Phóng viên báo Lai Châu tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh:nguoilambao.vn
Tầm quan trọng của văn hóa đối với hoạt động truyền thông ở vùng
dân tộc thiểu số
Dân tộc thiểu số được hiểu là
dân tộc chiếm số ít so với dân tộc chiếm số đông nhất trong một quốc gia đa dân
tộc. Vùng dân tộc thiểu số thường được coi là nơi cư trú của cộng đồng người
dân tộc thiểu số. Ở nước ta, phần lớn các cộng đồng dân tộc thiểu số cư trú
phân tán, xen kẽ tại vùng núi với địa hình chia cắt phức tạp, nhiều địa bàn là
nơi có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh; đời sống
người dân đa phần còn khó khăn, trình độ phát triển không đồng đều, trình độ
học vấn chưa cao, song đồng bào sở hữu văn hóa, tri thức bản địa phong phú, đa
dạng. Đặc biệt, tính gắn kết cộng đồng cao, sự hiếu khách, yêu văn nghệ là đặc
tính nổi trội, phổ biến ở nhiều cộng đồng thiểu số; cùng với đó là vai trò dẫn
dắt, then chốt của những người tiên phong, người có uy tín…
Từ nhiều năm nay, Đảng, Nhà
nước ta luôn dành các điều kiện ưu đãi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh
thần của các cộng đồng dân tộc thiểu số, ban hành nhiều chính sách về phát
triển thông tin, truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số. Song đến nay, sự hưởng
thụ thông tin văn hóa giữa miền xuôi và miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn
không ít khoảng cách bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chưa
thực sự coi trọng văn hóa, hoặc thiếu hiểu biết về văn hóa dẫn đến truyền thông
kém hiệu quả. Trong hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta, văn
hóa càng ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng bởi các lý do cơ bản:
Thứ nhất, văn
hóa do con người sáng tạo ra, phát triển, tích lũy và gìn giữ. Bản thân truyền
thông cũng là một yếu tố thuộc phạm trù văn hóa do là sản phẩm được hình thành
và trao truyền bởi con người, nên truyền thông nói chung, truyền thông ở vùng
dân tộc thiểu số nước ta nói riêng như một lẽ tất nhiên không thể và khó có thể
tách rời văn hóa, dẫn đến “văn hóa nào, truyền thông ấy”. Truyền thông góp phần
thể hiện, truyền tải văn hóa; văn hóa tác động đến hiệu quả, chất lượng, xu
hướng… truyền thông. Chừng nào còn con người và xã hội loài người, thì văn hóa
vẫn luôn có tầm quan trọng và tác động đến truyền thông theo nhiều cách, ở
nhiều khía cạnh khác nhau.
Thứ hai, về phía chủ thể truyền thông. Sẽ là khuyết thiếu nếu không có hiểu
biết nhất định về văn hóa, không quan tâm đến văn hóa nói chung cũng như văn
hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, từ đó gây nên những hạn chế, nhược
điểm về tri thức và hành động trong quá trình hoạt động truyền thông, ảnh hưởng
đến chất lượng hoạt động truyền thông. Ví dụ, trong hoạt động truyền thông trực
tiếp, cán bộ truyền thông gặp đồng bào mà không chú ý đến văn hóa giao tiếp như
chào hỏi, thể hiện thái độ thân thiện, sẽ dễ khiến họ có thái độ không hợp tác;
khi thấy nhà của đồng bào dân tộc thiểu số, như nhà của người Dao treo túm lá trước
cửa mà cứ đi vào, sẽ vấp phải thái độ phản ứng của các thành viên gia đình, nên
rất khó tiếp cận được đồng bào để tiến hành các hoạt động truyền thông…
Thứ ba, về
phía đối tượng truyền thông. Hoạt động truyền thông dù được thể hiện, chuyển
tải dưới hình thức nào, khi đến với đối tượng truyền thông cũng sẽ được đối
tượng truyền thông tiếp nhận từ “lăng kính văn hóa” của bản thân - yếu tố
thường chịu sự chi phối, tác động từ văn hóa của cộng đồng, dân tộc mình. Họ sẽ
cảm thấy khó tiếp thu, khó chấp nhận nếu thông điệp truyền thông mang những yếu
tố quá xa lạ, khác biệt với văn hóa của cộng đồng dân tộc bản địa. Nhìn rộng
ra, khi tiến hành các hoạt động truyền thông, nếu bỏ qua hoặc coi nhẹ yếu tố
văn hóa nói chung, văn hóa địa phương nói riêng sẽ dễ gây sự khó chịu, khúc
mắc, thậm chí cả những hiểu lầm… giữa chủ thể truyền thông và đối tượng truyền
thông.
Văn hóa tác động đến hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu
số
Dưới ảnh hưởng của quá trình
hội nhập, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp các quốc gia, dân tộc, hoạt
động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay gặp nhiều thuận lợi,
thời cơ, song có không ít khó khăn, thử thách. Tác động của văn hóa đến hoạt
động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số cũng diễn ra ở nhiều khía cạnh, với
biểu hiện đan xen giữa cái cũ với cái mới, thậm chí có những tác động mang tính
phi truyền thống.
Trong công tác truyền thông ở
vùng dân tộc thiểu số, hiểu và nắm bắt được văn hóa của cộng đồng với đặc trưng
là tính gắn kết cộng đồng cao để sử dụng “mạng lưới” sẵn có đó, hoặc tạo nên
một mạng lưới truyền thông được coi là một trong những biện pháp quan trọng tác
động đến chất lượng công tác truyền thông. Từ đó, làm thành dòng chảy truyền
thông giữa người truyền thông - thông điệp - đối tượng tác động, giúp chia sẻ
những bài học kinh nghiệm, hình thành ý tưởng cho việc nâng cao chất lượng,
hiệu quả truyền thông hiện tại hoặc cho hoạt động truyền thông kế tiếp. Song,
đặc điểm tâm lý, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là thường tự ti, bảo
thủ, mẫn cảm. Do vậy, ngày nay, ngày càng có nhiều cơ quan, tổ chức… truyền
thông lựa chọn hình thức, thông điệp truyền thông hay người làm truyền thông
đến nhóm đối tượng này theo tiêu chí phải có hiểu biết nhất định về văn hóa địa
phương, văn hóa của nhóm đối tượng để bảo đảm sự bình đẳng văn hóa; đồng thời,
có khả năng thúc đẩy sự lan tỏa các thực hành mới trong cộng đồng dân tộc thiểu
số bởi đây là quá trình mang tính lựa chọn, cần một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, từng có những ví dụ
điển hình, được coi là bài học “xương máu”, “nằm lòng” về hoạt động truyền
thông mà không/chưa am hiểu hoặc chú trọng đến yếu tố văn hóa, đặc biệt là văn
hóa địa phương với nhận thức, tâm lý, thói quen, hành động văn hóa mang những
đặc trưng riêng, nên dẫn đến những định kiến văn hóa, kéo theo hậu quả không
đạt được mục đích, hiệu quả truyền thông. Ví dụ, trong quá trình truyền thông,
chủ thể truyền thông quá chú trọng đề cao vai trò của chính quyền đối với sự
phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số mà bỏ qua vai trò của người tiên phong,
người có uy tín; thiếu hiểu biết văn hóa để phân định mỗi cộng đồng dân tộc
thiểu số có những người có uy tín khác nhau, như người có uy tín ở vùng người
Dao là thầy cúng, ở vùng người Mông là ông trưởng dòng họ… nên gây phản ứng
trong một bộ phận đồng bào. Hoặc, đồng bào chưa đọc thông, viết thạo, nhưng
hoạt động truyền thông lại được thực hiện chủ yếu bằng tờ rơi; đồng bào chỉ
biết tiếng dân tộc mình, song cán bộ truyền thông chỉ biết nói tiếng Việt; cán
bộ đến vùng có nhiều hộ nghèo để truyền thông mà ăn mặc rất thời trang khiến
đồng bào cảm thấy xa lạ...
Tựu trung, tác động của văn hóa
đến hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay được thể
hiện ở:
Một là, văn hóa tác động đến các vấn đề có tính chất chiến lược
của hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số như: quy hoạch, ban hành các
chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật… về truyền thông ở vùng dân tộc
thiểu số. Các vấn
đề này sẽ không thể hoặc khó có thể được ban hành nếu không dựa trên căn cứ
quan trọng là xuất phát từ tâm thức văn hóa Việt Nam, gìn giữ, phát huy bản sắc
văn hóa dân tộc Việt Nam, gắn với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của cộng
đồng dân tộc thiểu số, bởi có thể gây sự bất hợp lý, không phù hợp với tình
hình, điều kiện, nhu cầu thực tiễn gắn với sự chi phối về đặc trưng văn hóa của
vùng dân tộc thiểu số, dẫn đến sự phản kháng từ chính đồng bào.
Hai là, văn hóa tác động đến việc lựa chọn lĩnh vực, phạm vi, đề
tài… truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số. Sự lựa chọn này chịu sự chi phối không nhỏ
từ trình độ, nhận thức văn hóa của chủ thể truyền thông để phát hiện, tìm ra
những lĩnh vực, phạm vi, đề tài phù hợp với tâm thức văn hóa, nhu cầu văn hóa
và sở thích, nguyện vọng văn hóa, cũng như các tiêu chuẩn thái độ và giá trị
văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Với hoạt động truyền thông ở vùng
dân tộc thiểu số, những lĩnh vực, phạm vi, đề tài được chọn lựa nếu gắn với gìn
giữ và phát huy văn hóa bản địa trong các lĩnh vực, hoạt động của đời sống đồng
bào thường góp phần tăng sức thuyết phục, giúp đồng bào dễ tiếp thu và hưởng
ứng, làm theo.
Ba là, văn hóa tác động đến việc thực hiện các chiến lược, sách
lược truyền thông cũng như các hoạt động truyền thông cụ thể. Với đồng bào vùng dân tộc thiểu số có
trình độ nhận thức còn hạn chế, khó có thể truyền tải thông điệp mang nặng tính
lý luận hay quá cách điệu hóa, trừu tượng hóa; hoặc với đối tượng đồng bào dân
tộc thiểu số chỉ biết nói tiếng của dân tộc mình mà tiến hành truyền thông bằng
tiếng Kinh, hoặc cử cán bộ giỏi tiếng nước ngoài mà không biết tiếng dân tộc
thì đồng bào sẽ không hiểu, hiệu quả truyền thông khó được đảm bảo. Do vậy, chủ
thể truyền thông cần nghiên cứu kỹ văn hóa bản địa để lựa chọn người truyền
thông, chọn thông điệp, hành động truyền thông mang tính gần gũi, phù hợp với
tâm thức văn hóa địa phương. Thực tế đã chứng minh, thông điệp truyền thông nếu
thể hiện dấu ấn hoặc sự liên kết, tôn trọng văn hóa bản địa sẽ dễ dàng đi vào
lòng người, dễ được tiếp nhận và tạo hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy nhận
thức, hành động đúng đắn của người dân. Nếu ngược lại, dễ gây sự xa lạ, xa
cách, thậm chí khó hiểu, từ đó khó tiếp nhận thông điệp truyền thông. Đặc biệt,
hoạt động truyền thông sẽ đạt hiệu quả cao nếu có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ càng
đặc điểm tâm lý dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số. Ví dụ, người Mông rất
thẳng tính, bộc trực, nhưng với người Dao lại phải nói khéo. Thông điệp truyền
thông cũng dễ được đồng bào đón nhận khi liên quan trực tiếp đến bản thân họ,
nên khi tiến hành hoạt động truyền thông, nếu phân tích, chỉ cho đồng bào nhận
thấy làm việc đó đem đến quyền lợi cho cá nhân và cho chính cộng đồng mình, sẽ
dễ đạt được hiệu quả cao về truyền thông.
Bốn là, văn hóa tác động một cách toàn diện đến các công cụ,
phương tiện truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số, bởi các công cụ, phương tiện truyền
thông như tranh cổ động, tờ rơi, biểu ngữ, báo, đài phát thanh, đài truyền
hình, điện thoại, fax, internet… đều là sản phẩm của văn hóa do con người sáng
tạo ra. Thiếu các công cụ, phương tiện này, hoạt động truyền thông có thể bị
mất đi tính đa dạng, hấp dẫn, sức thuyết phục và khả năng tạo ra hiệu ứng, hiệu
quả truyền thông rộng rãi. Điển hình, với tranh cổ động, tờ rơi, việc trình bày
đẹp, ấn tượng và làm nổi bật những từ quan trọng, hình minh họa dựa trên những
nét văn hóa gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào dân tộc giúp đồng
bào hứng thú và dễ tiếp thu hơn. Với phương tiện phát thanh, truyền hình,
thường có sự ngắn gọn, rõ ràng, truyền cảm, cùng với âm nhạc, hình ảnh dân tộc
và ưu tiên dùng tiếng dân tộc thiểu số, giúp đồng bào nhớ nhanh hơn, hứng thú
hơn do được tác động đến nhiều giác quan cùng một lúc. Việc tận dụng truyện,
thơ ca, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số để có cách thức thể
hiện phù hợp cũng tạo hiệu quả truyền thông rõ rệt do gần gũi với tâm thức văn
hóa và tâm lý tiếp nhận của họ. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công
nghệ 4.0 hiện nay, có thể thấy rõ tác động ngày càng đa dạng, sâu sắc của văn
hóa đến sự phát triển và sử dụng các công cụ, phương tiện truyền thông, với sự
xuất hiện và biến đổi như vũ bão của các công cụ, phương tiện này, kéo theo đó
là sự biến đổi số lượng đối tượng tiếp nhận, tâm lý, thói quen tiếp nhận và
chịu ảnh hưởng bởi truyền thông của ngày càng nhiều người dân ở vùng sâu, vùng
xa, vùng biên giới, hải đảo nước ta. Ngày nay, ngày càng có nhiều đồng bào ở
vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là lớp trẻ, được tiếp cận và sử dụng các công
cụ, phương tiện, sản phẩm truyền thông hiện đại nên không xa lạ với việc sử dụng
điện thoại, ti vi, mạng internet...
Một số xu hướng tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông ở
vùng dân tộc thiểu số nước ta thời gian tới
Dưới ảnh hưởng của quá trình
hội nhập, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển như vũ
bão, có thể thấy, văn hóa đã, đang và vẫn sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến
hoạt động truyền thông vùng dân tộc thiểu số nước ta với những xu hướng tác
động đa dạng:
Một là, tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông ở vùng dân
tộc thiểu số nước ta ngày càng đa dạng và rộng khắp, thể hiện trong mọi hoạt động truyền thông.
Ví dụ, trong lập kế hoạch truyền thông, người truyền thông luôn cần tìm hiểu
văn hóa (phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa…) của địa phương/vùng nơi mình sẽ
tiến hành các hoạt động truyền thông để tạo sự kết nối, gắn kết giữa hoạt động
truyền thông với sự tương thích, thẩm thấu văn hóa nói chung, văn hóa địa
phương nói riêng nhằm tạo hiệu quả, tác động truyền thông đến đối tượng truyền
thông. Hoặc, trong kỹ năng truyền thông trực tiếp, người truyền thông ngày nay
ngày càng chú trọng đến việc tìm hiểu văn hóa địa phương để vận dụng trong văn
hóa giao tiếp với đối tượng truyền thông nhằm tạo thiện cảm ngay từ ban đầu, từ
đó có thể dễ dàng hơn trong việc chuyển tải thông điệp truyền thông đến đối
tượng cần tác động.
Hai là, tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông ở vùng dân
tộc thiểu số nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, hướng đến mục tiêu đạt hiệu
quả truyền thông về cả chất lượng, số lượng một cách bền vững, lâu dài, có sự
tương tác, phản hồi nhanh, kịp thời để có thể điều chỉnh hoặc sửa đổi, rút kinh nghiệm cho
những lần truyền thông tiếp theo. Xu hướng này kéo theo việc thúc đẩy sự ngày
càng chuyên sâu hóa, chuyên nghiệp hóa trong vận dụng tác động của văn hóa đến
hoạt động truyền thông, thúc đẩy sự hình thành, phát triển của đội ngũ nhân lực
chuyên nghiệp am hiểu, vận dụng hiệu quả văn hóa trong hoạt động truyền thông;
đồng thời thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của những ngành, nghề liên quan đến
văn hóa truyền thông và truyền thông văn hóa ở nước ta.
Ba là, tác động của văn hóa đến hoạt động truyền thông không chỉ
dừng lại ở văn hóa đất nước ta hay văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số
nước ta mà còn đến từ văn hóa của các dân tộc, đất nước khác trong khu vực và
trên thế giới do ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Với xu hướng này, văn hóa của các cộng
đồng, dân tộc, quốc gia trên thế giới sẽ tác động ngày càng nhanh, mạnh và len
lỏi vào mọi ngóc ngách của hoạt động truyền thông nói chung, truyền thông ở
vùng dân tộc thiểu số nước ta nói riêng với những hình thức biểu hiện mới và
phạm vi tác động mới. Về hình thức biểu
hiện, càng ngày người ta càng nói nhiều đến “văn hóa truyền thông
thời @” với sự trợ giúp của điện thoại, điện thoại thông minh (smart phone),
máy vi tính, mạng internet cùng các phương tiện khoa học - kỹ thuật hiện đại
khác khiến hình thành văn hóa truyền thông kiểu mới, khác với kiểu truyền thống
(chủ yếu qua truyền thông trực tiếp và gián tiếp với sự trợ giúp của các phương
tiện truyền thông thô sơ, lạc hậu). Về
phạm vi tác động, không chỉ tác động đến các hoạt động truyền thông
trong đời sống thực mà còn trong đời sống “ảo” (trên mạng internet, qua các
trang mạng xã hội, kênh chia sẻ thông tin…) của người dân ở vùng dân tộc thiểu
số; tác động không chỉ trong lúc thực hiện hoạt động truyền thông mà cả sau khi
hoạt động truyền thông đã được thực hiện hoặc đã hoàn thành bởi người dân và
người thực hiện hoạt động truyền thông, cũng như bất kỳ người nào trên thế giới
có thể giao tiếp, tương tác, phản hồi với nhau qua điện thoại, hoặc mạng
internet, đặc biệt qua Facebook, Twitter, Youtube...
Tác động của văn hóa đối với
hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước ta đã được khẳng định và
thể hiện không chỉ trong quá khứ, mà còn ở hiện tại cũng như sẽ còn tiếp tục
trong tương lai. Tất nhiên, hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số nước
ta trong giai đoạn hiện nay không chỉ chịu tác động từ văn hóa, mà còn từ chính
trị, kinh tế, xã hội… Tất cả tạo thành tổng thể tác động có sự đan xen, tương
tác, ảnh hưởng lẫn nhau, đòi hỏi hoạt động truyền thông cần chú trọng đến tổng
thể các yếu tố, không nên quá coi trọng hay thiên lệch yếu tố nào bởi sẽ dễ dẫn
đến những bất bình đẳng, mâu thuẫn, xung đột…, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu
quả của hoạt động truyền thông cả trước mắt lẫn lâu dài. Đồng thời, với sự đa
dạng và khác biệt về văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên đất nước ta, đòi
hỏi hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số cần có sự chọn lựa, chọn lọc
các giá trị văn hóa để vừa đảm bảo bình đẳng, đa dạng văn hóa, tránh sa vào
định kiến, vị chủng, không đi ngược lại các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm các nhu cầu, lợi ích chính đáng của
người dân và hướng đến các giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại: chân - thiện
- mỹ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông,
tăng cường nhận thức, hướng đến những hành động tích cực của người dân vùng dân
tộc thiểu số nhằm mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững các cộng đồng dân
tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển vững bền của đất nước, con người Việt Nam
trong thời kỳ hội nhập./.
(Nguồn: baomoi.com)