ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Trồng giống gạo ngon ở đất Đồng Nai
Đăng ngày: 27-02-2020 10:18
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Từ một nông dân nhập cư với nghề trồng lúa chỉ đủ ăn, ông Trần Quang trở thành giám đốc hợp tác xã (HTX) được nhiều người biết đến với việc đưa giống gạo ngon hạng nhì thế giới năm 2019 (gạo TS24) về đất Đồng Nai trồng. Việc làm của ông Quang đã giúp hàng trăm hộ nông dân ở các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh cải thiện thu nhập, giúp người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm gạo chất lượng.

Ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú) giới thiệu các sản phẩm gạo sạch. Ảnh: H.Lộc
Ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú) giới thiệu các sản phẩm gạo sạch. Ảnh: H.Lộc

HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú) do ông Trần Quang làm giám đốc hiện có hơn 200 thành viên với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 150 hécta.

* Thay đổi tư duy sản xuất

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Trần Quang cho biết, trước năm 2014, ông là thành viên trong Câu lạc bộ giảm nghèo xã Xuân Tiến. “Thời điểm đó, nông dân xã Xuân Tiến chủ yếu trồng lúa, bắp nhưng năng suất thấp. Mạnh ai nấy làm, cùng một vụ nhưng người thì trồng lúa, người thì trồng bắp; cùng trồng lúa với nhau nhưng mỗi người trồng một loại giống, dẫn đến thời gian thu hoạch, năng suất, chất lượng không đồng đều, tư thương ép giá” - ông Quang nhớ lại.

Theo ông Trần Quang, làm lúa sạch nông dân có lợi hơn. Trên thực tế, làm lúa theo quy trình thường, sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc tăng trưởng, năng suất lúa thường đạt từ 5,5-6 tấn/hécta/vụ. Còn sản xuất theo phương pháp hữu cơ năng suất đạt khoảng 5 tấn/hécta/vụ nhưng giá bán cao hơn mặt bằng chung từ 1,5-2 ngàn đồng/kg. Không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh tế, đất sử dụng nhiều phân bón hóa học sẽ nhanh bạc màu, rắn chắc hơn sử dụng phân được làm từ chế phẩm sinh học. Mong muốn của ông Quang là nông dân, người tiêu dùng Đồng Nai được ăn giống gạo ngon, sạch, tốt cho sức khỏe.

Nhận thấy điều này, ông Quang khi đó cũng là một nông dân sản xuất bình thường nhưng bỏ công đi vận động từng nông dân liên kết cùng làm lúa hoặc cùng làm bắp để tạo ra số lượng sản phẩm nhiều, dễ bán cho lái lớn. Ông vận động người dân mỗi vụ lúa chỉ nên xuống 2-3 loại giống để tiện chăm sóc và thu hoạch. Thấy ông Quang nói có lý, nhiều nông dân làm theo. Năm 2014, ông Quang xin đổi tên Câu lạc bộ giảm nghèo thành HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến, vừa phù hợp với chủ trương phát triển mô hình kinh tế tập thể vừa thuận tiện trong giao dịch với bạn hàng. 2 năm sau, HTX của ông được giao triển khai dự án cánh đồng lớn cây lúa, cây bắp tại xã với quy mô 150 hécta. Đây là điều kiện thuận lợi để ông Quang phát triển mong muốn liên kết làm ăn.

Thời gian đầu triển khai dự án cánh đồng lớn, HTX đẩy mạnh phát triển cây bắp, tuy nhiên do thua thiệt về cơ giới hóa so với nhiều nước có nền nông nghiệp tiên tiến, thêm vào đó giá cả ngành chăn nuôi bấp bênh ảnh hưởng đến giá nguyên liệu nên lợi nhuận thấp, không ổn định. Ông Quang bàn với các thành viên chuyển sang đầu tư cho cây lúa.

Trên cơ sở thăm dò nhu cầu thị trường về các loại gạo, giá cả, ông Quang về tỉnh Sóc Trăng tìm gặp “cha đẻ” của các giống gạo ngon là TS.Hồ Quan Cua bày tỏ ý muốn. Lần đó, ông mua 200kg giống về thí điểm tại 2 hécta đất của gia đình. Thấy giống lúa này sinh trưởng tốt, được bạn hàng đánh giá, phản hồi tích cực, ông Quang nhập thêm giống và cùng các hộ phát triển lên 20 hécta, rồi 50 hécta và vụ tới sắp tới 80 hécta.

Không chỉ linh hoạt chuyển đổi từ 2 vụ bắp, 1 vụ lúa sang 2 vụ lúa, 1 vụ cây trồng khác trên cánh đồng xã Xuân Phú, đưa giống gạo ngon về địa phương, HTX còn phát triển diện tích bằng cách liên kết trồng khoảng 10 hécta lúa ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), trồng 20 hécta xã Bàu Trâm (TP.Long Khánh).

“Lúc đầu nông dân cũng e ngại. Nhưng khi tôi cam kết bao tiêu toàn bộ lúa giống TS24 cho các hộ là thành viên, không phải thành viên của HTX nhưng làm giống do tôi cung cấp và tuân thủ quy trình chăm sóc tôi đề xuất thì nông dân hưởng ứng. Vụ vừa rồi tôi thu mua được khoảng 20 hécta, bằng 1/2 diện tích gieo trồng. Nhiều hộ nói với tôi gạo ngon quá, cho phép họ để dành ăn và bán cho người thân quen. Tôi không cảm thấy buồn vì điều này. Người nông dân được ăn sản phẩm chất lượng do mình làm, không phải lo lắng đầu ra, tôi mừng” - ông Quang cho hay.

* Tiên phong làm gạo hữu cơ

Xuân Lộc là huyện có nhiều thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Vài năm trở lại đây, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nhiều tổ hợp tác, câu lạc bộ, HTX được thành lập và không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Các giảng viên, kỹ sư nông nghiệp của Trường đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh thăm quan mô hình cánh đồng lúa sạch tại xã Xuân Phú
Các giảng viên, kỹ sư nông nghiệp của Trường đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh thăm quan mô hình cánh đồng lúa sạch tại xã Xuân Phú

Tại HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến, với mong muốn cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho HTX, ông Quang đã đầu tư máy gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay trên cánh đồng, góp phần giảm chi phí nhân công. Mới đây, ông nghiên cứu và chế tạo máy phun thuốc trừ sâu tự động theo mô hình máy bay không người lái giúp việc phun thuốc trừ sâu trở nên nhanh hơn gấp 10 lần, thuận lợi, an toàn hơn cho bà con nông dân. Ông còn đầu tư hệ thống sấy ủ gạo mầm.

Theo ông Quang, tỷ lệ cơ giới hóa của HTX đã đạt gần 100%, không thua kém bất cứ HTX nông nghiệp tiên tiến nào. Nhiều đơn vị còn liên hệ đến tham quan, học tập cách làm của ông. “Chúng tôi đang tính đường phối hợp với những HTX, tổ hợp tác trồng lúa ở một số địa phương khác để nhân rộng diện tích ứng dụng cơ giới hóa, tăng sản lượng để đáp ứng được những đơn hàng lớn” - ông Quang nói.

Hiện tại, HTX của ông Quang phát triển được 3 loại gạo, gạo TS24 cao cấp có tỷ lệ tấm 5% được bán 30 ngàn đồng/kg, gạo TS24 thường có tỷ lệ tấm 15% giá 20 ngàn đồng/kg và gạo lức TS24 được bán 35 ngàn đồng/kg. Để ổn định đầu ra, HTX hợp tác với các đơn vị phân phối tại TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Long Khánh và bán ngay tại trụ sở HTX cho người dân địa phương. “Tất cả các điểm bán đều yêu cầu tăng số lượng, tuy nhiên do số lượng có hạn, mỗi tháng tôi chỉ cung cấp cho mỗi điểm một lượng gạo nhất định” - ông Quang nói và cho biết tới đây phát triển thêm sản phẩm cám gạo, gạo mầm.

Ông Quang dự định mời các kỹ sư nông nghiệp về tập huấn quy trình kỹ thuật làm gạo hữu cơ cho nông dân. Ông cũng hướng dẫn cho nông dân cách để làm ra các loại gạo đặc trưng như gạo lức thì thời gian thu hoạch là 25 ngày, gạo dẻo nhiều thì 28 ngày, gạo dẻo ít thì 30 ngày kể từ khi lúa trổ bông; gạo mầm thì không phơi nắng mà thu hoạch xong ủ 1-2 ngày rồi đem sấy...

Nhờ thay đổi tư duy, linh hoạt trong cách làm, hiện toàn bộ các sản phẩm gạo, bắp hạt và thân cây bắp của xã viên đều được HTX bao tiêu đầu ra hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn giá thị trường cho nông dân. Theo tính toán, với cơ cấu 2 vụ lúa, 1 vụ cây trồng khác, nông dân có thu nhập từ 150-170 triệu đồng/hécta/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với làm lúa truyền thống.

Nguồn: Báo Đồng Nai

In nội dung
Món ngon Phú Hội (05/12/2019)
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu