Nguồn: Báo Đồng Nai

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu