Theo quy định tại Nghị định số 84/NĐ-CP ngày
30/9/2015 của Chính phủ, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
(GSĐTCCĐ) do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã làm đầu mối hình
thành tổ chức và hướng dẫn hoạt động, quản lý hồ sơ tài liệu giám sát và kiến
nghị.

Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Xuân Bắc huyện Xuân Lộc giám sát đầu tư cộng
đồng đường giao thông nông thôn của xã
Mặt trận cấp xã chủ động nắm thông tin
công trình, dự án được phê duyệt thực hiện trong năm, xác định nội
dung giám sát, xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giám sát.
Đồng thời, dự trù kinh phí, gửi UBND cùng cấp trình HĐND thông qua kinh
phí hỗ trợ cho hoạt động GSĐTCCĐ hằng năm.
Tiêu chuẩn để chọn người làm giám sát đầu tư
của cộng đồng phải trung thực, công tâm, có uy tín, hiểu biết về chính sách,
pháp luật; có kinh nghiệm quản lý kinh tế, hiểu biết về kỹ thuật xây dựng; có
đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ và tự nguyện tham gia Ban GSĐTCCĐ theo hướng
dẫn tại Thông tri số 25/TTr-MTTW-BTT ngày 10/8/2017 của Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban
giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn.
Trong thời gian qua, Mặt trận cơ sở đã
chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc theo dõi công
trình, dự án ở xã, phường, thị trấn. Hoạt động giám sát tập trung vào
những hạng mục quan trọng, và qua giám sát đã phát hiện, kiến nghị kịp thời
nhiều thiếu sót, góp phần ngăn chặn lãng phí, thất thoát đối với các công
trình.
Trong 6 tháng
đầu năm 2019, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát 601 dự án triển khai trên địa bàn, qua giám sát đã phát hiện một số sai phạm nhỏ trong thi công xây
dựng và có 55 kiến nghị xử lý; các kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền
quyết định đầu tư, nhà thầu, chủ đầu tư xử lý, giải quyết và khắc phục
Hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đã
phát huy được vai trò của nhân dân trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ
sở. Tuy nhiên, ở một số nơi, hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng còn gặp
nhiều vướng mắc, bất cập, khó khăn.
Hiện nay, kinh phí hoạt động của Ban
GSĐTCCĐ và kinh phí chi trả thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban
GSĐTCCĐ đã được quy định tại Khoản 5, Điều 54 Nghị định 84/2015/NĐ-CP
với mức kinh phí tối thiểu là 5 triệu đồng/xã/năm. Tuy nhiên, ở một số
xã, phường, thị trấn việc thực hiện chưa bảo đảm theo quy định.
Theo Ban Thường trực UBMTTQVN các huyện,
thành phố, những nơi thực hiện thuận lợi việc cấp kinh phí là do Ban Thường
trực UBMTTQVN cấp xã xây dựng kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng ngay từ
đầu năm và kèm theo dự trù kinh phí gửi HĐND, UBND cùng cấp. Trên cơ sở kế
hoạch và dự trù kinh phí, HĐND cấp xã thông qua và UBND cấp xã cấp đủ mức tối
thiểu 5 triệu đồng/năm.
Với các xã còn khó khăn trong hoạt động giám
sát do chưa được hỗ trợ kinh phí theo quy định, qua khảo sát, Ban Thường trực
UBMTTQVN tỉnh nhận thấy nguyên nhân chủ yếu là do Mặt trận cấp xã chưa có kế
hoạch hoạt động và dự trù kinh phí ngay từ đầu năm gửi HĐND, UBND cấp xã.
Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã hướng dẫn,
nhắc nhở Ban Thường trực UBMTTQVN các huyện, thành phố có hướng dẫn cụ thể đối
với cấp xã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng năm 2019,
và dự trù kinh phí kèm theo gửi HĐND, UBND cùng cấp và báo cáo về Ban Thường
trực UBMTTQVN cấp huyện.
Về vấn đề thực hiện nội dung giám sát và kiến
nghị, Ban Thường trực UBMTTQVN cấp xã phải xây dựng kế hoạch giám sát công
trình, dự án cụ thể, chi tiết, có nội dung giám sát theo thẩm quyền được giám
sát với từng loại vốn đầu tư.
Do đó, qua giám sát đã có những kiến nghị cụ
thể, được Ban quản lý dự án và nhà thầu tiếp thu. Tuy nhiên, một số xã kiến
nghị về việc gặp khó khăn trong giám sát do không am hiểu lĩnh vực xây dựng,
qua giám sát không phân biệt đúng hay sai quy định về xây dựng nên không kiến
nghị hoặc kiến nghị chung chung. Ban Thường trực Ủy ban MTTQViệt Nam tỉnh
cũng đã có hướng dẫn về việc xác định nội dung Ban Giám sát được giám sát theo
Điều 50 của Nghị định 84/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Một vấn đề khác, theo kiến nghị của một số
địa phương, Ban quản lý dự án, đơn vị thi công không cung cấp thông tin cho Mặt
trận cấp xã và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, do đó gây khó khăn trong việc
xây dựng kế hoạch giám sát.
Việc Ban GSĐTCCĐ ký thanh quyết toán công
trình, dự án được thực hiện khác nhau, dễ gây nhầm lẫn trong quá trình thực
hiện. Khi thanh quyết toán công trình, dự án, với nhiều nguồn vốn, các nhà thầu
và chủ đầu tư yêu cầu phải có chữ ký của Ban GSĐTCCĐ để việc thanh quyết toán
thuận lợi.
Trong khi Thông tư số 349/2016/TT-BTC quy
định Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ký thanh quyết toán đối với công trình,
dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2021 do UBND cấp xã
làm chủ đầu tư.
Trong thời gian tới Ban
giám sát đầu tư của cộng đồng tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch hoạt động đề ra từ
đầu năm 2019, tham gia phối hợp giám sát với các đơn vị có liên quan. Tiếp tục
nắm bắt thông tin, tình hình tại cơ sở, ý kiến nhân dân kịp thời phản ánh về Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn; Ủy ban Mặt trận huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, đề nghị cần tập trung tăng cường giám sát tốt các nội dung theo
Quy định số 12-QĐ/TU, ngày 24/4/2019 của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giám
sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân
đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ
chủ chốt và cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Nghị quyết
liên tịch số 403/2017.
Xuân Tuấn