Còn nguy cơ cao về
cháy nổ
Thực
tế tại các chợ cho thấy, đây là nơi tập trung khối lượng
hàng hóa lớn (thậm
chí cả tài sản của tiểu thương) để phục vụ nhu cầu
người dân mua sắm, nhất là vào các dịp lễ, Tết hoặc những ngày rằm, mùng một trong tháng nên nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao. Tại các chợ trong tỉnh đều có những mặt hàng dễ bắt lửa như
vải, giấy, đệm mút, nhang đèn…và việc nhiều tiểu thương câu kéo điện mất an toàn, sắp xếp đồ
đạc chắn lối đi, chồng chất che khuất các thiết bị điện cũng là nguy cơ gây mất an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Sở hữu kiot kinh doanh mặt hàng khô và đồ dùng gia
đình (nhang,
đèn, đồ cúng tế, mùng mền, nệm…) tại chợ Long Khánh, cả cơ nghiệp của gia
đình bà
Trần Thị Vũ (54 tuổi, tiểu thương chợ Long Khánh) đều đặt trọn vào số hàng trong kiot này.
Qua sự tuyên truyền của Phòng
Cảnh sát PCCC số 2, Đội PCCC và ban quan lý chợ, bà nhận thức được nguy cơ trắng tay từ cháy, nổ, nhất là vào thời điểm mùa
mưa, dễ chập điện gây cháy. Từ đó gia đình bà đều quan tâm đến công tác phòng ngừa
cháy, nổ, nhất là mỗi khi đóng cửa kiot về nghỉ. Tuy nhiên, do chủ quan nên khi
kiểm tra tại kiot này, tình trạng treo lơ lửng những túi nilon, đồ dễ cháy ngay
ổ cắm điện vẫn còn tồn tại.

Kiểm tra PCCC tại chợ Long Khánh
Chia
sẻ, bà Vũ cho hay: “Các mặt hàng của tôi đều là mặt
hàng dễ cháy, vì vậy tôi cũng lo lắm chứ, chỉ cần sơ ý để lửa cháy âm ỉ, đến tối
mà bùng lên là cả chợ trắng tay luôn. Nhưng khi được cán bộ nhắc nhở về
tình trạng này, tôi sẽ dọn ngay để thoáng khu vực ổ cắm điện, hạn chế mất an
toàn dễ cháy xảy ra”. Bà Vũ cho biết thêm, cuối tháng 5-2018, bà
cùng nhiều tiểu thương khác được tham gia diễn tập
phòng cháy, chữa cháy do phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy số 2 tổ chức nên giúp bà hiểu
hơn nếu xảy ra sự cố mà bản thân đang có mặt tại chợ thì nên làm
gì, báo cho ai, chạy đi đâu để đảm bảo an toàn cho gia đình, hàng hóa.
Tại
kiot của gia đình ông Bùi Văn Khánh, chuyên kinh doanh mặt hàng may mặc và sửa
đồ ngay tại chợ. Ông Khánh cho rằng, bản thân ông và gia đình luôn ý thức rõ nếu
để xảy ra cháy nổ thì không chỉ kiot của gia đình mà nhiều kiot khác trong chợ
cũng tan thành tro bụi. “Với gia đình tôi, toàn bộ tài sản đều đổ vào kiot, vừa
là cuộc sống vừa là nguồn kinh tế chính để nuôi 2 con ăn học. Nếu để xảy ra
cháy, nổ coi như cắt đi đường sống”. Tuy nhiên khi đến kiểm tra tại khu vực
này, Cảnh sát PCCC vẫn nhắc nhở kiot của ông phải xếp gọn hàng hóa, thu dọn, tạo
lối thông thoáng cho người ra vào kiot cũng như chữa cháy, ứng phó khi có sự cố.
Vừa có kiot kinh doanh tại chợ Suối Nhát (xã Xuân Đông,
huyện Cẩm Mỹ) lại có các hoạt động sinh hoạt dùng nguồn nhiệt như nấu ăn tại chợ,
thời gian sinh hoạt trên 12 tiếng đồng hồ tại kiot, anh Trần Văn Minh (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) cũng khá lo lắng về vấn đề an toàn cháy, nổ.
Vì vậy, anh đã mua thủ sẵn một bình chữa cháy xách tay trong kiot, nhưng anh Minh lại lo ngại về việc cháy lan khi các kiot trong chợ san sát, nhiều đường
quanh chợ có các nhà cũ bằng gỗ đã xuống cấp, rất dễ bùng cháy lớn từ một ngọn
lửa nhỏ.
Anh Minh cho biết thêm, chợ Suối Nhát đã xuống cấp lắm rồi, đường đi
trong chợ cũng nhỏ, xe chữa cháy không vào được nên bà con tự dặn nhau mỗi người
cẩn thận điện, lửa để bảo vệ cho cả chợ”….
Box: Trung tá Phạm Đức Tâm, Trưởng phòng
Hướng dẫn và chỉ đạo về phòng cháy (Phòng 2), Cảnh sát PCCC tỉnh cho hay, toàn tỉnh hiện có 130 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
đang hoạt động thuộc diện phải quản lý về PCCC. Phần lớn, các chợ, trung tâm
thương mại, siêu thị được được đầu tư tốt về
phương tiện, dụng cụ chữa cháy, thường xuyên tập huấn chữa cháy và đảm bảo an
toàn, không để xảy ra cháy nổ thì vẫn còn nhiều nơi việc đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ chưa được quan
tâm, đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, đặc
biệt là sự chủ quan của các tiểu thương.
Chú ý hệ thống điện
an toàn
Trung tá Đặng Doãn Thành, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số
2 (Khu vực Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ) cho biết: “Thời gian qua, Phòng Cảnh
sát PCCC số 2 đã quan tâm, tuyên truyền, kiểm tra hướng dẫn Ban quản lý các chợ,
tiểu thương những quy định về an toàn PCCC. Đặc biệt, khi kiểm tra, phát hiện sai sót, Phòng
Cảnh sát PCCC số 2 đã lập biên bản, kiến nghị cơ sở khắc phục. Trong đó, đảm bảo an toàn hệ thống
điện ở một số chợ phải tiếp tục được coi trọng, cách sắp xếp, bố trí hàng hóa của
tiểu thương, việc lập các mái che chắn lấn chiếm đường nội bộ của xe chữa cháy
phải sớm được giải tỏa. Bên cạnh đó, phòng Cảnh
sát PCCC
số 2 thường xuyên tổ chức thực tập phương án tại các chợ,
siêu thị, trung tâm thương mại thuộc địa phận quản lý nên thời gian qua
không để xảy ra cháy nổ chợ thuộc khu vực quản lý của phòng”.

Chợ Suối Nhác hiện nay
Cũng
theo Trung tá Thành, thực tế qua theo dõi, ngoài những đơn vị làm tốt, vẫn còn
không ít các chợ, tiểu thương chưa thực sự quan tâm đến công tác an toàn PCCC,
trong đó chợ Suối Nhát (Cẩm Mỹ) là một điển hình. Chợ Suối Nhát hình thành từ năm 1983 đã rất cũ, hiện toàn chợ có 220 kiot tiểu
thương cả trong nhà lồng và ngoài. Hàng tuần, ban quản lý chợ vẫn thường xuyên
đi nhắc nhở các tiểu thương về việc cẩn thận lúc nấu ăn và thắp nhang thờ cúng,
tránh xảy ra cháy. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên Chợ Suốt Nhát thực sự
chưa được công nhận chợ, phải nằm trong diện giải tỏa để di dời sang chợ mới tại
xã Sông Ray nhưng hiện nay, khi trao đổi với các tiểu thương, hầu hết họ không
di chuyển, một phần do các kiot bên chợ mới quá nhỏ, không đảm bảo diện tích
buôn bán và còn nhiều lý do khác.
Chợ
Trung tâm TX. Long Khánh hiện có trên 520 kiot, gian
hàng, trong đó có 240 gian hàng đang hoạt động, chuyên đồ gia dụng, vải vóc, quần
áo…là các thứ dễ cháy nổ. Định kỳ hàng ngày, ban quản lý chợ lại phát tuyên
truyền an toàn PCCC cho bà con qua hệ thống loa nội bộ trong chợ. Hàng tuần, 22
đội viên PCCC chợ (gồm một số tiểu thương và thành viên ban quản lý chợ) tự kiểm tra, vận
động, nhắc nhở bà con cẩn thận điện, nhiệt. Ông Võ Thành Khởi (Đội PCCC chợ Long Khánh) cho
biết: “Chúng tôi có 34 bình chữa cháy xách tay, trong đó có 4 bình đến hạn bảo dưỡng
vừa được tiến hành cách đây 2 tháng, ngoài ra còn hệ
thống chữa cháy tự động thông qua các đầu báo nhiệt, báo khói. Xung quanh chợ
còn 4 trụ nước chính và có cả giếng khoan để hỗ trợ chữa cháy khi cần thiết”.
Tuy
nhiên, theo ghi nhận, ngoài những nỗ lực cố gắng, công tác
PCCC ở các chợ vẫn còn những điểm yếu cần phải
khắc phục ngay, mà chủ yếu phải từ ý thức các tiểu thương, đây cũng là khó
khăn trong công tác quản lý PCCC trên địa bàn. Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, Đại
tá Văn Quyết Thắng nhìn nhận, điểm khó trong quản lý PCCC tại các chợ, nhất là
chợ phố, thị xã, thị trấn đó là tình trạng tiểu thương đã tranh thủ mọi ngóc ngách trong kiot bày hàng hóa, thậm chí lấn ra đường. Hoặc nhiều trụ nước chữa cháy bị để đồ đạc, che chắn lối vào.
Các hộ tiểu thương thắp nhang trong kiot nhưng quên tắt hoặc câu kéo điện không
đảm bảo an toàn…..
“Những hạn chế này phải nhanh chóng được khắc phục mới đảm bảo tuyệt đối an
toàn tại các chợ trên địa bàn. Trong đó, tình trạng câu móc điện, tranh thủ
ngõ, ngách, bày hàng hóa che chắn cả lối đi, trụ nước chữa cháy hoặc phương tiện
phòng cháy…phải khắc phục ngay để đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ trên địa
bàn”, Đại tá Thắng nhấn mạnh./.
Vĩnh Hà