
Phó chủ tịch Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, năm 2024, qua kiểm tra hơn 17,1 ngàn cơ sở thực phẩm trong tỉnh cho thấy có hơn 1,5 ngàn cơ sở vi phạm. Trong đó, đã xử phạt 930 cơ sở với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đã buộc đóng cửa 1 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề thú y 2 tháng đối với 5 trường hợp; khởi tố điều tra 2 vụ với 2 bị can về tội vi phạm quy định về ATTP; tịch thu tiêu hủy nhiều sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Từ thực tế đó cho thấy, công tác quản lý về ATTP trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế và bất cập. Đó là chưa kiểm soát và ngăn chặn triệt để tình trạng giết mổ lậu; việc sử dụng các hóa chất, phụ gia độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm còn tồn tại. Công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn, cấp xã xử lý chưa nghiêm các vi phạm về ATTP. Đặc biệt, tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cao, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân và gây áp lực cho công tác điều trị cũng như việc đảm bảo an ninh, ATTP.
Phó chủ tịch Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ đạo đảm bảo vệ sinh ATTP tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải nhận thức sâu sắc về công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh. Phải triển khai các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để đảm bảo ATTP, tránh tình trạng ra quân thì rầm rộ, hình thức hoành tráng nhưng kết quả thu về lại không như mong muốn. Dịp này, lãnh đạo tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và môi trường, Sở Công thương khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thực thi pháp luật về ATTP của doanh nghiệp, người dân. Qua đó, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và xử lý kịp thời nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Minh Luân