ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) Vinh dự có mặt trong thời khắc lịch sử
Đăng ngày: 27-04-2019 11:46
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Gần 44 năm trôi qua, ông Trịnh Ngọc Ước (nguyên Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, hiện ngụ tại phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) vẫn nhớ như in thời khắc chứng kiến Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa 30-4-1975.

Bức ảnh chụp thời khắc lịch sử Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh (ngồi ngay micro) đọc lời tuyên bố đầu hàng có mặt ông Trịnh Ngọc Ước (đứng thứ 3 từ phải qua)  Ảnh: Tư liệu
Bức ảnh chụp thời khắc lịch sử Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh (ngồi ngay micro) đọc lời tuyên bố đầu hàng có mặt ông Trịnh Ngọc Ước (đứng thứ 3 từ phải qua) Ảnh: Tư liệu

Đến nay, ông Trịnh Ngọc Ước vẫn lưu giữ một tấm hình ghi lại thời khắc lịch sử đó khi ông cùng đồng đội đang chuẩn bị cho Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc bản tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn, ra lệnh cho toàn bộ lực lượng sĩ quan và binh lính đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng.

* Tiến vào giải phóng Sài Gòn

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Trịnh Ngọc Ước chuyển ngành về công tác tại tỉnh Đồng Nai. Ông từng công tác tại Ban Chỉ đạo quản lý thị trường tỉnh (nay là Cục Quản lý thị trường tỉnh), Văn phòng UBND tỉnh. Đến năm 2005, ông nghỉ hưu với cương vị sau cùng là Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh. Sau đó, ông tiếp tục đảm nhận vị trí Trưởng ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) tại Đồng Nai.

Là người lính trưởng thành trong Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) trên tuyến lửa Quảng Trị từ năm 1967. Khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Trịnh Ngọc Ước đã có mặt trong mũi nhọn tiến công vào giải phóng Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4-1975.

Ông Ước kể lại, trên đường hành quân vào Sài Gòn, Trung đoàn 66 có tham gia giải phóng Đà Nẵng; đập tan các cứ điểm phòng thủ khác của địch ở Phan Rang, Hàm Tân. Đặc biệt, đêm 21-4-1975, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 đánh thọc sâu vào TX.Hàm Tân. Chỉ sau 2 giờ tấn công, tiểu đoàn này đã nhanh chóng thông đường cho các đơn vị sau. Ngày ấy, đoàn quân tiến vào miền Nam đông như đi hội. Ai cũng đều rạo rực tinh thần chiến thắng vì đi đến đâu giải phóng đến đó, địch dần rút chạy.

Trên đường tiến về Sài Gòn, Trung đoàn 66 tới khu vực Đồn điền cao su Ông Quế vào sáng 23-4-1975 và được lực lượng địa phương chỉ đường băng qua các lô cao su hướng về Long Thành, áp sát Sài Gòn. Từ miền Trung xa xôi, chỉ trong mấy ngày, ông đã đi qua cả ngàn cây số, đập tan nhiều đơn vị địch, con đường tiến vào Sài Gòn đang rất gần. Dẫu biết rằng, trận đánh này có thể rất ác liệt vì phải đụng độ với các cụm tử thủ của địch ở Sài Gòn nhưng ông cùng đồng đội vẫn không lo sợ, chỉ mong ngày đặt chân đến Sài Gòn với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Đêm 26-4-1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, pháo của Quân đoàn 2 và Sư đoàn 304 của ông Trịnh Ngọc Ước đã bắn, chiếm được căn cứ Nước Trong (nay thuộc huyện Long Thành). Đây là một trận đánh ác liệt vì địch bố trí hỏa lực cùng các bãi mìn dày đặc và địch chiến đấu với tinh thần tử thủ nhưng cuối cùng cũng bị quân giải phóng đánh bại vào ngày 28-4-1975.

Sau trận đánh này, ông Trịnh Ngọc Ước được giao nhiệm vụ thông tin liên lạc trong đội hình của Quân đoàn 2 nhanh chóng đi đến xa lộ Biên Hòa về giải phóng Sài Gòn, mục tiêu cuối cùng là Dinh Độc Lập. Lực lượng này gồm Trung đoàn 66 của ông Trịnh Ngọc Ước và Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 203 (đây là đơn vị húc sập cánh cổng Dinh Độc Lập) cùng một số tiểu đoàn, đại đội bộ binh, pháo binh, công binh khác...

* Ký ức ngày đại thắng

Trên đường tiến ra xa lộ Biên Hòa,Trung đoàn 66 đụng một chốt địch tại khu vực cầu Sông Buông (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa ngày nay). Sau khi hạ được cụm phòng ngự của địch tại cầu Sông Buông, ông Ước cùng đồng đội ngồi trên các xe tăng, xe chở quân tiến vào Sài Gòn. Trên đường đi, các chiến sĩ của mũi tiến công này đã thấy nhiều binh lính địch rệu rã, ném bỏ bộ quân phục, vũ khí, đi bước thấp, bước cao đi trên xa lộ Biên Hòa đi về Sài Gòn. Lúc đó, ai ai cũng cảm thấy thời khắc thắng lợi đang đến rất gần.

Ông Trịnh Ngọc Ước chỉ bức ảnh có mặt ông trong khoảnh khắc lịch sử Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng
Ông Trịnh Ngọc Ước chỉ bức ảnh có mặt ông trong khoảnh khắc lịch sử Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng

Ông Trịnh Ngọc Ước cho biết: “Xe chở chúng tôi vượt qua cầu Sài Gòn, đến Hàng Xanh đang lúng túng trước giao lộ lớn thì có một người cầm tấm vải đỏ vẫy tay ra hiệu đi theo ông. Khi xe chở tôi đi theo đến khu vực Thảo Cầm Viên ngày nay thì toán xe tăng thuộc Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 203 phía trước đã húc vào cổng Dinh Độc Lập. Xe jeep chở Trung đoàn phó Trung đoàn 88 Phạm Xuân Thệ chạy lên trước, xe tải chở chúng tôi bám sát theo sau. Anh em khi đó mừng lắm, ai cũng cầm vũ khí trong tay để sẵn sàng, cảnh giác khi bị địch đánh bất ngờ”.

Tuy nhiên theo ông Ước: “Không ngờ đường vào Dinh Độc Lập thuận lợi đến vậy, không một tên lính nào chống cự dù chúng vẫn còn bên trong dinh. Xe vào đến bãi cỏ trong dinh, chúng tôi nhảy xuống, lao vào cửa lớn và là một trong những lực lượng đầu tiên tiếp cận vào Dinh Độc Lập. Chỉ ít phút sau đó, quân giải phóng đã tràn vào đông nghẹt trong và ngoài dinh”.

Trong quá trình đưa Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn (cách Dinh Độc Lập khoảng 2km), ông Ước cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ nhận lệnh đi theo để vừa bảo vệ các chỉ huy của đơn vị, vừa bảo vệ cho Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh vì khi đó ông ta đã tỏ thái độ hợp tác, sẵn sàng làm theo yêu cầu của quân giải phóng. Khi đến nơi, quân giải phóng đã chiếm giữ được đài.

Khi vào trong đài, vào phòng thu âm, ông Ước tiếp tục nhận lệnh đi theo sát Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh nên mới có mặt trong bức ảnh do một nhà báo người Pháp chụp ghi lại giây phút lịch sử đó. Trong tấm hình này còn có 3 đồng đội khác của ông, trong đó có Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66. “Lúc đó, không khí rất tất bật, khẩn trương. Từ lúc vào đài đến lúc ra khỏi đài khoảng 1 tiếng” - ông Ước kể lại. 

“Khi trực tiếp nghe Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng và yêu cầu binh lính buông súng vô điều kiện vào trưa 30-4-1975, tất cả chúng tôi  như vỡ òa hạnh phúc, mừng vui tột độ, không thể nào tả hết. Với thế hệ chúng tôi, hòa bình là điều thực sự đáng quý sau nhiều năm đất nước chịu cảnh chiến tranh, chia cắt” - ông Trịnh Ngọc Ước bộc bạch.

Minh Thành

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu