ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Đồng chí Hoàng Văn Thụ: vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
Đăng ngày: 10-10-2019 09:54
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Hoàng Văn Thụ sinh ngày 04/11/1909 là người dân tộc Tày, tại xóm Lạc Phạn, xã Nhân Lý (nay là xã Hoàng Văn Thụ), châu Điềm He, huyện Văn Uyên (nay là huyện Văn Lãng), tỉnh Lạng Sơn.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, với lòng yêu nước nồng nàn, từ lúc niên thiếu, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tham gia phong trào đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, để tang chí sĩ Phan Chu Trinh. 19 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, 20 tuổi được kết nạp vào Ðông Dương Cộng sản Ðảng - một trong những tổ chức tiền thân của Ðảng Cộng sản Việt Nam sau này. Sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 - bước chuyển biến về chất của giai cấp công nhân Việt Nam, tạo ra bước ngoặt vĩ đại cho cách mạng nước ta, đồng chí Hoàng Văn Thụ trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðược tôi luyện qua các phong trào cách mạng, thử thách qua thực tiễn, đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao trọng trách làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ khi vừa tròn 30 tuổi, được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Ðảng ở tuổi 32.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, với cơ sở, sâu sát thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Ðồng chí đã trực tiếp giác ngộ, vận động quần chúng, đóng góp tích cực trong việc thành lập các chi bộ đảng và phát triển  tổ chức đảng ở các Ðảng bộ: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Yên; củng cố, xây dựng nhiều cơ sở đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Ðồng chí đề ra chủ trương và trực tiếp chỉ đạo việc duy trì, phát triển đội Du kích Bắc Sơn và xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai. Ðồng chí Hoàng Văn Thụ đã có công lớn trong việc đề xuất sáng lập và làm chủ bút của báo "Giải phóng", viết bài tham gia chỉ đạo công tác  tuyên truyền của báo "Cờ Giải phóng" và "Tạp chí Cộng sản". Ðồng chí có vai trò quan trọng trong việc đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm đoàn kết các giai cấp, tầng lớp trong xã hội để đánh đuổi thực dân Pháp và phát-xít Nhật, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Trên cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Ðảng phụ trách công tác công vận và binh vận, đồng chí đã giác ngộ và lôi cuốn được nhiều binh lính người Việt trong quân đội Pháp ủng hộ cách mạng. Ðược sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, các cơ sở cách mạng được gây dựng và phát triển rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, lực lượng cách mạng không ngừng lớn mạnh về cả chính trị và vũ trang, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân năm 1945.

Ngày 25-8-1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ  bị địch bắt, giam cầm, tra tấn hết sức dã man, bị khép tội tử hình, nhưng chúng không lay chuyển được tấm lòng yêu nước, trung thành tuyệt đối với cách mạng của đồng chí. Ðồng chí đã thực hiện xuất sắc chủ trương của Ðảng "biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản". Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí trước pháp trường làm cho kẻ thù khiếp sợ, là bản anh hùng ca về bản lĩnh, khí tiết và ý chí người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Khi bị đưa ra pháp trường, Quan toà hỏi ông có cần nói lời cuối cùng, ông nói:

"Trong cuộc đấu tranh sinh tử, giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng"

Cha cố hỏi ông có cần rửa tội hay không, ông đáp:

"Cảm ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu nước là có tội thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh chống phát xít Đức bên nước ông đều là có tội cả. Ông hãy về hỏi xem họ có tội không?"

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Ðảng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích của Ðảng, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Ðồng chí để lại cho chúng ta những bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, ý thức tự phê bình và phê bình trong Ðảng, tình thân ái, thương yêu đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Trong bài Ðạo đức cách mạng đăng trên Tạp chí Cộng sản, tháng 12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Trong Ðảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Ðảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập".

Trên bảng ghi công Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 có tên Hoàng Văn Thụ. Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, xã Nhân Lý (quê hương ông) được đổi tên thành xã Hoàng Văn Thụ.

Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi mãi là niềm tự hào của toàn Ðảng, toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn nói riêng. Các thế hệ Việt Nam luôn ghi nhớ tấm gương hy sinh và cuộc đời chiến đấu của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 ​Tố Nga (tổng hợp)

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu