Bộ đã có Công văn số 2229/BTNMT-TTTNMT ngày 15/5/2019 hướng dẫn các cơ quan, địa phương triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng trên phạm vi cả nước.
Các hoạt động tổ chức Tuần lễ Biển Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2019
Tập trung triển khai một số nội dung, giải pháp tuyên truyền theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, với các nội dung chủ yếu:
Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề có liên quan tới biển, đảo Việt Nam nhất là Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tám (Khó a XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Những cơ sở, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam.
Các văn bản luật pháp quốc tế, thỏa thuận song phương và đa phương giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan tới biển, đảo Việt Nam. Tuyên truyền về các hoạt động hợp tác quốc tế về biển, đảo, nghiên cứu khoa học, biến đổi khí hậu và những cam kết, hành động của Việt Nam đối với hiện tượng biến đổi khí hậu. Tổ chức các hoạt động phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Việt Nam với nước ngoài trong quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển tài nguyên, môi trường biển. Tăng cường tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ an ninh, trật tự an toàn khu vực ven biển và trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam, phát triển các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia, bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông. Tiếp tục tuyên truyền về tấm gương cá nhân và tập thể tiên tiến, điển hình trong các hoạt động phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Chú trọng công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, tiếp tục đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề Biển Đông và mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia có liên quan ở Biển Đông; trao đổi, đối thoại với các cá nhân, tổ chức có nhận thức chưa đúng, đầy đủ hoặc sai lệch quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, quan tâm đến tính đặc thù của từng đối tượng tuyên truyền.
Ngày Đại dương thế giới năm 2019 với chủ đề “Giới và Đại dương” và Ngày Môi trường thế giới năm 2019 với
chủ đề “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta”
Các hoạt động tổ chức Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019
Tập trung triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985A/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016, trong đó chú trọng một số giải pháp cụ thể sau:
Tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp.
Thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí thải đồng thời tăng cường xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí.
Thực hiện việc đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ cơ sở sản xuất có nguồn khí thải lớn theo danh mục tại Phụ lục Nghị định số 38/2015/NĐ-CP tới Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố có liên quan và Bộ Tài nguyên và Môi trường; thiết lập các điểm quan trắc môi trường không khí theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí xung quanh ở các đô thị đặc biệt và đô thị loại I trở lên.
Tập trung xử lý, kiểm soát và giám sát khí thải phát sinh từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác.
Đồng loạt triển khai tổ chức các hoạt động “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”, “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới, Ngày Môi trường thế giới năm 2019 trên phạm vi cả nước
Thực hiện chủ trương đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2019. Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo của người dân và cộng đồng, đồng thời phổ biến thông tin cho cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí và lợi ích của việc sử dụng các phương tiện công cộng đối với môi trường không khí.
Tập trung triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” với nội dung “Giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thư ngỏ số 161/LĐCP ngày 25 tháng 4 năm 2019; xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng của Bộ, ngành, địa phương; tích cực triển khai các chương trình cụ thể về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo.
Tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường, khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sản xuất và tái sử dụng chất thải nhựa; Phát động phong trào đi bộ, đi xe đạp, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy) để giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí; phong trào trồng cây xanh trong các khu đô thị, khu dân cư; hạn chế việc đốt chất thải nông nghiệp sau thu hoạch tại các khu vực nông thôn.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững và quản lý thống nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như: trồng cây xanh chắn cát, chống xó i lở và ngăn ngừa xâm nhập mặn, thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu,...
Tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với chủ đề là “Giới và Đại dương ” (Gender and The Oceans), “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” (Air Pollution) ở nơi công cộng, các đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường, phát triển bền vững bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Tháng hành động vì môi trường năm 2019 đặc biệt là tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm không khí đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng; định hướng các biện pháp giảm thiểu phát sinh khí thải độc hại trong đời sống hàng ngày; xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự vận động người dân cùng chung tay cải thiện chất lượng không khí ở mọi nơi, mọi chỗ.
Tổ chức các hội thảo, hội nghị, phóng sự về các chủ đề “Giới và đại dương”, “Giới và môi trường”, “Phụ nữ với ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu”...nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp có những đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan căn cứ điều kiện thực tế tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, “Tháng hành động vì môi trường”, gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngày Đại dương thế giới (ngày 08 tháng 6 hằng năm) do Liên Hợp Quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Ngày Đại dương Thế giới năm nay với chủ đề “Giới và Đại dương” (Gender and The Oceans) sẽ là cơ hội để khám phá các khía cạnh về giới trong mối quan hệ của loài người với các đại dương, như một lời kêu gọi chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh bằng cách kết nối, lan tỏa và truyền cảm hứng hướng tới bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến đại dương để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDGs) của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. Bên cạnh đó, chủ đề năm nay còn hướng tới xây dựng sự hiểu biết về giới, đại dương và khám phá những giải pháp khả thi để thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động liên quan đến đại dương như nghiên cứu khoa học biển, ngư nghiệp, lao động trên biển, di cư bằng đường biển, buôn bán người...; đồng thời, khuyến khích các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và tăng cường ngăn chặn rác thải nhựa trên biển vì một đại dương khỏe mạnh hơn, cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới (ngày 05 tháng 6) năm 2019 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn là “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” (Air Pollution) nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng cùng hành động trong việc giảm thiểu những chất độc hại ra môi trường không khí trong các hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn cầu. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội. |