ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đăng ngày: 19-05-2020 09:39
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Sáng ngày 18/5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)

Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng… cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trưởng các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội; các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng; đại diện lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, TP HCM, Nghệ An, Hà Nội...

Tham dự Lễ Kỷ niệm còn có khoảng 2.000 đại biểu gồm các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng công tác tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; đại biểu các tỉnh, thành phố; trưởng các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội…​

 quang canh 130.jpg

Quang cảnh buổi Lễ kỷ niệm 130 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chương trình Lễ kỷ niệm bao gồm: Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng; Lễ Chào cờ; diễn văn kỷ niệm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; phát biểu của nhân chứng đã từng làm việc hoặc có nhiều kỷ niệm được gặp Bác; phát biểu của đại diện thế hệ trẻ…

le-ky-niem-1-1589779934692136623806.jpg
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19/5/1890 ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; mất ngày 2/9/1969 tại Hà Nội.

Người là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực và người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Từng được gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên cán bộ bảo vệ Bác Hồ, bày tỏ sự xúc động trong những năm tháng bảo vệ Bác với những kỷ niệm thiêng liêng về Người. Với ông, quãng thời gian đó là những trang đẹp nhất, hạnh phúc nhất và may mắn nhất. Ông cũng kể về những tháng ngày gần cuối đời của Bác, dù sức khỏe yếu nhưng Bác vẫn cố gắng làm việc. Suốt những ngày Bác ốm nặng, ông Nguyễn Văn Đoàn được phép túc trực bên giường bệnh để chăm sóc Người. Sáng 2/9/1969, Bác đã đi xa, đó là lần cuối cùng ông Đoàn được ở bên Bác Hồ. Ông vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử đó với bao nỗi nhớ và tình cảm dành cho Bác. “Bản thân tôi lúc còn công tác hay nghỉ hưu, tôi luôn lấy tấm gương cao đẹp, suốt đời hy sinh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Bác Hồ để học tập, phấn đấu, rèn luyện, gắng sức hoàn thành mọi nhiệm vụ công tác. Tôi luôn tâm niệm, học tập và noi theo tấm gương của Bác Hồ thì không kể thời gian, không kể tuổi tác và coi đó vừa là nhu cầu tự thân, vừa là mục đích, niềm vui trong cuộc sống” - ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết

Ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Cảnh vệ của Bác Hồ.jpg
Ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên cán bộ bảo vệ Bác Hồ phát biểu tại buổi lễ

Đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại Lễ kỷ niệm, em Huỳnh Mạnh Phương, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ sự thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa là sinh viên, vừa là đảng viên trẻ được kết nạp Đảng từ năm 18 tuổi, Huỳnh Mạnh Phương có nhiều thành tích trong học tập và trong hoạt động thanh niên. Phương khẳng định, càng được học tập, tìm hiểu, nghiên cứu, em càng cảm nhận được sự vĩ đại và tình cảm bao la mà Bác dành cho dân tộc và cho tuổi trẻ Việt Nam. Em hiểu rằng trên mỗi bước trưởng thành của tuổi trẻ  hôm nay đều có hình bóng của Bác. Huỳnh Mạnh Phương xúc động nói: “Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ, chúng cháu luôn nhớ về Bác để được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, để giữ lòng mình luôn trong sáng, để mãi mãi được tấm gương đạo đức cao cả, cuộc đời bình dị, tư tưởng vĩ đại, những lời dạy sâu sắc và tình yêu thương bao la của Bác soi đường trong mỗi hành trình rèn luyện, phấn đấu và phát triển. Học tập và làm theo lời Bác luôn là sự lựa chọn và là lẽ sống đẹp của tuổi trẻ Việt Nam”.

Sinh viên Huỳnh Mạnh Phương.jpg
Em Huỳnh Mạnh Phương, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật 

thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ

Tại buổi Lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: "Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời!".

lễ kỷ niệm 130 năm  phú trọng.jpg
​​Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chúng ta kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đúng vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm cao và nỗ lực lớn hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thật tốt những mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, trước hết là khắc phục những thách thức và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, bảo đảm thật tốt an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; đồng thời chủ động, nhạy bén nắm bắt thời cơ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020; từ đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ khóa XII và giai đoạn 2011 - 2020; chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân.

"Tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước ta "ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Trước khi buổi lễ bắt đầu, lúc 7h30, đoàn đại biểu Trung ương đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, Hà Nội.

Tố Nga (tổng hợp)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu