Hào khí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu
nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai” tiếp tục ùa về trong câu chuyện của những
cựu chiến binh (CCB) truyền thống Bộ đội Trường Sơn năm xưa như nhắc nhớ về một
thời đạn bom khốc liệt, hy sinh gian khổ song vẫn giữ vững niềm tin son sắc vào
chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước.
Ký ức Trường Sơn
Ngày 19-5-1959 đã đi vào lịch sử
dân tộc Việt Nam khi những người lính công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên
xung phong (TNXP)…bổ nhát cuốc, xẻng đầu tiên khai thông, mở rộng hệ thống đường
mòn Hồ Chí Minh. Sự ra đời và phát triển của tuyến vận tải chiến lược, theo văn
bản lịch sử chính thức của cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ ghi lại, được quân đội
Mỹ coi là “một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nền kỹ thuật quân sự ở thế
kỷ XX”. Còn với những người mở đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì đây là
“tuyến lửa”. Bởi ở đại ngàn này, mỗi cung đường, mỗi cây cỏ đều nhuộm đỏ xương
máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Họ nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ chỉ
18, đôi mươi để làm nên con đường huyền thoại, góp phần đặc biệt quan trọng
trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Căn nhà khang trang nằm ngay trên
mặt đường quốc lộ 1 thuộc phường Bình Đa của CCB Dương Văn Ổn luôn sôi nổi về
những câu chuyện, những kỷ niệm và ký ức của một thời “Trường Sơn đông nắng, tây
mưa; ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. 4 CCB là Phó ban liên lạc truyền thống Bộ
đội Trường Sơn tỉnh: Dương Văn Ổn; Nguyễn Đức Miên; Phạm Thư Sinh và Ủy viên Trần
Bá Dương đang sôi nổi bàn kế hoạch cho buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày mở đường
Trường Sơn vào 19-5 tới.
Nhớ lại ký ức hào hùng của một thời
đạn bom khói lửa nơi đại ngàn Trường Sơn, CCB Phạm Thư Sinh, nguyên lái xe bộ đội
Trường Sơn như được sống lại thời kỳ gần 60 năm về trước. Những cung đường, binh
trạm 33 (Đoàn 559) được quân thù “điểm chỉ” đánh phá ác liệt như cua chữ A, đèo
Cô Lin, ngầm Đa Lê…Ký ức sâu đậm nhất trên tuyến lửa Trường Sơn trong CCB Phạm
Thư Sinh là dù khó khăn gian khổ, dù bom đạn rập rình nhưng “tim còn đập, xe còn
chạy”. “Ngày đó, bộ đội lái xe Trường Sơn được Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung
tướng Đồng Sĩ Nguyên gọi là những “Tuấn mã Trường Sơn”. Kỷ niệm còn in đậm
trong tâm trí tôi là nhiều dân công hỏa tuyến, những nữ TNXP trở thành những “bia
sống” báo đường để hàng vạn chuyến xe chở người, chở của đưa vào chiến trường”,
CCB Phạm Thư Sinh nhớ lại.
Còn CCB Dương Văn Ổn xúc động, biết
bao nhiêu hy sinh, gian khổ! biết bao gương mặt đồng đội mới chỉ đôi mươi nhưng
đã nằm lại chiến trường, trên cung đường Trường Sơn huyền thoại. “Hình ảnh những
cô TNXP, những cô giao liên bất chấp hiểm nguy trong đêm tối dùng chiếc khăn trắng
để dẫn đường cho từng chuyến xe “vượt ngầm” qua các binh trạm nguy hiểm vào chiến
trường mà không ngại làn ranh mỏng manh giữa cái sống và cái chết. Chính điều đó
cho chúng tôi thấy, Bộ đội Trường Sơn không đơn độc một mình, đoàn kết quyết tâm
vì những chuyến hàng, chuyến xe cho giải phóng hoàn toàn miền Nam”, CCB Dương Văn
Ổn bày tỏ.
Các CCB Trường Sơn xem lại kỷ vật Trường Sơn
Đối với CCB Nguyễn Đức Miên, ngoài
tham gia trong cung đường Trường Sơn, ông còn trực tiếp được vào đội xây dựng lán
trại, nhà nghỉ cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp như các Tướng Đồng Sĩ Nguyên,
Nguyễn Thị Định, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khi đến làm việc với
Bộ đội Trường Sơn. Hoặc CCB Trần Bá Dương thì bên cạnh những khó khăn gian khổ
cùng nhiều kỷ niệm chiến trường, ông còn có một kỷ niệm khó quên vẫn theo ông
suốt thời gian qua là tấm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tướng Nguyễn Thị Định
ký tặng. Mang theo kỷ vật quý bên mình suốt những tháng năm chiến trường và khi
hòa bình lập lại, ông Dương bảo: “Mỗi lúc khó khăn, tôi lại mang hình Bác ra ngắm,
nụ cười hiền hậu, đôi mắt sáng ngời như tiếp thêm động lực để tôi cùng các đồng
đội vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn cũng như vượt qua những
khó khăn của cuộc sống đời thường…”.
Box: Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh hiện có 14 đồng
chí từng là những người đã trực tiếp tham gia ở nhiều lĩnh vực từ mở đường, xây
dựng, lái xe, đánh địch san hào… trong thời gian 16 năm lịch sử của tuyến lửa Trường
Sơn. Đến nay, Hội đã tập hợp được gần 500 hội viên tại tất cả các huyện, TX.
Long Khánh, TP. Biên Hòa vào tổ chức. Định kỳ sinh hoạt theo từng khu vực thông
thường vào ngày 19-5 hằng năm kỷ niệm lớn đối với năm tròn, còn những năm lẻ, các
CCB cùng nhóm họp, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của CCB Trường Sơn năm
xưa…Hội đã được Trung ương Hội hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà đồng đội; quyên góp ủng
hộ giúp đỡ hội viên khi ốm đau; tham gia các hoạt động nói chuyện truyền thống
cho thế hệ trẻ chuẩn bị lên đường nhập ngũ…
Quyết định lịch sử
Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí
Minh huyền thoại cách đây 60 năm về trước là một quyết định lịch sử trọng đại. Đây
là cầu nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện sức người,
sức của cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là điểm tựa, mắt
xích lớn nối các chiến trường ba nước Đông Dương, lại vừa là nơi những người lính
Cụ Hồ anh dũng, mưu trí, sáng tạo chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 60 năm
sau, con đường huyền thoại ấy giờ mang một sứ mênh mới: Đường Hồ Chí Minh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tạo đà phát triển
cho khu vực rộng lớn phía Tây đất nước.
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh- kỷ vật theo CCB TRần Bá Dương suốt gần 60 năm qua
Trong cuốn sách “Trường Sơn và đất
nước” của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Võ Sở do Hội Truyền thống Bộ
đội Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh xuất bản ghi rõ: “Kỳ tích trong 16 năm làm
nhiệm vụ chi viện chiến lược, Bộ đội Trường Sơn đã phải đối mặt với mọi thủ đoạn,
mọi phương tiện và vũ khí tối tân nhất của đế quốc Mỹ. Chúng đã thực hiện 733
ngàn trận oanh kích bằng đủ các loại máy bay, trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu
tấn bom đạn các loại; thả xuống Trường Sơn hàng chục vạn lít chất độc da
cam/dioxin….”.
Song vượt qua những khó khăn, gian
khổ đó, Bộ đội Trường Sơn, TNXP, dân công hỏa tuyến đã kiên cường, bám trụ, giành
giật từng thước đường theo tinh thần: “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”,
Bộ đội Công binh Trường Sơn đã làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục
dọc, 21 trục ngang với hơn 17 ngàn km đường xe cơ giới; lực lượng vận tải hai sư
đoàn ô tô cơ động xứng đáng với danh hiệu “gan vàng dạ ngọc”, “còn người còn xe,
còn hàng” đã vận chuyển hơn 1,8 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện
cho các hướng chiến trường.
CCB Trường Sơn tỉnh Đồng Nai được Trung ương Hội tặng Bằng khen
Theo Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch
Hội Truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, từ năm 1973 đến đầu năm
1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân, tổ chức hành quân 25 đoàn binh khí, kỹ
thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 quân đoàn
chủ lực tham gia chiến dịch, bộ binh đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch,
giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào; bắn tơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại,
bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải chi viện cho các hướng chiến trường; lực lượng
giao liên xứng đáng với 10 chữ vàng “tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến
trường” mở hơn 3000 km đường giao liên, tổ chức hơn 2 triệu lượt người vào, ra
chiến trường an toàn; chuyển hàng vạn thương binh từ các chiến trường ra hậu phương
nuôi dưỡng và hàng ngàn thiếu nhi ra bắc học tập. Các lực lương thông tin với khẩu
hiệu: “coi dây như ruột, coi cột như xương”, xây dựng 1.350 km đường thông tin
tải ba và hàng vạn km dây thông tin các loại. Bộ đội đường ống xăng dầu đã mở
1.400 km đường ống xăng dầu, 600km đường sông; Bộ đội Trường Sơn đã huy động 6
sư đoàn phối thuộc tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Thiếu tướng Võ Sở cho biết thêm,
16 năm chiến đấu anh dũng, Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên
dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều lần được Bác Hồ, Chủ tịch nước
Tôn Đức Thắng đến thăm hỏi, tặng hoa và gửi thư khen. Các đơn vị bộ đội Trường
Sơn được tặng thưởng 2.012 Huân chương Quân công các hạng; 4.814 Huân chương
Chiến công; 11 ngàn cán bộ chiến sĩ được tăng thưởng Huân, Huy chương và Bộ đội
Trường Sơn được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao vàng cao
quý; 82 đơn vị, 47 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ
trang nhân dân.
Tại Đồng Nai, nhiều CCB Bộ đội Trường
Sơn vinh dự được Trung ương Hội tặng Bằng khen, nhiều phần thưởng xứng đáng nhưng
với những CCB Dương Văn Ổn, Nguyễn Đức Miên, Phạm Thư Sinh, Trần Bá Dương và
nhiều CCB Bộ đội Trường Sơn trong toàn tỉnh, ký ức Trường Sơn, đường Trường Sơn-
đường Hồ Chí Minh mãi mãi là con đường thép với 46 điểm di tích cấp quốc gia là
46 binh trạm, trọng điểm ác liệt của tuyến lửa Trường Sơn năm xưa phải tiếp tục
được tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ- thế hệ kế thừa xứng đáng của truyền
thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng.
CCB Dương Văn Ổn xúc động bày tỏ,
máy bay Mỹ quần thảo, cày xới, chà đi xát lại nhằm chặt đứt tuyến đường huyết mạch
Trường Sơn; gian nan, hiểm nguy, ác liệt đến tận cùng, không thể đo đếm nổi. Nhưng
để thông tuyến, đưa hàng hóa, sức người, cán bộ, chiến sĩ đến với tiền tuyến, sức
chịu đựng, tinh thần đoàn kết, vượt khó cũng nhân lên gấp bội. hơn 23 ngàn người
hy sinh, hơn 30 ngàn người bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin
và mới chỉ khoảng hơn 1 vạn liệt sĩ/ hai vạn liệt sĩ trên tuyến lửa huyện thoại
được quy tụ, số còn lại vẫn là điều đau đáu với những người đang sống. “Trường
Sơn là thế đấy. Dù đi đâu, về đâu nhưng Trường Sơn và đồng đội của tôi đang nằm
lại đó, thiêng liêng và bất tử”, CCB Dương Văn Ổn bùi ngùi nói./.
Vĩnh Hà