ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Đến với Khu di tích khảo cổ Cát Tiên…
Đăng ngày: 22-07-2019 02:57
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Nhân chuyến đi tặng sách vở cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Madagui (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), đoàn giáo viên và học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã đến tham quan Khu di tích khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) để hiểu thêm về những giá trị lịch sử - văn hóa của vùng đất này.

Khu di tích khảo cổ Cát Tiên còn được gọi với cái tên khác “Thánh Địa Cát Tiên” ở khu vực Tây nguyên và Đông Nam bộ. Nơi đây lưu giữ nhiều dấu tích về một nền văn hóa đặc sắc cách nay hơn 1.000 năm. Di tích Cát Tiên đã được công nhận là di tích quốc gia năm 1997 và di tích quốc gia đặc biệt năm 2014 (theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31-12-2014 của Thủ tướng chính phủ); di tích cũng nằm trong quần thể Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng bảo tồn, tôn tạo và quảng bá hình ảnh di tích với bạn bè trong và ngoài nước.

 

Giá trị lịch sử - văn hóa

 

Tại Nhà trưng bày di tích khảo cổ Cát Tiên, chị Đinh Thị Chung (nhân viên Phòng nghiệp vụ di tích, Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng) tiếp đón và hướng dẫn đoàn đi tham quan. Nhà trưng bày được xây dựng với diện tích khoảng 300m2, có 3 khu và thiết kế theo hình chữ U, giữa các khu có lối tham quan thông suốt nhau theo thứ tự từ trái sang phải. Nơi đây trưng bày hơn 200 hiện vật hình ảnh theo 3 chủ đề, gồm: khu bên trái trưng bày dấu ấn về di tích khảo cổ học Cát Tiên (chủ yếu nói về vùng đất di sản và những phát hiện đầu tiên về di tích); khu vực giữa giới thiệu các gò di tích, quá trình khai quật, đặc điểm kiến trúc và các hiện vật tiêu biểu; khu bên phải là các hoạt động của di tích, quá trình trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. 

 

Tham quan nhà trưng bày, đoàn bị cuốn hút ngay vào những câu chuyện hay, thú vị và những hiện vật kỳ lạ của nền văn hóa Óc Eo qua lời kể của chị Chung. Chị Chung chia sẻ, huyện Cát Tiên nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng, phía Đông giáp với huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng), phía Tây và Bắc giáp với tỉnh Bình Phước và phía Nam giáp với tỉnh Đồng Nai. Nơi đây được bao bọc bởi sông Đồng Nai và là nơi chuyển tiếp giữa hai địa hình miền núi và đồng bằng nên có hệ sinh thái đa dạng, phong phú. 

 

 8b.JPG

Chị Đinh Thị Chung, nhân viên Phòng nghiệp vụ di tích Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn đoàn tham quan di tích

Khu di tích Cát Tiên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, cận xích đạo, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Khu này nằm trong không gian của Vườn quốc gia Cát Tiên, có độ che phủ của rừng chiếm đến 80% nên bảo tồn rất nhiều các loài động, thực vật quý hiếm (1.610 loài thực vật và 1.568 loài động vật); trong đó có các loài động, thực vật quý hiếm: bò tót, hươu, nai, cá sấu, bằng lăng, cẩm lai, gõ… “Chính điều kiện tự nhiên thuận lợi nên Cát Tiên có dấu vết con người đến sinh sống từ rất sớm. Trong đó, di chỉ Phù Mỹ (Cát Tiên) là di chỉ tiền sử đầu tiên được phát hiện tại Lâm Đồng. Qua dấu vết khai quật được cho thấy, cư dân cổ Phù Mỹ có tại Cát Tiên cách ngày nay khoảng từ 2.500 - 2.700 năm và họ đã biết sản xuất đồ gốm, biết trồng lúa nước...”, chị Chung cho hay.

 

Hiện nay, huyện Cát Tiên có 27 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, người Mạ đã sinh sống ở đây khá lâu đời. Trước đây, người Mạ sống du canh du cư với nương rẫy là kinh tế đóng vai trò chủ yếu trong đời sống. Ngoài ra, các nghề thủ công truyền thống như: dệt, đan lát, nghề rèn sắt rất phát triển, đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp trong gia đình, cộng đồng. Ngày nay, người Mạ đã định canh định cư, phát triển kinh tế vườn. Họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng các loại cây công nghiệp như: cà phê, tiêu, cao su… nên đời sống kinh tế tương đối ổn định. 

 

Nói về di tích Cát Tiên, theo chị Chung, đây là một quần thể kiến trúc bằng gạch nằm rải rác trong một bồn địa, trải dài khoảng 15km theo tả ngạn sông Đồng Nai, từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng). Di tích được phát hiện từ năm 1985 và trải qua 8 đợt khai quật (từ năm 1994 - 2006) đã xuất hiện nhiều phế tích kiến trúc, như: đền tháp, mô tháp, hệ thống máng nước, đường đi cổ…; thu thập trên 1.000 hiện vật, đa dạng về chất liệu, như: vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm…; phong phú về loại hình như: tượng thần Ganesha, thần Uma, ngẫu tượng Linga-Yoni, hạt chuỗi, nhẫn, các lá vàng dập nổi và khắc chìm hình tượng các vị thần Bà La Môn giáo, các linh vật… 

 

Với quy mô của di tích và số lượng hiện vật thu thập được, các nhà khoa học nhận định, cư dân cổ ở đây chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, có mối quan hệ mật thiết với văn hóa Óc Eo, văn hóa Chăm Pa nhưng vẫn khẳng định tính độc lập của mình.

 

Tiềm năng du lịch

 

Một cán bộ phụ trách Khu di tích khảo cổ Cát Tiên cho biết, Khu di tích là một phát hiện lớn của ngành khảo cổ Việt Nam cuối thế kỷ XX, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ ở Nam bộ và Tây nguyên. Tư liệu khai quật khảo cổ cho thấy văn hóa Cát Tiên có quá trình lịch sử phát triển khá dài: giai đoạn sớm khoảng thế kỷ IV đến VI và giai đoạn muộn từ thế kỷ VII đến X sau Công nguyên. Đặc biệt quá trình phát triển của văn hóa Cát Tiên có mối quan hệ gần gũi với văn hóa Champa ở Nam Trung bộ và văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo của đồng bằng Nam bộ Việt Nam. Theo ý kiến của cố giáo sư Trần quốc Vượng trong hội thảo khoa học về Di tích khảo cổ Cát Tiên (năm 2001) đã kết luận: Di tích này có nhiều yếu tố bản địa độc đáo (nội sinh), đồng thời cũng có nhiều yếu tố bên ngoài (ngoại sinh). Các yếu tố ngoại sinh đã thấy từ phía Tây Nam là Chân Lạp và từ phía Đông Bắc là Champa, bao gồm cả về văn hóa hữu thể và vô thể. Có thể những yếu tố văn hóa hữu thể hơi nghiêng về Chân Lạp, còn những yếu tố vô thể lại nghiêng về Champa. Do vậy, di tích này có tính “đứng giữa và nó là chính nó”.

 

 8c.jpg

Đoàn chụp hình lưu niệm tại Nhà trưng bày di tích khảo cổ Cát Tiên

 

Hàng chục năm qua, Thánh địa Cát Tiên đã thu hút nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khảo cổ hàng đầu Việt Nam đến nghiên cứu. Nhiều hội thảo khoa học và diễn đàn được mở ra nhưng chủ nhân và niên đại của di tích vẫn còn là điều bí ẩn. Có người bảo đây là vương quốc Mạ, người khác nói có thể là tiểu quốc của Phù Nam, lại có ý kiến cho rằng đây là một quốc gia từng tồn tại song song với Phù Nam, Chân Lạp… Điều đó làm cho Khu di tích khảo cổ Cát Tiên thêm phần bí ẩn và hấp dẫn giới nghiên cứu cũng như du khách.

Năm 1997, Khu di tích khảo cổ Cát Tiên được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia và năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Khu di tích khảo cổ Cát Tiên được tỉnh Lâm Đồng nhận định sẽ là điểm đến mới của ngành du lịch, bởi ngoài những giá trị lịch sử và văn hóa thì vị trí địa lý rất thuận lợi cho các tour du lịch từ TP. Hồ Chí Minh đi Đà Lạt và các tỉnh Tây nguyên tới tham quan. Vì vậy, Di tích khảo cổ Cát Tiên đã và đang được đầu tư xây dựng thành một khu du lịch văn hóa, nghiên cứu lịch sử - sinh thái, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước tham quan. Đến nay, khu di tích đã đón hàng ngàn đoàn khách trong và ngoài nước, có năm đón hàng ngàn luợt du khách tới tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu.  

(Nguồn Báo Lao động Đồng Nai)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu