ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Kết nối sản xuất với phân phối nông sản
Đăng ngày: 22-07-2019 03:07
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở nước ta đã chuyển từ phương thức sản xuất truyền thống sang hiện đại. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản lại gặp nhiều khó khăn về yêu cầu truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Vì vậy, việc xây dựng và phát triển Trung tâm Cung ứng nông sản (TTCUNS) hiện đại, được kỳ vọng sẽ góp phần kết nối các nhà sản xuất với nhà phân phối, tăng chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam ở thị trường trong nước và quốc tế.

Kết nối sản xuất với phân phối nông sản

Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng sử dụng các loại nông sản an toàn tại siêu thị.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp đã có quy hoạch cụ thể cho nhiều mặt hàng nông sản, trong từng giai đoạn và thị trường mục tiêu. Nhưng nhiều mặt hàng nông sản hiện nay đã bị phá vỡ quy hoạch do người dân thấy lợi nhuận trước mắt, tự ý mở rộng diện tích canh tác. Ðơn cử như mặt hàng cà-phê, quy hoạch chung hơn 500 nghìn héc-ta, bị đẩy lên hơn 600 nghìn héc-ta; mặt hàng cao-su quy hoạch 800 nghìn héc-ta thì nay đã lên đến hơn một triệu héc-ta. Hậu quả của việc phá vỡ quy hoạch chính là sản phẩm không có đầu ra, trở thành thách thức lớn cho ngành nông nghiệp.

Ðể giải bài toán trong tiêu thụ nông sản, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp hàng đầu chính là chủ động tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung cầu. Nhằm kết nối giữa vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản với hệ thống phân phối, cung ứng nông sản cho khu dân cư theo nguyên tắc trong vòng bán kính 50 km có một chợ đầu mối và trong vòng bán kính 300 km cần thiết phải có các trung tâm thu gom nông sản để bảo đảm nguồn nông sản cung ứng tại các TTCUNS hiện đại, nhất là tại các vùng có sản lượng rau, quả từ 10 nghìn đến 20 nghìn tấn.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, việc xây dựng phát triển hệ thống TTCUNS, chợ đầu mối hiện nay góp phần thực hiện một trong những mục tiêu lớn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, hệ thống TTCUNS hiện đại sẽ tạo ra một kênh tiêu thụ bền vững đối với các mặt hàng nông sản của địa phương, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Ðồng thời, góp phần kết nối các vùng nguyên liệu, chợ nông thôn, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Thực tế việc kết nối cung, cầu nông sản, một mặt tạo sự liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến các chợ đầu mối, giúp người tiêu dùng được sử dụng nguồn nông sản sạch, mặt khác còn tạo điều kiện để nông sản chủ lực của các địa phương đến tay người tiêu dùng trong cả nước. TTCUNS hiện đại giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm một cách rõ ràng, cũng như có khả năng cung ứng nông sản với số lượng lớn phục vụ hoạt động xuất khẩu.

Tại TP Hà Nội, nhu cầu đối với các mặt hàng nông sản của người dân là rất lớn. Trung bình mỗi năm có khoảng 890 nghìn tấn gạo, 139 nghìn tấn thịt lợn, 42 nghìn tấn thịt gà, 54 nghìn tấn thủy, hải sản, 900 nghìn tấn rau... được tiêu thụ. Các loại sản phẩm nông nghiệp này đang được phân phối, tiêu thụ tại các chợ đầu mối nông sản (kiểu cũ), chợ dân sinh và hệ thống siêu thị, cửa hàng... Nhìn chung chất lượng cũng như mức độ an toàn của các loại nông sản tại các chợ kiểu cũ chưa đạt tiêu chuẩn, khó truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Chính vì vậy, từ nay đến năm 2020, định hướng đến 2030, thành phố sẽ xây dựng tám chợ đầu mối. Trong đó, chợ đầu mối nông sản phía nam và Minh Khai đang hoạt động, còn sáu chợ đầu mối nông sản sẽ được xây dựng với diện tích từ 20 đến 30 ha/chợ để từng bước phát triển hệ thống TTCUNS hiện đại.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, việc thành phố phát triển TTCUNS hiện đại là cần thiết nhằm bảo đảm cung ứng nông sản VSATTP cho người tiêu dùng. Theo đó, nông sản tại các TTCUNS hiện đại sẽ có chất lượng cao hơn và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Không chỉ có TP Hà Nội nhận thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của các trung tâm thương mại, chợ đầu mối nông sản, tỉnh Ðồng Nai cũng đã xây dựng chiến lược phát triển các trung tâm thương mại, chợ đầu mối nông sản theo hướng hiện đại mang tầm quốc tế. Theo ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất (thuộc Tổng công ty Tín Nghĩa), đơn vị đầu tư chợ đầu mối Dầu Giây tỉnh Ðồng Nai, hiện nay công ty đã hoàn tất giai đoạn một, với quy mô 2 ha, thời điểm này, mỗi ngày chợ đầu mối nông sản Dầu Giây tiêu thụ từ 300 đến 400 tấn nông sản. Giai đoạn hai của chợ đã được tỉnh Ðồng Nai phê duyệt với quy mô 48 ha, trong đó khu chợ thực phẩm tươi sống có quy mô 7 ha.

Ðưa nông sản đến tận tay người tiêu dùng theo hướng chuyên nghiệp hóa là điều không chỉ ngành nông nghiệp thấy cần thiết mà ngay cả người tiêu dùng cũng đều trông đợi. Theo chuyên gia tư vấn Nghiêm Bá Hùng của Công ty PeaPRos thì việc ra đời TTCUNS sẽ bảo đảm vấn đề an ninh lương thực, một mặt giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, mặt khác có thể bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc nông sản giúp người tiêu dùng yên tâm về vấn đề VSATTP.

Tuy nhiên, để chiến lược phát triển TTCUNS được vận hành tốt, đem lại hiệu quả cao, ngành nông nghiệp nói chung, từng đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản phải nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản, kết nối các vùng nguyên liệu, các chợ nông thôn, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam ở thị trường trong nước và quốc tế. Ðiều này càng có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới đòi hỏi sự thay đổi thật sự về chất và lượng. Chúng ta cần xây dựng một chuỗi giá trị cung ứng và phân phối nông sản hiện đại, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn, tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới đi đến thắng lợi. Hy vọng trong tương lai, với những ưu việt của chợ đầu mối, của TTCUNS hiện đại, sẽ khắc phục những mặt yếu kém trong chuỗi nông sản như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, góp phần kết nối giữa các nhà sản xuất với nhà phân phối, nhờ đó thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ của người nông dân, hướng đến xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

(Nguồn Báo nhân dân)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu