Ðáng nói, đây lại là thời điểm trùng với việc Ủy ban châu Âu (EC) điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với xe đạp điện nhập từ Trung Quốc. Bộ Công thương nhận định, điều này có thể dẫn đến nguy cơ EC điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính. Do đó, Bộ Công thương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.
Thực tế, rất nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam với chất lượng cao, ổn định, đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng tại nhiều nước trên thế giới tin cậy, lựa chọn và đón nhận. Do vậy, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) ngày càng gia tăng. Không ít trường hợp hàng hóa được nhập khẩu hoặc đặt gia công tại nước ngoài, nhưng lại gắn mác là hàng sản xuất tại Việt Nam để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Mặt khác, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vì vậy xuất hiện xu hướng hàng hóa nước ngoài mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi từ các FTA hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng người tiêu dùng mà còn tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam. Trên thế giới, các nước phát triển đều có quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất trong nước nói chung và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm cụ thể. Hàng hóa đã ghi nhãn hiệu nước sản xuất thì phải đáp ứng đủ tiêu chí và điều kiện theo quy định. Chế tài xử phạt cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa cũng rất nặng. Thí dụ, theo quy định của Ca-na-đa, nếu tổ chức, cá nhân gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu đô-la Ca-na-đa, phạt tù từ 1 đến 14 năm.
Tại Việt Nam, các quy định hiện hành mới điều chỉnh chủ yếu ở nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu. Khái niệm "hàng hóa Việt Nam" cũng đang có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, như hàng có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, hoặc hàng có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hay hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn. Do đó, việc hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất "Made in Vietnam" là nhu cầu rất cấp bách. Qua trao đổi bước đầu giữa các bộ, ngành, chuyên gia và một số hiệp hội ngành hàng, trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Khi cá nhân, tổ chức ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và chứng minh được khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam. Sau một khoảng thời gian thực hiện, khi quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam dần được hình thành trong nhận thức xã hội, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tổng kết, đánh giá và báo cáo Chính phủ để áp dụng bắt buộc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với một số mặt hàng cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, bảo hộ ngành sản xuất cũng như xây dựng các thương hiệu mạnh trong nước.
(Theo Báo Nhân dân)