ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số cần thiết thực và hiệu quả
Đăng ngày: 03-07-2019 04:04
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Sau hơn ba tháng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, nhiều địa phương đã bắt đầu có những khởi động thực hiện đề án.

​Đầu tháng 6, một hội thảo khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức cũng thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc tham dự với nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi, đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực… Gần đây nhất, tại diễn đàn Quốc hội, trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng khẳng định cần thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa các dân tộc; xuất bản các sách báo, ấn phẩm bằng ngôn ngữ của đồng bào; đề xuất cần​ có cơ chế, chính sách khuyến khích bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn hóa nghệ thuật sử dụng tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường thuyết minh phim, sản xuất phim sử dụng tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; phục dựng các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, lễ hội... Có thể nói, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số đã thật sự trở thành mối quan tâm chung của cả xã hội, cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành…


Bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thời kỳ hội nhập
Hoạt động trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức thường niên góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, ứng dụng công nghệ 4.0 phủ sóng rộng rãi trên các lĩnh vực thì việc bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số như chữ viết, tiếng nói, âm nhạc dân gian, diễn xướng, phong tục, trang phục truyền thống… đang đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ trong bối cảnh nhiều yếu tố môi trường không còn phù hợp khiến văn hóa truyền thống bị biến đổi. Giới chuyên môn và dư luận luôn bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về các giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Trong xu thế hội nhập về văn hóa và ngôn ngữ, giao lưu văn hóa và kinh tế - xã hội, các yếu tố văn hóa như trang phục, ngôn ngữ cũng đã có những thay đổi nhanh chóng. Nghệ thuật diễn xướng, ca múa nhạc với sự hỗ trợ của công nghệ đã dần thay thế và làm cho nghệ thuật diễn xướng dân gian của các dân tộc thiểu số bị lấn át, lấn lướt, có sự lai tạp nhất định. Ngoài ra, cùng với sự phát triển về đời sống kinh tế, môi trường, không gian sinh hoạt văn hóa dân gian nguyên bản đã không còn phù hợp theo hình thức truyền miệng, thị hiếu cũng có sự thay đổi và được thay thế bằng những hình thức sinh hoạt văn nghệ mới…

Bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thời kỳ hội nhập

Lễ cưới, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). 

Từ thực trạng mai một các giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc, công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số đã và đang đòi hỏi sớm có những cơ chế, chính sách định hướng và hành động cụ thể, khuyến khích và tạo môi trường để cộng đồng các dân tộc thiểu số có thể giữ gìn, tiếp xúc, sử dụng các yếu tố văn hóa truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Trong đó, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức để đồng bào các dân tộc thêm tự hào, quý trọng những di sản văn hóa của mình, từ đó có ý thức hơn trong sử dụng tiếng nói, chữ viết, âm nhạc dân tộc… Bên cạnh đó, nên có các dự án hiệu quả trong sưu tầm, bảo tồn và phổ biến các kho tàng văn hóa, nghệ thuật cùng những văn bản bằng chữ dân tộc, có chính sách lưu giữ, dịch thuật các văn bản văn học và các tác phẩm nghệ thuật của dân tộc thiểu số. Xây dựng những bộ từ điển tiếng dân tộc, dạy ngôn ngữ dân tộc trong các trường phổ thông dân tộc nội trú để giới trẻ có thể biết và có ý thức giữ gìn ngôn ngữ dân tộc mình cũng là một ý kiến cần được lưu tâm để triển khai.

Vấn đề đặt ra là cần xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tập hợp, giúp đỡ các nghệ nhân văn hóa dân gian, tiến hành sưu tầm tư liệu, tài liệu về âm nhạc dân gian, tổ chức các lớp học hát dân ca do những nghệ nhân có kinh nghiệm giảng dạy cho thế hệ trẻ… Điều quan trọng là những việc làm cụ thể, thiết thực để việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống bản địa theo từng vùng miền, từng dân tộc phù hợp, đi vào thực chất, tạo chuyển biến rõ nét và hiệu quả.
(Nguồn Báo Nhân dân) 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu