ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2018: Tôn vinh đúng người, tăng thêm động lực
Đăng ngày: 18-04-2019 05:24
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Sáng 19-4, Tỉnh ủy - HĐND - UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổ chức lễ tôn vinh điển hình tiên tiến tiêu biểu, tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2018 và ký kết giao ước thi đua năm 2019.

 
Kỹ sư cơ khí Nguyễn Đình Lộc, Phòng Kỹ thuật cơ điện và môi trường Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai điều chỉnh máy móc giúp công nhân sản xuất  Ảnh: C.Nghĩa
Kỹ sư cơ khí Nguyễn Đình Lộc, Phòng Kỹ thuật cơ điện và môi trường Tổng công ty
công nghiệp thực phẩm Đồng Nai điều chỉnh máy móc giúp công nhân sản xuất Ảnh: C.Nghĩa

Theo Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh, lễ tôn vinh lần này có nhiều đổi mới khi các tập thể và cá nhân được tôn vinh chủ yếu được lựa chọn từ cơ sở, đã và đang có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

* Đóng góp thầm lặng

Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2018 và ký kết giao ước thi đua yêu nước năm 2019, ngoài khen thưởng cho 12 tập thể và 33 cá nhân tiên tiến tiêu biểu, UBND tỉnh còn tặng cờ thi đua và bằng khen cho các cụm, khối, đơn vị tiêu biểu của các cụm khối thi đua của tỉnh có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2018.

Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh mỗi năm đưa ra ánh sáng hàng trăm vụ án, đặc biệt có những vụ nghiêm trọng được phá thành công trong thời gian rất ngắn.

Điển hình là vụ bắt đối tượng Huỳnh Trí Tâm, một đối tượng cốt cán trong nhóm phản động lưu vong với tên gọi Đảng cộng hòa Việt Nam. Tâm và một số đối tượng bị bắt trong vòng 48 giờ vào dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua khi đang nhen nhóm ý định bắt cóc và ám sát người. Các đối tượng này còn thường xuyên đăng tải những bài viết châm biếm, đả kích, nói xấu lãnh tụ, cán bộ cấp cao, kêu gọi chống phá Đảng, Nhà nước, đòi thay đổi chế độ.

Thượng tá Hoàng Liên Sơn, Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh cho hay: “Chúng tôi quan niệm việc đưa những vụ án ra ánh sáng, ngăn chặn kịp thời âm mưu đen tối của tội phạm và các thế lực thù địch sớm giờ nào tốt giờ đó. Chính vì vậy, khi phát hiện sự việc chúng tôi đều tập trung giải quyết với tinh thần cao nhất, không kể ngày hay đêm, không để tội phạm có thời gian gây thêm tội ác và không để lọt tội phạm”.

Còn tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, mỗi ngày tiếp đón và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhi ở khắp các địa phương chuyển đến. Có nhiều thời điểm bệnh dịch sốt xuất huyết, sởi, chân tay miệng bùng phát, lượng bệnh nhi tăng cao đột biến khiến áp lực với mỗi y bác sĩ rất lớn, đòi hỏi tinh thần và trách nhiệm cao.

Thạc sĩ, bác sĩ CK II Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng khám và điều trị, giảm các ca bệnh phải chuyển lên tuyến trên, bệnh viện đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc hiện đại, kỹ thuật mới trong khám và điều trị. Bên cạnh thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, bệnh viện rất coi trọng bồi dưỡng y đức cho  bác sĩ, nhân viên y tế trẻ với tinh thần coi bệnh nhi như chính người nhà”.

Vài năm trước, xã Bảo Quang còn là xã khó khăn của TX.Long Khánh. Tuy nhiên, xã Bảo Quang hôm nay có diện mạo hoàn toàn mới khi đã trở thành xã nông thôn mới, đời sống người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ nét…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ  Việt Nam xã Bảo Quang Lương Thị Bảo Thùy cho biết, một trong những yếu tố quan trọng giúp xã Bảo Quang xây dựng thành công xã nông thôn mới chính là kết hợp tốt giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm. Điển hình như việc kéo 8,8km đường dây điện hạ thế hết 11 tỷ đồng thì nhân dân tự nguyện đóng góp trên 2 tỷ đồng hay đầu tư kéo điện thắp sáng các ngõ hẻm đều do dân đóng góp. Việc xây sửa lại 220 căn nhà tình thương với kinh phí 5,7 tỷ đồng cho các hộ khó khăn về nhà ở đều do xã đứng ra vận động các mạnh thường quân ủng hộ…

* Chú trọng khen thưởng từ cơ sở

Quy trình thẩm định, xử lý hồ sơ đề nghị khen thưởng ngày càng chặt chẽ, khoa học, đặc biệt khen thưởng các phong trào thi đua chuyên đề ngày càng được nâng cao về chất lượng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không có tác dụng nêu gương.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng ban Thi đua - khen thưởng tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh, thời gian qua Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh đang tích cực đổi mới nâng cao từ hình thức và chất lượng các cuộc thi đua, đảm bảo tính khách quan, đúng đối tượng. Một trong những đối tượng được đặc biệt hướng đến khen thưởng nhiều hơn đó chính là những lao động trực tiếp, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, người dân ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Cô Phạm Thị Bạch Huệ có hơn 20 năm gắn bó với việc dạy học và dạy nghề cho học sinh khuyết tật tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai (thuộc Sở GD-ĐT) là một trong số 33 cá nhân được tôn vinh điển hình tiên tiến lần này. Cô Huệ cho biết, nhiều em được cha mẹ gửi đến chỉ có mong muốn duy nhất là con mình biết đọc, biết viết, biết giao tiếp. Nhưng với tấm lòng của cô dành cho học trò, các em đã không chỉ biết đọc, biết viết, biết giao tiếp mà còn có được nghề nghiệp ổn định, sống có ích khi trưởng thành. 

Những năm qua cô Huệ đã cùng với tập thể của trung tâm thực hiện mô hình Từ trường học đến việc làm bằng việc liên kết mở các lớp dạy nghề may, sửa chữa máy may công nghiệp, làm bánh kem, làm tóc, làm tranh đá… cho học sinh khuyết tật của trung tâm. Thông qua những lớp học này nhiều em đã có việc làm ổn định với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Ông K’Nhổn (người dân tộc Châu Mạ ở ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) đã vươn lên vượt nghèo bằng mô hình nuôi bò sinh sản. Chỉ với 7 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo với lãi suất ưu đãi dùng để mua bò sinh sản, đến nay ông  K’Nhổn đã có đàn bò với 20 con.

Sau hơn 5 năm gắn bó với nghề nuôi bò sinh sản, giờ đây ông K’Nhổn không chỉ cung cấp bò giống, mà còn là người truyền kinh nghiệm chăm sóc bò sinh trưởng tốt cho một số hộ khác trong xã. “Từ việc nuôi bò, tôi đã sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt trong gia đình như tivi, xe máy, đầu tư cho con học hành. Nếu đàn bò tiếp tục phát triển ổn định như thời gian qua, tôi hoàn toàn có thể từ hộ nghèo trở thành hộ khá của ấp” - ông K’Nhổn cho hay.

* Tạo động lực lớn

Hơn 10 năm làm việc tại Phòng Kỹ thuật cơ điện và môi trường Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, kỹ sư cơ khí Nguyễn Đình Lộc có đến 10 năm được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó có 4 lần được nhận bằng khen của UBND tỉnh, 3 lần được công nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và 1 lần nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Anh Lộc đã có hàng chục sáng kiến giúp nâng cao hiệu suất máy móc, công sức của người lao động; đồng thời đem lại hiệu quả cho công ty thông qua tiết kiệm chi phí sửa chữa, mua sắm máy móc mới và nâng cao hiệu quả năng suất lao động. Anh Lộc cho hay: “Tôi làm việc vì đam mê đồng thời rất tự hào vì mình chỉ là một lao động trực tiếp nhưng đã “sở hữu” rất nhiều danh hiệu thi đua. Đó thực sự là một động lực lớn với tôi”.

Tại Hội nghị triển khai công tác thi đua - khen thưởng cụm thi đua các tỉnh Đông Nam bộ tổ chức tại Đồng Nai tháng 3 vừa qua, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao công tác đổi mới thi đua - khen thưởng của tỉnh Đồng Nai. Một trong những điểm nhấn trong công tác này là việc khen thưởng nhiều hơn cho lao động trực tiếp và thành tích đột xuất.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng: “Nhờ đổi mới công tác khen thưởng cho người lao động trực tiếp và đột xuất đã tạo ra động lực và sức sản xuất rất lớn qua đó kích thích, nảy nở thêm nhiều tấm gương điển hình người tốt, việc tốt, nhất là trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính…”.

(Nguôn: Báo Đồng Nai)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu