Vốn có tấm lòng thiện nguyện, sau khi biết chị Nguyễn Thị Loan - Trưởng nhóm Cơm tình thương Long Khánh mong ước có chiếc máy “ATM Gạo” để phát gạo miễn phí cho bà con khó khăn trong mùa dịch này, anh Lê Cao Trực (chủ cơ sở nước chấm Hoa Sen Long Khánh) đã liên hệ với những cơ sở sản xuất cây “ATM gạo” tại thành phố Hồ Chí Minh, để đặt hàng. Ở đâu anh cũng được chào giá từ 20 triệu đến 30 triệu đồng cho mỗi cây “ATM gạo”. Với số tiền này, có thể mua thêm được từ 2 đến 3 tấn gạo, hỗ trợ bà con khó khăn trong mùa dịch này. Nghĩ vậy, anh quyết định tự thiết kế, thi công cây “ATM gạo” vừa rẻ tiền, vừa có ý nghĩa thiện nguyện, để trao tặng cho nhóm cơm tình thương giúp họ thực hiện ý nguyện của mình.
Sau khi tìm hiểu cơ chế hoạt động của những chiếc “ATM gạo” đang lưu hành ngoài thị trường, anh Lê Cao Trực, tập hợp anh em kỹ thuật tại cơ sở nước chấm Hoa Sen hội ý, bàn phương án thực hiện. Anh Võ Xuân Thắng (sinh năm 1991), Trưởng phòng kỹ thuật cơ khí của cơ sở nước chấm Hoa Sen, được giao nhiệm vụ chủ trì.
Với tấm bằng kỹ sư chế tạo máy trong tay, anh Thắng không ngần ngại, việc này không khó đối với anh, nhưng khi xem thông tin về những cây “ATM gạo” đang hoạt động, anh lại thấy khó khăn vì nó rất cầu kỳ, phức tạp từ đường dẫn, đến camera quan sát, đến bồn chứa gạo…tất cả đều được mô phỏng đến mức quá cao siêu.
Anh Võ Xuân Thắng cho biết: “Nhìn vậy thôi, nhưng cơ chế hoạt động rất đơn giản, chỉ cần một bồn chứa gạo (khoảng 500kg); một ống nhựa (phi 40cm) cho gạo chảy ra, gắn với một Van từ (dạng robine tự động cho gạo chảy ra) để ngắt lượng gạo đã định; một Timer (thiết bị hẹn giờ); nút khởi động (Start) vậy là xong. Đổ gạo vào bồn là vận hành được”.
Nghĩ vậy, nên anh Thắng đã tận dụng vật liệu có sẵn trong xưởng, cùng anh em lắp ráp chỉ trong vòng buổi sáng là cơ bản hoàn chỉnh phần thô; còn lại chỉ gắn các thiết bị điện tử vào là ấn nút khởi động.
Nhìn mẻ gạo đầu tiên chảy ra từ cây “ATM gạo” tự chế, anh Võ Xuân Thắng vui mừng như muốn reo lên cùng anh em kỹ thuật. Riêng anh Trực thì hô to lên, “A! Thành công rồi! thành công rồi….”. Anh mời mọi người đến chứng kiến. Thế là cây“ATM gạo” do cơ sở nước chấm Hoa Sen tự chế đã hoàn thành rong thời gian rất ngắn, chi phí không đáng kể có thể nhân rộng ở nhiều nơi. Anh Lê Cao Trực cho biết: “Vì những hoàn cảnh khó khăn ở Long Khánh, nên cơ sở nước chấm Hoa Sen quyết định thực hiện cây “ATM gạo” cho bằng được, để tặng cho nhóm cơm tình thương Long Khánh, ngoài ra, không có ý định sản xuất thêm để kinh doanh hoặc trao đổi bằng các hình thức khác”.
Cây “ATM gạo” đã được lắp đặt ngay vị trí quán cơm tình thương (số 143/3 đường Hùng Vương, khu phố 1, phường Xuân Hòa, thành phố Long Khánh), với sự tài trợ của cơ sở nước chấm Hoa Sen; từ nay, bà con có hoàn cảnh khó khăn ở Long Khánh có thêm một nơi để san sẻ yêu thương:“Ai cần cứ đến lấy, ai ổn định xin nhường, ai dư dả xin chung tay”….
Chị Nguyễn Thị Loan - Nhóm cơm Tình thương Long Khánh vui mừng, chia sẻ: “Thay mặt nhóm cơm tình thương Long Khánh rất vui mừng cám ơn nhà tài trợ cơ sở nước chấm Hoa Sen, đã hỗ trợ việc lắp đặt cây “ATM gạo” miễn phí cho bà con có hoàn cảnh khó khăn; từ nay, Cơm tình thương chỉ lo huy động gạo; còn lại, cây ATM gạo này sẽ thay mặt nhóm cơm tình thương phát gạo cho bà con, mong bà con yên tâm, cùng với nhóm cơm tình thương vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.”
Chị Nguyễn Thị Loan-Trưởng nhóm Cơm tình thương Long Khánh
Sáng 16/4/2020, tại Quán cơm tình thương đã thực hiện lắp ráp và vận hành máy phát gạo tự động hỗ trợ bà con khó khăn. Đây là máy phát gạo tự động đầu tiên được đưa vào hoạt động tại thành phố Long Khánh. Chị Nguyễn Thị Loan, Nhóm cơm tình thương cho biết thêm: “Ngay sau khi tiếp nhận máy phát gạo tự động, đã có rất nhiều mạnh thường quân từ các nơi tới điểm đặt máy để hỗ trợ gạo cùng với quán cơm 2000 đồng, phát gạo cho bà con”.
Người dân ấn nút máy "ATM gạo" tại quán cơm tình thương
Còn bà Nguyễn Hoàng Thanh (ngụ phường Xuân Trung, TP. Long Khánh), người đầu tiên nhận gạo từ máy phát gạo tự động nói: “Tôi rất vui vì từ nay mỗi khi gia đình gặp khó khăn trong việc ăn uống hàng ngày sẽ có nơi hỗ trợ thường xuyên”.
Theo Web Long Khánh