|
Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Công ty CP Gốm Việt Thành (thành phố Biên Hòa) |
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường
xuất khẩu có nhiều biến động, việc tìm kiếm và mở rộng các kênh xúc tiến thương
mại trở thành yếu tố then chốt để gốm Biên Hòa không chỉ giữ vững thị trường
truyền thống, mà còn phát triển, mở rộng thêm các thị trường tiềm năng trong thời
gian tới.
Đặc biệt, một trong những sự kiện kết
nối giao thương nổi bật trong năm nay là Festival Gốm truyền
thống Biên Hòa sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 này.
Kết nối nhiều hình thức quảng bá sản
phẩm
Công ty CP Gốm Việt Thành là một
trong những đơn vị có bề dày truyền thống trong sản xuất gốm sứ tại Đồng Nai.
Trong thời gian qua, công ty đã và đang chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc
tiến thương mại hiệu quả.
Giám đốc Công ty CP Gốm Việt Thành
Nguyễn Huỳnh Thiên Phúc chia sẻ: “Với đặc thù doanh nghiệp (DN) chủ lực về xuất
khẩu hàng thủ công mỹ nghệ gốm sứ, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến xúc tiến
thương mại, đẩy mạnh giao thương, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường”.
Theo đó, Gốm Việt Thành tích cực
tham gia các hội chợ quốc tế uy tín. Đây là cơ hội để DN gặp gỡ các đối tác
truyền thống, đồng thời tìm kiếm những khách hàng tiềm năng mới. Bên cạnh đó,
DN cũng hưởng ứng và tham gia đầy đủ các chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh
Đồng Nai tổ chức, thể hiện sự gắn kết và đồng hành với sự phát triển chung của
ngành gốm địa phương.
Bên cạnh đó, Gốm Việt Thành đã chủ
động ứng dụng chuyển đổi số vào công tác xúc tiến thương mại. Một trong những
hình thức nổi bật là việc sử dụng công nghệ hình ảnh 3D để giới thiệu showroom
trực tuyến.
“Khách hàng ở xa không cần phải đến
trực tiếp vẫn có thể tham quan không gian trưng bày sản phẩm của chúng tôi một
cách chân thực thông qua các đường link 3D. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng
đến các công cụ kỹ thuật số khác như quảng cáo trực tuyến trên Google và các nền
tảng mạng xã hội; đồng thời, xây dựng website hiện đại, thân thiện với người
dùng để tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng” - ông Phúc cho biết thêm.
Giám đốc Công ty TNHH Gốm Phong Sơn
(trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa) Hứa Mỹ Chiêu cho
hay, thị trường xuất khẩu của DN tập trung vào Mỹ và Australia. Trước đây, thị
trường Mỹ rất ổn định nhưng việc áp thuế đối ứng tới đây gây ra những xáo trộn
không nhỏ. Các DN gốm Biên Hòa nói chung và Gốm Phong Sơn nói riêng đang chủ động
tìm kiếm cơ hội từ thị trường nội địa và các thị trường khác.
“Chúng tôi vẫn duy trì việc tham
gia các hội chợ trong nước như Lifestyle và các hội chợ thương mại tại Thành phố
Hồ Chí Minh. Bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực, với sự quan tâm lớn từ
khách tham quan, phần lớn đến từ thị trường châu Âu” - ông Mỹ Chiêu chia sẻ.
Kỳ vọng tạo dấu ấn lịch sử tại
Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai 2025
Một sự kiện đặc biệt quan trọng
trong năm 2025, thể hiện nỗ lực lớn của cả DN và chính quyền địa phương chính
là Festival Gốm truyền thống Biên Hoà được tổ chức từ ngày 27 đến 30-4.
Sản phẩm gốm Biên Hòa với bề dày lịch sử, độc đáo ở màu men, kiểu dáng và kỹ thuật trang trí hoa văn.
Giám đốc Công ty CP Gốm Việt Thành
Nguyễn Huỳnh Thiên Phúc nhấn mạnh: “Festival Gốm truyền thống Biên Hòa là một
trong những dấu ấn mang tính lịch sử cho ngành gốm Biên Hòa - Đồng Nai, đặc biệt
trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Công tác chuẩn bị cho festival đang
được Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai và Công ty Gốm Việt Thành triển khai một
cách chu đáo, nổi bật trong đó là việc xây dựng cổng chào Cụm công nghiệp gốm sứ
Tân Hạnh, cũng như thiết kế gian hàng và chuẩn bị sản phẩm đặc sắc chào mừng
Festival Gốm truyền thống Biên Hòa.
Phó giám đốc phụ trách Trung tâm
Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) Nguyễn Văn Lĩnh chia sẻ, nghề làm
gốm ở Biên Hòa là một nghề truyền thống quý báu của vùng đất Nam Bộ. Theo đó, Đồng
Nai đã có kế hoạch tổ chức Festival Gốm truyền thống trong năm 2025 nhằm quảng
bá nghề gốm thủ công mỹ nghệ đến du khách trong và ngoài nước. Sự kiện được tổ
chức tại Trung tâm Sự kiện và đối ngoại của tỉnh, đồng thời kết hợp với Lễ hội
Khinh khí cầu để tăng cường hiệu quả quảng bá. “Thời gian qua, tỉnh đã có những
chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất gốm di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân
Hạnh (thành phố Biên Hòa), tạo điều kiện để các DN đổi mới công nghệ sản xuất,
nâng cao chất lượng sản phẩm. Song song đó, công tác xúc tiến thương mại cũng
được tỉnh chú trọng thông qua việc tổ chức cho các DN tham gia các hội chợ triển
lãm quốc tế” - ông Lĩnh nhấn mạnh.
Với những nỗ lực đồng bộ từ phía DN
và sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương trong việc mở rộng các kênh xúc
tiến thương mại và ứng dụng công nghệ để quảng bá hình ảnh, sản phẩm, gốm Biên
Hòa đang dần lấy lại vị thế trên thị trường. Festival Gốm truyền thống Biên Hòa
sắp tới được kỳ vọng sẽ là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ quảng bá giá trị
văn hóa truyền thống, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác và phát triển mới cho
ngành gốm lâu đời này. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc văn
hóa và đổi mới sáng tạo, hứa hẹn sẽ đưa gốm Biên Hòa vươn xa trên con đường hội
nhập quốc tế.
Nguồn Báo Đồng Nai