ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10-3 (âm lịch): Đến đền thờ Hùng Vương, ngưỡng vọng tiền nhân
Đăng ngày: 12-04-2019 04:59
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Chỉ còn 2 ngày nữa lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 bước vào chính hội. Hòa trong không khí ấy, người dân Biên Hòa - Đồng Nai tự hào về đền thờ Quốc tổ Hùng Vương trên quê hương mình. Đền thờ tọa lạc ở nhiều địa phương trong tỉnh như phường Bình Đa (TP. Biên Hòa); xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) hay Công viên Văn hóa Hùng Vương (huyện Trảng Bom)…

Có dịp đến các di tích này trong những ngày tháng 3, dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, cờ xí ngập đường chào đón những người con của mọi miền đất nước tập hợp về đây để giỗ Tổ Hùng Vương, các bậc tiền nhân và anh hùng liệt sĩ đã góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành kính ngưỡng vọng 

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 10-3 (âm lịch), UBND TP. Biên Hòa phối hợp với đơn vị liên quan long trọng tổ chức lễ giỗ Tổ tại đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (phường Bình Đa). Đây là dịp để các cấp chính quyền cùng người dân và du khách trên địa bàn đến dâng hương, hướng về cội nguồn dân tộc.

Vào năm 2016, đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (phường Bình Đa) vinh dự đón nhận di tích cấp tỉnh. Bên trong đền, nơi trang trọng nhất thờ vua Hùng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng Ban trị sự đền thờ Quốc tổ Hùng Vương cho biết: Nếu như các năm trước, phần hội của lễ giỗ Tổ được tổ chức tại UBND phường Bình Đa thì năm nay được tổ chức ngay tại đền. Có được điều này là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về mặt bằng trước cổng đền, góp phần mở rộng không gian, tạo điều kiện cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh.

12.JPG
Lễ rước bánh chưng, bánh giầy tại Công viên Văn hóa Hùng Vương (huyện Trảng Bom) năm 2018

Đến đền thờ Quốc tổ Hùng Vương mới cảm nhận được hết vẻ đẹp, sự yên tĩnh, nét cổ kính và linh thiêng của đền. Khi dâng hương lên Vua Hùng và Bác Hồ, có thể cảm nhận rõ nét về thế giới tôn nghiêm, linh thiêng của thời xa xưa. “Đền thờ Quốc tổ được xem là một phần không thể thiếu trong tâm thức người dân Biên Hòa - Đồng Nai, trở thành biểu tượng của lòng tri ân, hướng về nguồn cội, ngưỡng vọng công đức Vua Hùng và các bậc tiền nhân. Đây là nơi hội tụ sức mạnh và niềm tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Và đương nhiên, đền thờ này cùng với Lễ giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm trở thành một trong những địa chỉ văn hóa  du lịch hấp dẫn mọi người”, ông Nguyễn Văn Cận nói.

Mặc dù mới đi vào hoạt động một năm nay nhưng Công viên Văn hóa Hùng Vương (huyện Trảng Bom) thu hút rất đông người dân địa phương, du khách, nhất là học sinh, sinh viên đến dâng hương, tưởng nhớ vua Hùng vào dịp 10-3. Theo Giám đốc Thư viện - Nhà truyền thống huyện Trảng Bom Tăng Thùy Phương Khánh, năm vừa qua, các tầng lớp nhân dân đến công viên văn hóa khá đông và thường xuyên. Một mặt để dâng hương tri ân công đức tổ tiên, cầu mong sức khỏe, bình an, mặt khác để vui chơi giải trí. Đây là nét sinh hoạt văn hóa mới của vùng đất Trảng Bom cũng như của các địa phương lân cận.

“Trong lễ Giỗ Tổ năm nay, Trảng Bom tiếp tục khánh thành Công viên Văn hóa Hùng Vương giai đoạn 2 gồm các hạng mục như nhà triển lãm, nhà trưng bày hiện vật và nhiều hạng mục quan trọng khác… Sau phần nghi lễ sẽ là nghi thức dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính tổ tiên đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước. Các thế hệ chúng ta vô cùng trân trọng về những giá trị mà các thế hệ đi trước đã gây dựng, hun đúc nên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai 320 năm hình thành và phát triển”, bà  Khánh chia sẻ.

Thường xuyên đến thắp hương tưởng nhớ Vua Hùng, anh Nguyễn Phú Hữu (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) phấn khởi cho biết, việc chính quyền xây dựng công viên văn hóa đã giúp bà con nơi đây hiểu hơn về lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử các đời Vua Hùng: “Đến đây, trước là để tâm thoải mái, sau là cầu mong gia đình bình an, hạnh phúc. Tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi và bà con nơi đây sẽ cùng ý thức gìn giữ, bảo vệ giá trị văn hóa của công viên này”.

Phong phú các hoạt động truyền thống

Bên cạnh phần lễ thiêng liêng của ngày giỗ Tổ, tại các đền thờ Hùng Vương sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Trước lễ giỗ chính, tại đền thờ Quốc tổ Hùng Vương TP. Biên Hòa sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - thể thao, tạo không khí tươi vui, phấn khởi trong lễ hội như nấu bánh chưng, bánh giầy; kết mâm ngũ quả; biểu diễn đờn ca tài tử; trình diễn thư pháp, ẩm thực; trò chơi dân gian… Để lễ hội diễn ra phong phú, trong lễ giỗ, sẽ có hoạt động rước bánh chưng, bánh giầy do các đoàn viên, thanh niên tự tay gói từ Trung tâm Văn miếu Trấn Biên về đền, dâng lên Quốc tổ Hùng Vương. Ban tổ chức sẽ trao giải cho các cá nhân, đơn vị tham gia các hội thi hướng về ngày giỗ Tổ.

Tương tự, tại Công viên Văn hóa Hùng Vương ở huyện Trảng Bom cũng sẽ diễn ra các hoạt động rước bánh chưng, bánh giầy dâng lên Vua Hùng. Các xã, thị trấn của huyện có sản vật cũng sẽ dâng lên Vua Hùng trong lễ giỗ. Học sinh, đoàn viên thanh niên tham gia biểu diễn văn nghệ “Con Rồng cháu Tiên”, hát xoan Phú Thọ. Tại đây cũng tổ chức trưng bày triển lãm, giới thiệu hơn 500 hình ảnh, 30 hiện vật về bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; hình ảnh đẹp về Trảng Bom và quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện; các mô hình bản sắc Việt 3 miền Bắc - Trung - Nam…

Cũng theo Giám đốc Thư viện - Nhà truyền thống huyện Trảng Bom Tăng Thùy Phương Khánh, Công viên Văn hóa Hùng Vương từ khi ra đời và hoạt động đã trở thành một biểu trưng tín ngưỡng tri ân cội nguồn địa phương và của tỉnh. Đây cũng là địa điểm để giới thiệu các giá trị văn hóa của Trảng Bom nói riêng và Đồng Nai nói chung. Lễ giỗ Tổ được tổ chức mang đậm tính truyền thống, kết hợp các hoạt động giới thiệu và quảng bá văn hóa sẽ là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.

Có thể nói, việc tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Biên Hòa - Đồng Nai không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống hướng về đất Tổ mà còn có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh giá trị của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, nâng cao truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và lòng tôn kính đối với tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Lễ giỗ Tổ cũng nhằm quảng bá các giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh. 

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019

Từ ngày 12 đến 14-4 (tức mùng 8 đến 10 tháng 3 năm Kỷ Hợi) tại Phú Thọ sẽ diễn ra lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019. Lễ giỗ năm nay có sự tham gia góp giỗ của 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La. Bên cạnh các hoạt động trong phần lễ giỗ chính, còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức như: biểu diễn nghệ thuật và lễ hội văn hóa dân gian đường phố, hội sách Đất Tổ; hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền; bắn pháo hoa tầm thấp... Đây được xem là tiền đề để tỉnh Phú Thọ hướng tới tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng cấp quốc gia vào năm 2020.


(Nguồn Báo Lao động Đồng Nai)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu