Với các CCB, dù không còn
trong quân ngũ nhưng chưa một giây phút nào buông lơi trách nhiệm với Đảng, với
Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. “Chính điều này tiếp tục tô đậm,
tỏa sáng bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” mà bao thế hệ CCB trong tỉnh luôn nhắc nhở, làm
tốt.
CCB là những người đã được rèn luyện,
trưởng thành trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp
xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Hiện toàn tỉnh có hơn 33 ngàn hội viên Hội
CCB. Những năm qua, hầu hết các CCB luôn một lòng một dạ trung thành với Tổ
quốc, với Đảng và nhân dân, tiếp tục giữ vững, phát huy những bản chất tốt đẹp
của “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận mới và có nhiều công lao đóng góp, cống hiến
cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy vậy, vẫn còn một số cựu chiến binh chưa làm tròn đạo lý, trách
nhiệm của những người từng một thời chiến đấu, công tác, phục vụ trong quân
đội, thậm chí có một số trường hợp làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh “Bộ đội
Cụ Hồ”.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua CCB gương mẫu
Biểu hiện đó có thể nhận thấy, như: Chưa phát huy vai trò gương
mẫu trong cuộc sống, sinh hoạt ở nơi cư trú; phát ngôn không đúng lúc, đúng
chỗ; có trường hợp đòi hỏi lợi ích cá nhân thái quá, tham gia ký vào đơn tập
thể để gây áp lực không đáng có với chính quyền sở tại; cá biệt, có người bày
tỏ thái độ cực đoan khi tham gia ký vào các “thư ngỏ”, “tâm thư” với tư tưởng
xét lại, gây bất lợi cho sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, cho việc củng cố khối đại
đoàn kết toàn dân tộc. Số ít cựu chiến binh này đã ít nhiều “phai nhạt lý tưởng
cách mạng, không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phụ họa theo
những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa
XII đã chỉ ra.
Đã từ lâu, những CCB, cựu quân nhân luôn là chỗ dựa tin cậy của
các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Tiếng nói của CCB được ví
như “tiếng nói của đạo lý, lẽ phải” nên luôn có sức thuyết phục đối với các cấp
ủy, chính quyền địa phương.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hội CCB các cấp
là “Tham gia góp ý xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa,
bảo vệ nhân dân; đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của
các thế lực thù địch; chống các quan điểm sai trái với đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Nhiệm vụ này không chỉ nói lên vai trò, trách nhiệm to lớn của Hội
CCB đối với đất nước, xã hội và chế độ ta, mà còn thể hiện tình cảm, niềm tin
của Đảng, Nhà nước dành cho những người đã một thời cầm súng chiến đấu, phục vụ
chiến đấu giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, muốn làm tròn trọng
trách đó đòi hỏi mỗi CCB phải luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Tổ
quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Một trong những nét tiêu biểu hàng đầu làm nên truyền thống của Bộ
đội Cụ Hồ là trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn “Trung với nước,
trung với Đảng, hiếu với dân”. Đối với mỗi người lính Cụ Hồ, lời thề đầu tiên
“Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam...” đã ăn sâu vào suy nghĩ, tư tưởng, tình
cảm và trở thành cẩm nang trong suốt hành trình, cuộc đời quân ngũ của mình. Có
lòng trung thành với Tổ quốc thì nhất thiết phải có tinh thần sẵn sàng hy sinh
vì nghĩa lớn, bởi hy sinh là phẩm giá cao đẹp nhất của lòng trung thành, của
người quân nhân cách mạng.
Cần hiểu rằng, hy sinh ở đây không chỉ có nghĩa là sẵn sàng đón
nhận cái chết về mình để mang lại độc lập, tự do, trường tồn cho Tổ quốc và
cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, mà bao hàm cả ý nghĩa dám đương đầu
và không bao giờ khuất phục trước mọi khó khăn, thử thách; không để cho những
lợi ích cá nhân nhỏ bé, tầm thường cám dỗ mà làm ảnh hưởng đến những lợi ích
của cộng đồng, xã hội và đất nước.
Ở một nghĩa khác, hy sinh là tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ,
tài năng của mình để góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Do vậy,
dù đương chức hay về hưu, dù trong quân ngũ hay đã xuất ngũ, đối với mỗi người,
việc giữ gìn, rèn luyện và thể hiện đức tính hy sinh ở mọi lúc, mọi nơi là góp
phần bảo toàn giá trị cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
Là những người đã trải qua năm tháng gian khổ, được giáo dục, rèn
luyện, bồi đắp cả về tư tưởng, ý chí, tinh thần, bản lĩnh, trách nhiệm, lý trí
của người chiến sĩ cộng sản, với kinh nghiệm từng trải, nhiệt huyết của mình,
cựu chiến binh luôn là hình mẫu lý tưởng về nhân cách cho thế hệ trẻ học tập,
noi theo.
Điều quan trọng là mỗi CCB phải bằng sự gương mẫu của mình để
truyền thụ kinh nghiệm, giáo dục con cháu, giáo dục thế hệ trẻ sống có lý
tưởng, niềm tin và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. Khi mỗi CCB giản dị
trong lối sống, mực thước trong nói năng, ứng xử, đề cao trách nhiệm tham gia
công việc của cộng đồng, thì đó chính là một cách truyền cảm hứng về lối sống
tích cực cho thế hệ trẻ và cho xã hội.

Trung ương Hội CCB Việt Nam và tỉnh Đồng Nai tham quan mô hình làm kinh tế giỏi của CCB huyện Vĩnh Cửu
Sau khi rời môi trường quân ngũ, các CCB, cựu quân nhân trở về với
cuộc sống đời thường. Môi trường xã hội bao giờ cũng đa dạng, phong phú hơn và
phức tạp hơn so với môi trường quân ngũ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay,
trước sự tác động cả mặt thuận và mặt trái của thời đại công nghệ số, các luồng
thông tin xã hội vừa đa chiều, vừa hỗn tạp.
Trước “đại dương thông tin” mênh mông đó, đòi hỏi mỗi CCB, cựu
quân nhân phải luôn tỉnh táo, sáng suốt để đủ khả năng nhận diện, phân biệt
được những thông tin thật - giả, đúng - sai, tốt - xấu để tinh lọc, tiếp thu,
làm chủ được những thông tin tin cậy, chính xác, qua đó góp phần định hướng,
tạo dựng niềm tin lành mạnh cho thế hệ trẻ.
Trong chế độ ta, tự do thông tin, tự do ngôn luận là một trong
những quyền cơ bản của công dân. Là những người trải qua chiến đấu, rèn luyện,
công tác trong quân ngũ và từng trải trong cuộc sống nên tiếng nói của CCB, cựu
quân nhân thường có "sức nặng" nhất định đối với cộng đồng, xã hội.
Tuy vậy, việc thể hiện quyền bày tỏ, biểu đạt thông tin của CCB cũng
cần bảo đảm mực thước, phù hợp với đạo lý và pháp lý; tránh thông tin quá đà,
nói năng thái quá hay góp ý, phản biện chưa thiện chí, thiếu tinh thần xây
dựng.
Vì thực tế cho thấy, một số CCB tuy hăng hái, năng nổ, nhiệt tình,
song chưa có phương pháp đóng góp ý kiến khéo léo, đúng mực nên có thể bị hiểu
lầm, từ đó tự làm tổn thương hình ảnh của chính mình trong cộng đồng, đồng thời
dễ bị “mang tiếng” là có thái độ công thần, tự cao tự đại.
Ít có hình ảnh nào đáng trân quý như hình ảnh CCB trong xã hội, vì
họ là đại diện của một lớp người tiêu biểu từng có những năm tháng hy sinh,
cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân. Tuy đã rời xa quân ngũ, buông súng trên vai,
song các CCB, cựu quân nhân không nên và cũng không bao giờ buông trách nhiệm
với Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là việc làm thiết thực để giữ gìn
hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân.
Như Thủy