ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Kỷ niệm 5 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ Quảng Bình (4/10/2013-4/10/2018): Đại tướng sống mãi trong lòng nhân dân
Đăng ngày: 03-10-2018 07:01
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Cách đây 5 năm ngày 4-10-2013 (nhằm ngày 30-8 âm lịch), đất trời và hàng triệu người dân Việt Nam rơi lệ tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ Quảng Bình.
5 năm đã trôi qua kể từ thời khắc đau thương ấy, biển Vũng Chùa hoang sơ năm nào giờ trở nên ấm áp hơi Người. Mỗi ngày, từng dòng người tưởng như bất tận về đây viếng thăm Đại tướng, vùng đất nơi “cánh chim bằng” an nghỉ giờ bốn mùa thơm ngát hương hoa và yên bình trong tiếng sóng biển rì rào. Quê hương Đại tướng sau 5 năm Người về đất mẹ giờ đổi thay hơn trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã khắc ghi lời dạy của Người, nỗ lực xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng phát triển, đời sống người dân nâng cao, giữ gìn tốt truyền thống quê hương anh hùng trong chiến đấu, sáng tạo trong đổi mới…

Hàng triệu trái tim hướng về Đại tướng

Sau 5 năm kể từ ngày Đại tướng về an nghỉ tại Vũng Chùa Đảo Yến đã có hàng triệu người trong và ngoài nước với lòng thành kính đã về dâng hương, hoa và kính cẩn nghiên mình trước anh linh Đại tướng. Theo lãnh đạo Đồn biên phòng Ròon, đơn vị vinh dự được làm nhiệm vụ đặc biệt: Canh gác và giữ yên giấc ngủ Đại tướng cho hay, 5 năm Đại tướng trở về quê hương Quảng Bình đã có trên 500 ngàn đoàn khách với gần 7 triệu lượt người trong và ngoài nước về dâng hương, hoa viếng Đại tướng.

IMG_3217.jpg 
 Đông đảo người dân về thắp hương viếng mộ Đại tướng

Cách đây tròn 5 năm ngày 30-8 âm lịch (4-10-2013), Đại tướng đã từ biệt trần thế, lên đường theo Bác Hồ và các bậc tiền bối. Trong suốt một tuần lễ viếng diễn ra, từng đoàn người nối dài từ khắp mọi miền Tổ quốc đã có mặt tại nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) chờ đợi hàng giờ để được vào tiễn biệt Đại tướng. Ngày 13-10-2013 (tức ngày 9-9-2013 âm lịch) linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa về an nghỉ cuối cùng tại Vùng Chùa- Đảo Yến. Người an nghỉ ngàn thu giữa quê hương Quảng Bình và trong trái tim hàng triệu người dân sẽ vẫn luôn thổn thức, biết ơn, ghi nhớ công lao to lớn của vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

Giữa cái se lạnh của ngày chớm đông nơi biển Vũng Chùa- Đảo Yến, Cựu chiến binh Trần Thanh Tuấn, 72 tuổi (Cà Mau) bước từng bước khó khăn bởi đôi chân đã yếu vì bệnh tật. 5 năm qua, lòng ông luôn đau đáu mơ ước một lần về thắp hương cho Đại tướng- Người anh Cả của mình và các thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ”, giờ thì ước mơ đó đã thành hiện thực. Ông tâm sự, Ngày nghe tin Đại tướng mất, ông bàng hoàng đau đớn đã cùng các đồng chí đồng đội của mình đến trụ sở Hội CCB huyện Trần Văn Thời để dâng hương, bái biệt đại tướng. “Tôi chỉ có mơ ước được đến thắp cho Đại tướng nén hương trước khi theo Đại tướng về cõi vĩnh hằng. Giờ ước mơ đã thỏa nguyện, tôi có chết cũng vui lòng”, ông Tuấn nói.

Cụ Lê Thị Lan (73 tuổi), một người dân tại huyện Quảng Trạch trải lòng: “Từ khi Đại tướng về đây, cứ đến ngày lễ, tết hay ngày giỗ chạp là tụi lại nhờ con cháu chở lên để thắp cho Người nén hương thơm, như để tri ân những đóng góp to lớn mà Đại tướng đã dành cho dân tộc, cho đất nước và quê hương Quảng Bình”.

