Suốt 7 thập kỷ tồn tại, Liên Xô thực
sự là thành trì vững chắc của các nước xã hội chủ nghĩa, cổ vũ phong trào đấu
tranh giải phóng dân tộc của nhiều nước thuộc địa, phụ thuộc, trong đó có Việt
Nam, giúp đỡ ta về mọi mặt vật chất, tinh thần, đào tạo cán bộ... Những người
có may mắn học tập tại Liên Xô ngày ấy vẫn mãi khắc ghi tình người sâu đậm,
tình bạn thủy chung của xứ sở Bạch Dương.
Ưu tiên đặc biệt học sinh Việt Nam
Trong căn nhà nhỏ tại đường Hồ
Văn Đại, TS. Huỳnh Văn Tâm, nguyên cựu sinh viên, nghiên cứu sinh tại Đại học
Ki- si- nhốp và Học viện Kiep còn nhớ rất rõ cái buổi đầu đặt chân tới Quảng
trường đỏ (Thủ đô Maxcơva). “Lúc đó, gần trưa theo giờ Việt Nam một ngày cuối
tháng 8 năm 1962, tôi là một trong những thành viên của đoàn sinh viên được đến
học tập tại Khoa sinh, Trường Đại học Ki- si- nhốp. Vừa đặt chân tới Thủ đô
Matxcơva, chúng tôi được người phụ trách đó, đưa chúng tôi ra thăm Quảng trường
đỏ, chụp hình lưu niệm với Hồng quân Liên Xô rồi lên tàu trở về Đại học Ki- si-
nhốp. Ấn tượng đẹp ban đầu cùng với sự quan tâm tận tình của thầy cô giáo, sự
giúp đỡ vô tư của những người bạn Nga đã giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ
quê hương”, ông Tâm nói.
Ông Tâm kể về người thầy hướng dẫn TS khi học tại học viện Kiep
Tốt nghiệp Đại học Ki- si- nhốp,
năm 1967, ông Tâm về tiếp tục công tác tại Khoa Sinh, Đại học Tổng hợp Hà Nội
cho đến đầu năm 1971, ông trở lại Liên Xô làm Nghiên cứu sinh ở Học viện Kiep.
Ngoài sự giúp đỡ tận tình của những người bạn Nga, những giáo sư hướng dẫn khoa
học thực sự là tấm gương sáng để chúng tôi học tập, nghiên cứu. Dù họ tuổi cao,
nhưng họ làm việc nhiệt tình, không nghỉ hưu. Ông Tâm kể: “Biết được hoàn cảnh
Việt Nam đang chiến tranh nên mỗi buổi sáng sớm vào phòng nghiên cứu, giáo sư của
tôi đều thông báo nhanh tình hình Việt Nam thắng lợi ở những mặt trận nào, vừa
cổ vũ tinh thần học tập vừa động viên chúng tôi vươn lên trong nghiên cứu”.
Anh Lê Phát Hiển tại phòng làm việc
Cũng là một người từng học qua 2
trường tại Liên Xô, anh Lê Phát Hiển, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và công nghệ
(Sở KHCN) kể lại, anh được đến Liên Xô học tập vào năm 1983, lúc đó học tại trường
nghề Rustassi đến năm 1986, tốt nghiệp chuyển lên học tại Trường Đại học Bách
khoa TP. Vladimia, một thành phố cổ nổi tiếng của Nga trước đây. “Ấn tượng đầu
tiên khi đặt chân đến Matxcơva chúng tôi được Phó hiệu trưởng trường nghề phụ
trách học sinh nước ngoài lên tận Sân bay đón dù khoảng cách từ Matxcơva về trường
trên 2000 km. Trong suốt quá trình học tập, hầu hết học viên nước ngoài đều được
quan tâm, nhưng với học sinh Việt Nam thì được ưu tiên đặc biệt, bất kỳ nơi nào
chỉ cần biết là sinh viên đến từ Việt Nam thì họ luôn thán phục, tạo mọi điều
kiện để học tập, làm việc. “Khi mới sang, vốn ngoại ngữ của tôi chưa nhiều
nhưng nhờ các bạn Liên Xô tận tình chỉ bảo, giúp đỡ, mọi khó khăn bước đầu qua
đi, giúp chúng tôi hòa nhập với môi trường học tập mới, tham gia các hội thảo
khoa học, giao lưu và tham quan TP. Lêningrat, hiểu được các địa danh đêm trắng
Sochi hay biển Đen tuyệt đẹp của nước bạn...”, anh Hiển nói.
Đại tá Ngọc và tập thể học viên tại Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô
Với Đại tá Nguyễn Quang Ngọc, Trưởng
phòng Hậu Cần, Cảnh sát PCCC tỉnh nhớ rất rõ những kỷ niệm, tình nghĩa mà những
người bạn Nga đã dành cho anh sau 4 năm học tập tại Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô.
Dù vào thời điểm Liên Xô đang khủng hoảng nhưng học viên Việt Nam luôn được bạn
ưu tiên, dành mọi điều kiện tốt nhất để học tập, nghiên cứu. Học viện Bộ Nội vụ
Liên Xô là một trung tâm đào tạo lớn của Liên Xô và ngành Nội vụ Xô Viết. Nơi
đây tập trung nhiều nhà khoa học lớn như GS.TS R.S Belkin, GS.TS G.G. Zuicop,
GS.TS E. Mincopxki... nhưng các thầy, cô rất quý chúng tôi xong rất nghiêm khắc
về khoa học. Đại tá Ngọc chia sẻ: “Tôi đã đọc rất nhiều sách về Khoa học hình sự,
quản lý, trinh sát. Điều mà tôi học được nhiều nhất sau 4 năm ở nước bạn chính
là tình người, tinh thần đoàn kết, có điều kiện nghiên cứu lý luận, vận dụng thực
tiễn và những người bạn Nga luôn chân thành, dành những tình cảm đặc biệt quý mến
cho học sinh Việt Nam”....
Ánh sáng khắp năm châu
Trong quá trình đi tìm đường cứu
nước, nghiên cứu các cuộc cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận
xét, các cuộc cách mạng tư sản như Anh, Pháp, Mỹ chỉ là thay thế từ hình thức
bóc lột này bằng một hình thức bóc lột khác mà người nông dân và giai cấp vô sản
vẫn cực khổ. Còn cách mạng tháng Mười Nga mới thực sự mang lại ánh sáng cho khắp
năm châu, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, bóc lột đứng lên để giải phóng cho
mình và dân tộc mình.
Trở lại lịch sử vào thời điểm đầu
thế kỷ XX, nước Nga tồn tại rất nhiều mâu thuẫn dân tộc, giai cấp. Nhiều cuộc đấu
tranh, biểu tình của các tầng lớp nhân dân phản đối chế độ Nga hoàng, phản đối
việc đẩy nước Nga vào cuộc chiến tranh đế quốc diễn ra khắp nơi. Cuộc cách mạng
tháng Hai năm 1917 đã thành công, đưa đến cục diện 2 chính quyền song song tồn
tại: Xô viết các đại biểu (chính quyền của giai cấp vô sản) và Chính phủ lâm thời
(chính quyền của giai cấp tư sản). Cục diện này không thể tồn tại lâu dài, Đảng
Bôn sê vích Nga và lãnh tụ thiên tài Lênin đã lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng
tháng Mười vào đêm 25-10 (lịch Nga) tức ngày 7-11-1917.
GS.TS Dương Xuân Ngọc (ngoài cùng bìa trái) cùng đồng nghiệp từng học tại Liên Xô dịp gặp mặt KN CMT10
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng
tháng Mười đã mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại, có ý nghĩa to lớn đối
với phong trào cách mạng trên thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói
riêng.
GS, TS. Dương Xuân Ngọc, nguyên
Phó giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền cho rằng, hầu hết thế hệ như
chúng tôi và những người có may mắn được học tập, công tác tại Liên Xô thời đó
đều được tiếp cận, nghiên cứu những luận điểm của Cách mạng tháng Mười- Cuộc
cách mạng đã làm thay đổi vận mệnh nhiều dân tộc. Những ngày tháng tươi đẹp được
học tập tại nước bạn sẽ mãi mãi là kỷ niệm đẹp trong mỗi người từng may mắn được
đến với xứ sở Bạch Dương mà khởi đầu từ ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga mang
lại./.
Vĩnh Hà