Mô hình mới
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư
Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khá ấn tượng khi
về thăm mô hình Hợp tác xã (HTX) thương mại dịch vụ Bình Minh (xã Phú Lý- Vĩnh
Cửu) chuyên về trồng quýt và cung cấp quýt ra thị trường. Nghe lãnh đạo HTX báo
cáo và thực tế thăm quan vườn trồng quýt hữu cơ cho năng suất cao, Bí thư Trung
ương Đảng Nguyễn Văn Bình nói: “Nghe các anh ở HTX nói bình quân 1 ha năm cho
thu hoạch “có khoảng 1,2 tỷ đồng” chắc tôi cũng xin về làm việc tại HTX. Nói
vui như vậy nhưng mô hình mới có tính bền vững này rất cần được nhân rộng để
nhiều vùng đất gian khó từng là chiến khu xưa có thể học tập kinh nghiệm làm ăn,
làm giàu”
UV BCT, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Bình thăm mô hình HTX Bình Minh
Anh Hà Thắng, Giám đốc HTX cho biết:
Với diện tích 50 ha hiện nay, HTX có 14 thành viên góp vốn trồng, tiêu thụ sản
phẩm về quýt theo mô hình hữu cơ Việt Gap hoàn toàn sạch. Sản phẩm khi thu hoạch,
người dân có thể dùng ngay tại vườn mà không lo độc hại, thuốc trừ sâu. Đến nay
đã có 30/50 ha cây quýt cho thu hoạch với năng suất bình quân 60 tấn/ha, giá thành
trung bình 20 ngàn đồng/ký. Ngoài 14 thành viên góp vốn, HTX còn giải quyết việc
làm cho 7-10 lao động và tăng khoảng 20 lao động khi vào mùa cao điểm.
Giám đốc HTX Hà Thắng chia sẻ, với
chủ trương đúng về phát triển và mở rộng các loại hình kinh tế, HTX đã được chính
quyền xã, huyện và tỉnh tạo mọi điều kiện để sản xuất kinh doanh, làm ăn, làm
giàu. Hiện nay, ngoài tiêu thụ các thị trường xung quanh như Biên Hòa, TP. Hồ
Chí Minh, HTX đang liên kết với một số siêu thị để mở rộng nguồn tiêu thụ sản
phẩm sạch.
Bí thư Đảng ủy xã Phan Thanh Chương
cho biết, nhờ chuyển hướng đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp, trong xây dựng
nông thôn mới nên ngoài HTX chuyên về quýt của Bình Minh, hiện Phú Lý đang có
70 HTX chuyên xoài trên tổng diện tích 1.250 ha cho thu nhập bình quân từ 580 đến
700 triệu đồng/năm và Công ty CP Nam Bình Minh giải quyết việc làm cho hơn 400
lao động địa phương đã góp phần tích cực đẩy lùi đói, nghèo, xây dựng nông thôn
mới và đang tiến tới hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình
cho rằng, mô hình HTX Bình Minh, Phú Lý nói riêng, Vĩnh Cửu nói chung có thể phát
triển du lịch sinh thái thăm quan nhà vườn, kết hợp giáo dục truyền thống lịch
sử của vùng đất Chiến khu Đ anh hùng. Còn theo lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao du
lịch, nếu năm 2018, toàn tỉnh Đồng Nai đón 3 triệu lượt khách đến thăm quan,
trong đó có 85 ngàn lượt khách đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu,
tăng 4 lần so năm 2017. Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân cho hay, riêng
từ đầu năm đến nay, huyện đã đưa nhiều đoàn thăm quan, khảo sát mô hình HTX Bình
Minh, trong đó lớn nhất là chuyến thăm quan của 500 lượt khách đến HTX Bình
Minh vào đầu năm 2019.
Chuyển mình trong gian khó

UVBCT, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Bình chụp hình lưu niệm với lãnh đạo tỉnh và huyện Vĩnh Cửu
Thực tế tại 9 ấp trong xã hiện
nay các tuyến đường liên ấp, nối ấp khang trang sạch đẹp cùng cây cầu Sa Mách đã
được xây dựng hoàn thành nối liền Phú Lý và Thanh Sơn (Định Quán) tạo nhịp giao
thương thuận lợi để Phú lý chuyển mình và phát triển mạnh mẽ. Nếu như năm 2015,
Phú Lý còn tới 42% hộ nghèo, đời sống bà con còn nhiều khó khăn thì hiện nay, với
sự đồng lòng, đoàn kết, toàn xã Phú Lý chỉ còn 0,6% hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới
của tỉnh năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 34 triệu đồng/năm 2016
lên 58 triệu đồng cuối năm 2019; xã giữ vững 11 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Bí thư Đảng ủy xã Phan Thanh Chương
chia sẻ, phấn đấu giảm nghèo là cả một câu chuyện dài mà Đảng bộ, chính quyền,
các đoàn thể trong xã đã nỗ lực vượt lên. Phú Lý đã thực hiện các mô hình: “Tổ
chức hỗ trợ, giúp đỡ cá nhân”; “Đoàn thể hỗ trợ giúp đỡ đoàn viên, hội viên”,
nhất là với những hội viên nghèo, khó khăn. Điều đáng lưu ý là trong nỗ lực giảm
nghèo, Phú Lý tập trung giảm dứt điểm, không để tái nghèo do chủ quan. Vì vậy,
tốc độ giảm nghèo nhanh, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm mạnh xuống dưới 0,6% hiện
nay, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc.
Điểm nhấn thể hiện rõ nhất là sự đổi
thay tại ấp Lý Lịch 1 của 100% đồng bào dân tộc Châu Ro. Từ một ấp nghèo nhất của
tỉnh nay bà con đã vươn lên có cuộc sống ổn định. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp
Nguyễn Đình Biên cho hay, nếu như năm 2015 vẫn còn 27/161 hộ đồng bào khó khăn,
diện nghèo thì cuối năm 2018, chỉ còn 2 hộ thuộc diện nghèo B (nghĩa là so tiêu
chí ấp không còn hộ nghèo), 100% trẻ em trong ấp đến tuổi đều được ra lớp,
không còn trẻ em bỏ học, nhiều cháu còn có trình độ cao đẳng, đại học...đã quay
trở về phục vụ địa phương. Chi bộ đảng viên người dân tộc hiện có 26 đảng viên,
các đảng viên đều là tấm gương sáng trong việc động viên đồng bào thực hiện các
mục tiêu kinh tế xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Một trong những bài học thành công
đưa tới sự chuyển đổi mạnh mẽ của vùng đất chiến khu xưa là lãnh đạo cấp ủy, chính
quyền địa phương và huyện Vĩnh Cửu đã giảm mạnh các cuộc hội họp, tăng cường đi
cơ sở, nắm bắt thực tiễn để chỉ đạo những định hướng phát triển phù hợp, đúng đắn.
Bí thư Đảng bộ xã Phan Thanh Chương cho biết, chỉ trong quý 1 năm nay, Đảng bộ,
chính quyền và các đoàn thể xã đã có hơn 20 lượt thực tế tại 9 ấp trong xã và các
mô hình HTX xoài, quýt cùng vùng đồng bào dân tộc, kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm
trạng và có những quyết sách đúng đắn.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân cho hay, từ năm
2018 đến nay, Vĩnh Cửu giảm 30% các cuộc họp tại huyện để dành thời gian làm việc
trực tiếp tại cơ sở, qua đó những gì khó khăn vướng mắc thì các phòng, ban của
huyện cùng cơ sở tìm cách tháo gỡ ngay. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ khác cũng được
Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo, kiên quyết thực
hiện để hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhờ vậy, Vĩnh Cửu đã hoàn thành và về đích nông
thôn mới trước mục tiêu nghị quyết 1 năm./.
Vĩnh Hà