Buổi sáng, cho ý kiến về các vấn đề còn có quan điểm khác nhau của dự án Luật Kiến trúc, Ủy ban Thường vụ QH cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật như Tờ trình của Chính phủ, vì phản ánh được đầy đủ các chế định cần thiết trong hoạt động kiến trúc, đáp ứng mục tiêu quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Nhiều đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là cần thiết. Nhưng dự thảo luật không thể mô tả cụ thể nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc cũng như bản sắc văn hóa trong kiến trúc của từng dân tộc, bởi vì đây là những yếu tố đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, cần bổ sung các quy định và làm rõ nội hàm của bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc theo hướng bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa nghệ thuật; phong tục tập quán sinh hoạt của địa phương; phương pháp kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu xây dựng… Ðồng thời, quy định các địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc theo quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp từng vùng, miền.
Một số ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa. Vì thế, không ít công trình trong số này đã và đang xuống cấp và bị xâm hại; việc tu bổ, phục hồi chưa phù hợp… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do cơ sở pháp lý chưa thật sự đầy đủ, cho nên để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của loại công trình này, dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể hơn nữa, bảo đảm phát huy hiệu quả mà không chồng chéo với các quy định của pháp luật liên quan.