ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2019
Đăng ngày: 18-10-2019 04:45
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Đảng bộ, chính quyền huyện Xuân Lộc luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2019.

         

Huyện Xuân Lộc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Nai, có Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam chạy qua, có lợi thế về phát triển kinh tế hướng ngoại với các thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ; trong đó, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tổng diện tích tự nhiên là 724,86km2, được chia thành 15 đơn vị hành chính, gồm thị trấn Gia Ray và 14 xã. Dân số 242.700 người, tổng số hộ gia đình là 54.652 hộ, tỷ lệ dân cư nông thôn chiếm 92,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá trị sản xuất xã hội) hàng năm trên địa bàn huyện giai đoạn (2014 - 2019) trên 8,88%, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của huyện là 56,5 triệu đồng/người/năm (trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt khoảng 30 triệu đồng). Phấn đấu trong năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 61,5 triệu đồng/người/năm (trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt khoảng 32,6 triệu đồng). Xuân Lộc đạt danh hiệu huyện Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến nay, toàn huyện có 06/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (gồm xã Suối Cát, Xuân Hiệp, Xuân Phú, Xuân Định, Xuân Thọ, Bảo Hòa); các xã còn lại đạt 36 chỉ tiêu, 10 tiêu chí trở lên. Đang phấn đấu đến 2025 hoàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Toàn huyện có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, ngoài dân tộc Kinh chiếm đại đa số, huyện có 24 dân tộc thiểu số, với 4.212 hộ, 20.113 khẩu, chiếm 8,03% dân số toàn huyên; gồm các dân tộc như: Chơro, Hoa, Tày, Nùng, Khmer, Chăm, Xtiêng, Thái, Mường, M’Nông, Mán (Dao), Ê đê, Ba Na… Đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác và xen kẽ cùng với đồng bào dân tộc Kinh ở 88/92 ấp, khu phố. Huyện có 06 Làng dân tộc tập trung gồm: Làng dân tộc Chơ ro ấp Bình Hòa xã Xuân Phú; Làng dân tộc Xtiêng ấp 2, Làng dân tộc Chơro ấp 3, xã Xuân Hòa; Làng dân tộc Chơro ấp Trung Sơn xã Xuân Trường; Làng dân tộc Chơro ấp Thọ Trung xã Xuân Thọ và Làng dân tộc Chăm ấp 4 xã Xuân Hưng. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong các hoạt động văn hóa của huyện.

Đảng bộ, chính quyền huyện đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời luôn chú trọng việc thực hiện chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 5 năm qua (2014-2019) đã thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cụ thể như sau:

- Thực hiện Quyết định số 1635/QĐ-UBND, ngày 19/6/2015; Quyết định số 3716/QĐ-UBND ngày 20/10/2017 của UBND tỉnh về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở ấp đặc biệt khó khăn. Huyện đã hỗ trợ cho 81 hộ nghèo dân tộc thiểu số, với kinh phí thực hiện: 228 triệu đồng, trong đó: 32 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, 49 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.

- Thực hiện Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 18/01/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành quy định mức hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang học hệ đại học, cao đẳng chính quy. Đã hỗ trợ 345 lượt sinh viên, số tiền 619 triệu đồng; hỗ trợ tiền Tết Nguyên đán cho 139 lượt sinh viên dân tộc thiểu số, số tiền 71,7 triệu đồng; xét tuyển và đưa 287 học sinh người dân tộc thiểu số đi học văn hóa, đào tạo nghề tại trường dân tộc nội trú, Trường Cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc phòng).

- Hoàn thành Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm nâng cao năng xuất cây trồng và vật nuôi cho đồng bào dân tộc Ch’ro ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú”. Hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển, nhân rộng mô hình trồng cây tiêu, cà phê, thanh long ruột đỏ, trồng rau an toàn và mô hình chăn nuôi dê, gà. Việc triển khai dự án đã góp phần tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi đem lại thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Kinh phí thực hiện dự án là 699 triệu đồng.

- Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng chủ lực, hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm trong dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho 22 hộ trong đồng bào dân tộc, với kinh phí hỗ trợ 417 triệu đồng.

- Chương trình nước sạch nông thôn thực hiện hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước nhỏ lẻ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Theo kế hoạch từ năm 2017 đến năm 2020, tổ chức lắp đặt thiết bị lộc nước nhỏ lẻ cho 1.312 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, kinh phí thực hiện: 5.904 triệu đồng (trong đó, ngân sách hỗ trợ: 4.132,8 triệu đồng, hộ dân tộc đóng góp 1.771,2 triệu đồng). Tiến độ hiện nay, đã lắp đặt cho 176 hộ, kinh phí 792 triệu đồng (nhà nước hỗ trợ 554,4 triệu đồng, hộ dân đóng góp: 237,6 triệu đồng).

- Quan tâm việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện Quyết định 1270/QĐ-TTg ngày 27/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt “Đề án bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; giai đoạn 2014 - 2019 đầu tư, xây dựng mới 01 nhà văn hóa ấp Bằng Lăng, xã Xuân Tâm, 01 nhà Văn hóa Dân tộc Chăm xã Xuân Hưng với tổng mức đầu tư 5.788.748.272 đồng. Đến nay, toàn huyện có 114 thiết chế văn hóa, trong đó có 14/14 trung tâm VHTT- HTCĐ xã đạt chuẩn; 92/92 khu, ấp có nhà văn hóa, trong đó 84/84 nhà văn hóa ấp đạt chuẩn Tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc, tạo mối quan hệ tốt đẹp, tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong cộng đồng.

- Đã đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số 05 công trình với 6,64 km đường dây trung thế, 0,97 km đường dây hạ thế, 07 trạm biến áp với tổng công suất 825 KVA; kinh phí đầu tư 5.711 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống điện trên địa bàn huyện có 650,234km đường dây trung thế, 696,299 km đường dây hạ thế, 1.284 trạm biến áp với tổng công suất  248.337kVA. Tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn từ các nguồn đạt 100%. 

- Xây dựng đường giao thông: giai đoạn 2014 - 2019 đã xây dựng 460,96km đường giao thông và 247,82 m cầu bê tông với tổng vốn đầu tư: 1.012,23 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách đầu tư  66,64 km đường, 247,82 m cầu với tổng vốn 572,76 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa đầu tư 394,32km đường với tổng vốn 439,47 tỷ đồng (trong đó, đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số 41,85km đường giao thông và 47,8m cầu bê tông; kinh phí đầu tư 46,2 tỷ đồng). Đến nay, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường trục xã, liên xã đạt 100%; đường trục ấp nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; đường ngõ, xóm cứng hóa đạt 100%, trong đó, nhựa hóa, bê tông hóa 76,5%; đường trục chính nội đồng đã cứng hóa 100%.

- Thực hiện tốt công tác đầu tư quy hoạch mạng lưới trường lớp, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tuyển sinh học sinh trong toàn huyện và học sinh dân tộc thiểu số được đến trường. Tổng kinh phí đầu tư CSVC, trang thiết bị dạy học giai đoạn 2014-2019 trên 222.000 triệu đồng. Kết quả, hiện có 63/69 (tỷ lệ 91,30%) trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng 21 trường (32,81%) so năm học 2014. Ngoài ra, toàn huyện có 04 trường THPT và 01 Trường THCS-THPT Dân tộc Nội trú Điểu Xiểng đáp ứng nhu cầu học tập sau tốt nghiệp THCS của học sinh trên địa bàn và học sinh dân tộc thiểu số.

- Kết quả công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số: qua 05 năm, toàn huyện đã huy động được 281 tỷ 963 triệu đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, đã giảm được 1.549 hộ nghèo (trong đó, giảm 309 hộ nghèo dân tộc). Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số: trong 5 năm qua đã giải quyết cho 729 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là đồng bào DTTS vay vốn với số tiền 18.324 triệu đồng. Hỗ trợ mô hình giảm nghèo (chăn nuôi bò, dê sinh sản) cho 91 hộ DTTS số tiền 656 triệu đồng; hỗ trợ tiền điện cho khoảng 1.466 lượt hộ, kinh phí 423 triệu đồng; hỗ trợ gần 5.800 thẻ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo kinh phí 3.692 triệu đồng; đào tạo nghề theo Đề án 1956 cho lao động nông thôn, giai đoạn 2014 - 2019, đã dạy nghề cho 1.261 học viên là đồng bào dân tộc; hỗ trợ xây dựng 98 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, kinh phí: 4.486 triệu đồng (trong đó, vận động hỗ trợ 3.267 triệu đồng, hộ dân đóng góp 1.217 triệu đồng).

Kết quả thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã nâng cao được đời sống của đồng bào, tăng cường được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đến nay h đồng bào có điện sinh hoạt đạt 100%; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; hộ có xe máy đạt trên 90%, hộ có phương tiện nghe nhìn đạt trên 97%; trình độ dân trí được nâng lên; sức khỏe của đồng bào được quan tâm; các lễ tết truyền thống của đồng bào dân tộc được duy trì, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống của các dân tộc thiểu số được tổ chức thường xuyên đã góp phần, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.  Năm 2015, hộ nghèo dân tộc thiểu số là: 423 hộ (chiếm 21,6% hộ nghèo toàn huyện); năm 2016, hộ nghèo dân tộc thiểu số là: 254 hộ (chiếm 21,2% hộ nghèo toàn huyện); năm 2017, hộ nghèo dân tộc thiểu số là: 124 hộ (chiếm 18,7% hộ nghèo toàn huyện); năm 2018 hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 66 hộ (chiếm 15,2% so với tổng hộ nghèo toàn huyện).

Qua 5 năm (2014 - 2019) với việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách đã làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc. Về cơ bản đời sống đồng bào từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực; giảm chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa vùng đồng bào so với các khu, ấp trên địa bàn huyện. Đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy được tinh thần đoàn kết, vươn lên trong cuộc sống, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp luật của nhà nước. Đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác trước các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo - dân tộc nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ổn định và giữ vững, góp phần thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến 2025 xây dựng huyện Xuân Lộc trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh.

                                                                          Ngọc ​Lộc -MTTQ xuân Lộc

In nội dung
Xóm đạo bình yên (09/10/2019)
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu