Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị. (Ảnh: TH)
Chiều 12/3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban
Dân tộc tổ chức Hội nghị triển khai chương trình phối hợp công tác năm 2019.
Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy
ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị.
Thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy
ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2017-2021, công tác
phối hợp theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở giữa hai bên đã đạt được những
kết quả bước đầu trong công tác tham gia xây dựng chính sách; tham gia các Hội
nghị, Hội thảo và tham gia kiểm tra ở một số địa phương, nhất là việc hai bên
cùng phối hợp trong công tác lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng và phát huy hơn 34
nghìn người có uy tín là người dân tộc thiểu số ở các khu dân cư.
Đến nay đã có 39/48 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành
phố ký chương trình phối hợp với Ban Dân tộc. Thông qua việc triển khai thực
hiện, bước đầu đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ MTTQ Việt Nam và
ngành Dân tộc các cấp trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền, tuyên
truyền, vận động và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo động lực để
đồng bào các dân tộc vươn lên thoát khỏi tình trạng khó khăn, góp phần củng cố
niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước.
Năm 2019, hai bên sẽ phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số
1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi giai đoạn 2018-2021”; tham mưu và triển khai thực hiện chủ trương của
Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chú trọng các
chương trình phát triển kinh tế và giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn; phối hợp
tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên đồng bào nhân các ngày lễ, tết hội
truyền thống của các dân tộc…
Đồng tình với kế hoạch công tác trong năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban
Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị hai cơ quan phối hợp tổ chức cuộc gặp mặt đại biểu
dân tộc thiểu số dọc theo biên giới Việt – Lào; phối hợp tổ chức Hội thảo tham
gia ý kiến vào đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu
số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phối hợp tổ chức các cuộc giám sát
để nắm tình hình nhân dân, việc thực các chính sách dân tộc; phối hợp giám sát
đề án thí điểm "Cấp radio cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc
biệt khó khăn, biên giới” ở 10 tỉnh, thành phố...
Đánh giá cao kết quả phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
và Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề
nghị, thời gian tới, hai bên cần tiếp tục triển các nội dung ký kết tại Chương
trình phối hợp số 22/Ctr-MTTW-UBDT, từ đó tiến hành sơ kết, tổng kết những nội
dung triển khai, có biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng những mô hình
hiệu quả tại các địa phương trong quan tâm, chăm lo và cải thiện đời sống của
đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)
Cùng với đó cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để vận động đồng
bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phối hợp tổ chức thực hiện giám
sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách cho người có uy tín vùng dân tộc thiểu
số, phát huy vai trò của người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, phải chọn các chương trình trọng
tâm, trọng điểm, tránh sự trùng lặp với các chương trình giám sát đang được
triển khai.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Mặt trận phải huy động sự vào
cuộc của 47 tổ chức thành viên để phát huy sức mạnh đại đoàn kết, từ đó giúp
đồng bào tin vào Đảng, Nhà nước, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu. Muốn
thế, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của
nhân dân, kịp thời giải quyết những bức xúc và không để bất ngờ đối với các tình
huống phát sinh trên địa bàn.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, Mặt trận các cấp cần triển
khai rộng khắp cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị
văn minh” tới đồng bào vùng sâu, vùng xa gắn với việc vận động đồng bào tích
cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thông qua việc chuyển đổi
cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung sản xuất kinh doanh và quyết tâm giúp
đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững. Hai bên cần phối hợp với Bộ Giáo dục và
Đào tạo để vận động con em đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít khắc
phục khó khăn, chăm chỉ đến trường, coi kiến thức là hành trang giúp gia đình
vươn lên thoát nghèo.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, Mặt trận các cấp phải huy động
sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền để chủ động xây dựng kế hoạch phát triển
vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nhiệm vụ và yêu cầu thực tế tại địa
phương. Từ đó đưa ra những chính sách cụ thể để gìn giữ bản sắc văn hóa, chăm
lo tốt hơn tới sức khỏe của người dân để đảm bảo mỗi gia đình luôn là gia đình
văn hóa, gia đình văn minh, không có tệ nạn xã hội và có cuộc sống ấm no, hạnh
phúc.../.
(Nguồn: baomoi.com)