IMG_3226.jpg 
 Trao đổi với ông Võ Đại Hàm, cháu Đại tướng tại Khu di tích Nhà lưu niệm Đại tướng ở Lệ Thủy, Quảng Bình

Là người có vinh dự được canh giấc ngủ Đại tướng ngay từ những ngày đầu, Đại úy Đồng Thanh Hải, Đội trưởng Đội bảo vệ Vũng Chùa, Đồn biên phòng Roòn cho hay, anh và đồng đội đã cùng nhau canh giấc ngủ cho Đại tướng. Họ đã trải qua những mùa giông báo, giá rét và cả những ngày nắng đẹp, hạnh phúc và cảm động trước những tấm chân tình của người dân khắp mọi miền Tổ quốc cũng như du khách nước ngoài khi về đây viếng Người. Không chỉ bảo vệ bình yên cho giấc ngủ của Đại tướng, những người lính biên phòng còn mỗi ngày đón và bảo vệ an toàn cho hàng nghìn lượt khách, trong đó cao điểm lên tới 45 ngàn lượt người.

5 năm qua, từ thời điểm Đại tướng trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ, vùng đất dưới chân Đèo Ngang với hình ảnh mang nỗi buồn hoang hoải trong thơ xưa của Bà huyện Thanh Quan và đầy những lo âu, trăn trở của những năm gần đây giờ đã thay da đổi thịt rõ ràng. Biển Vũng Chùa giờ trở thành nơi quy tụ tình yêu nước, lòng ngưỡng vọng của nhân dân cả nước đối với Đại tướng. Hoa ban trắng, tình yêu của những người dân nơi đất trời Tây Bắc đã về đây lặng lẽ tỏa hương; 103 gốc mai vàng (tượng trưng số tuổi của Đại tướng) dưới chân mộ Đại tướng cùng 13 ngàn cây xanh được người dân, đoàn viên thanh niên trong tỉnh và cả nước tự tay trồng, chăm sóc giờ đã lên xanh, nở hoa thơm ngát mỗi độ xuân về. Trống đồng, súng thần công, súng lệnh, những bảo vật được những người thợ đúc đồng tài hoa đất Lam Kinh rèn đúc được nhân dân Thanh Hóa mang về dâng Người, như lời hứa thiêng liêng, khí phách, quyết tâm bảo vệ non sông của người dân Việt Nam trước vong linh Đại tướng…

Tình yêu, lòng ngưỡng vọng của nhân dân dành cho Đại tướng còn là những điều giản dị như ống cơm lam, sản vật của người dân Cao Bằng trong mâm lễ vật dâng Người; là giọt nước mắt lặng lẽ của bà má miền Nam quen thuộc trong hình ảnh chiếc khăn rằn lần đầu tiên được thắp hương lên mộ phần Đại tướng; là bức tranh gốm sứ được ghép từ nhiều tấm hình nhỏ của Đại tướng do Đoàn đại biểu Đồng Nai dâng tặng; là chiếc áo in hình Đại tướng trang trọng phía trái tim; là những hành động ý nghĩa của học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ cả nước hướng về Đại tướng để tự hào tiếp bước vươn lên xây dựng đất nước đàng hoàng, to đẹp như tâm nguyện của Người khi còn sống…

Đến quê hương Lệ Thủy hôm nay

Từ TP. Đồng Hới, xe của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đưa chúng tôi về thăm Khu di tích Nhà lưu niệm Đại tướng tại làng An xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy. Căn nhà nhỏ xinh với hàng dâm bụt được cắt tỉa gọn gàng, cái cổng vào nhà kiểu cổ của các cụ xưa kia là nơi ôm ấp, nuôi dưỡng tình yêu thương của một vĩ nhân ngay từ thời thơ bé.

IMG_3228.jpg 
Ban thờ Đại tướng tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy

Ông Võ Đại Hàm, cháu của Đại tướng, người hiện đang trông coi Khu di tích Nhà lưu niệm Đại tướng kể: “Năm nào cũng thế, cứ vào dịp sinh nhật Đại tướng, và gần đây khi Đại tướng về với đất mẹ, dòng người từ khắp nơi về thăm Nhà lưu niệm. Chứng kiến ngôi nhà đơn sơ gắn với tuổi thơ của Đại tướng, ai nấy đều tỏ ra khâm phục, yêu quý và kính trọng Người hơn”.

Câu chuyện giữa chúng tôi và ông Võ Đại Hàm bị ngắt quãng nhiều lần vì ông tất bật hơn công việc dọn dẹp, đón các đoàn khách đến thăm quan Khu lưu niệm Nhà Đại tướng. Để hỗ trợ ông, các tổ chức đoàn thể trong thôn An Xá cũng thường xuyên đến chung tay làm vệ sinh lối đi, bãi giữ xe miễn phí, hướng dẫn người dân và du khách vào dâng hương tưởng nhớ Đại tướng.

Nhớ lời dạy của Đại tướng phải nỗ lực để đồng bào và nhân dân có cuộc sống tốt hơn. Tính đến nay, Lệ Thủy đã đạt tổng cộng 389 tiêu chí nông thôn mới (trung bình 15 tiêu chí/xã). Toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn được công nhận xã nông thôn mới, chiếm 46,15%. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân thường xuyên được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Toàn huyện hiện có 4.542 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn, thu hút hơn 12 ngàn lao động tham gia. Đến nay, toàn huyện có 20 xã đạt tiêu chí thu nhập, 17 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 23 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm; thu nhập bình quân đầu người gần 34 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 20% năm 2013 xuống khoảng 7,5% hiện nay theo tiêu chí mới; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được huyện quan tâm…

Trong dịp này, không chỉ người dân Lệ Thủy mà còn hàng chục triệu đồng bào cả nước nhớ về Đại tướng bằng các việc làm cụ thể. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức thành công chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mẹ Suốt”, nhân kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của Anh hùng ngành Giao thông vận tải Nguyễn Thị Suốt (11/10/1968- 11/10/2018) mở đầu cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng về kỷ niệm 5 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đất mẹ; Sở Văn hóa thể thao tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình nghệ thuật “Hát câu hò khoan nhớ về Đại tướng” là sự tri ân, là tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình dành cho Đại tướng nhân 5 năm ngày mất của Người. Đó là hoạt động biểu dương khen thưởng của tuổi trẻ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Bình 5 năm thực hiện phong trào “Tuổi trẻ LLVT Quảng Bình học tập và noi dương Đại tướng Võ Nguyên Giáp”; diễn đàn sinh hoạt truyền thống “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tuổi trẻ LLVT tỉnh Quảng Bình” và đến dâng hương, báo công tại Khu di tích Nhà lưu niệm Đại tướng tại huyện Lệ Thủy.

IMG_4378.jpg 
 Nhiều CCB viếng mộ Đại tướng- Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng

Tại nơi an nghỉ của Đại tướng Vũng Chùa- Đảo Yến những ngày này có hàng chục ngàn du khách trong nước và quốc tế đến dâng hương, hoa, tỏ lòng biết ơn, thành kính đối với vị tướng lừng danh khắp năm châu bốn bể. Hội Cựu chiến binh Khối Doanh nghiệp và Tỉnh đoàn Quảng Bình phối hợp tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”; “Tuổi trẻ Quảng Bình học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Roòn phát động phong trào “Tận tình, trách nhiệm, tạo thuận lợi để người dân, du khách khắp nơi được đến viếng Đại tướng an toàn”…

Ông Võ Đại Hàm, cháu của Đại tướng cho hay, hằng năm vào các dịp ngày sinh Đại tướng, ngày mất và đặc biệt vào ngày Tết Độc lập, riêng Khu di tích Nhà lưu niệm Đại tướng thường đón trung bình 4.500 đến 5000 lượt khách/ngày; có những dịp đặc biệt như kỷ niệm những năm tròn ngày Quốc khánh 2-9 và ngày sinh Đại tướng, Khu di tích đã đón trên 35 ngàn lượt khách/ngày. Đồng bào cả nước và du khách quốc tế đến dâng hương, tri ân và ngưỡng mộ bậc vĩ nhân, vị tướng tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam và lừng danh thế giới./.

Nguyệt Hà

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu