ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Để những giá trị dân tộc được thấm sâu và lan tỏa...
Đăng ngày: 05-11-2020 07:43
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Hằng năm từ trung tuần tháng 10 đến trung tuần tháng 11, hàng ngàn khu dân cư trên cả nước tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội năm nay vừa có những nét giống như mọi năm, lại vừa mang những ý nghĩa, giá trị mới.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn trao tặng quà cho ban ấp Hòa Bình
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn trao tặng quà cho ban ấp Hòa Bình


Gắn kết cộng đồng dân cư

Tính từ năm đầu tiên, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (Ngày hội…) đã tổ chức được 17 lần, tức 17 năm. Từ những năm đầu, số lượng ấp, khu phố (gọi chung là khu dân cư) tổ chức Ngày hội còn ít, số người tham gia chưa đông, những năm gần đây, hầu hết các khu dân cư đều tổ chức. Năm 2019, ở Đồng Nai, 100% khu dân cư (962 ấp, khu phố) tổ chức Ngày hội.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có hướng dẫn chung việc tổ chức Ngày hội. Tuy nhiên, ở từng khu dân cư, mỗi năm đều có đổi mới, sáng tạo trong cách tổ chức để vừa chuyển tải được ý nghĩa của Ngày hội là dịp tạo gắn kết hơn nữa cộng đồng dân cư, tôn vinh các giá trị cao đẹp trong truyền thống dân tộc nơi xóm giềng, thôn ấp, vừa nêu cao tinh thần tự quản, tự lực, cùng nhau xây dựng ấp, khu phố an toàn, văn minh.

Nhiều ấp ở vùng nông thôn của các huyện Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Long Thành, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa của các huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu… đã tổ chức Ngày hội thật sôi nổi, sinh động. Những trò chơi dân gian tuy quê kiểng nhưng già, trẻ, gái, trai, ai nấy cũng hào hứng góp vui. “Bữa cơm đại đoàn kết” vào cuối Ngày hội rộn ràng, khiến người ta nhớ tới không khí của hội làng, cúng đình khi xưa. Hẳn vẫn có ai đó “không quen” với không gian “Mặt trận” này, nhưng số đông bà con ở khu dân cư thích thú, và nhất là mỗi người đều góp sức tổ chức Ngày hội của mình, cho mình. Mọi người vui vì không phải “một bữa no” hoặc được “ăn ngon”, bởi thực ra, hiện giờ không thiếu gì những tiệc tùng thịnh soạn, mà cả năm mới có “bữa cơm làng” thân mật, đầm ấm. Với người Việt, bữa cơm gia đình hay bữa cơm làng không chỉ để ăn. Hơi ấm nồng nàn của tình ruột thịt, nghĩa đồng bào lặng thầm sưởi ấm, kết nối bao người lại với nhau.

Những giá trị tốt đẹp cần được lan tỏa

So với các năm trước, Ngày hội năm nay càng thêm ý nghĩa bởi Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tròn 90 năm. 90 năm lịch sử đó, chúng ta thấm thía lời Bác Hồ, người đã thành lập nên liên minh chính trị rộng lớn này, “Từ Nam đến Bắc, ai là người tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì chúng ta sẵn sàng đoàn kết với họ, thật thà hợp tác với họ, thật sự đoàn kết với họ, dù từ trước đến nay họ đã theo phe phái nào”.

Từ những ngày đầu của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dặn dò cán bộ, để làm nên sự nghiệp vĩ đại, phải có “sự hiệp lực của cả hàng ngàn người, hàng vạn người”, rộng hơn là của cả dân tộc. Muốn vậy, phải “đoàn kết chặt chẽ với nhau, phải cùng một ý chí như nhau, phải nuôi một kỳ vọng giống nhau”.

Kỳ vọng ngày nay của dân tộc ta là Việt Nam trở thành nước phát triển. Mỗi một người dân đều ra sức gắng công, vun đắp cho khát vọng đó.

Nếu chỉ xét riêng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đây là dịp để những giá trị tốt đẹp trong truyền thống dân tộc được tôn vinh, khát vọng của cả quốc gia được tỏ bày và hun đúc. MTTQ các cấp cần phát huy hơn nữa những cách làm hay của các năm trước, từ việc nâng cao vai trò tự quản, tự tổ chức của các cộng đồng dân cư, đến hạn chế đến mức thấp nhất lối suy nghĩ, cách làm bao biện.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không là hội nghị để cán bộ báo cáo, diễn thuyết cho người dân. Trái lại, đây là dịp để cán bộ đang công tác hoặc sinh sống trên địa bàn dân cư gặp gỡ, tiếp xúc dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, khiến cho mối quan hệ Đảng, chính quyền và nhân dân thêm gắn bó. Ngày hội càng không là buổi tiếp xúc cử tri với các đại biểu dân cử, mặc dù những bức xúc, kiến nghị của người dân với chính quyền khi nào và ở đâu cũng cần được lắng nghe, thấu hiểu. Thời gian ít ỏi trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cần để cho cả người dân chia sẻ những việc của cả cộng đồng.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để những con người sống cùng một địa bàn nhìn lại cộng đồng của mình, bàn bạc với nhau các công việc nên làm để khu phố, xóm ấp được bình yên, sáng, xanh, sạch, đẹp; để chia ngọt sẻ bùi trong đời sống thường nhật và cũng là dịp nhắc nhớ nhau lời dạy của Bác Hồ: “Đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”; nhắc nhớ nhau đạo lý của dân tộc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi, thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đang trở thành ngày vui chung của các cộng đồng dân cư bởi những cách nghĩ, cách làm thiết thực của cán bộ Mặt trận, của mỗi một người dân, bởi sự làm gương của tất cả cán bộ, đảng viên. Khi chúng ta càng đến gần với mục tiêu, khát vọng về một nước Việt Nam phát triển, thịnh vượng cũng là lúc những giá trị tốt đẹp, cao cả của truyền thống dân tộc được thấm sâu và lan tỏa…

Bùi Quang Huy

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu