Trên đây là lời của Chủ tịch UBND xã Phước Nam Bá Văn
Cảnh và Thầy trình Vũ Minh Mạng, một chức sắc uy tín của đạo Bà ni (người đứng
đầu của những đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi dòng Bà ni tại địa phương) khi
nói về công ty Changshin Việt Nam (KCN Thạnh Phú- Vĩnh Cửu, Đồng Nai).

Tặng quà cho chức sắc đạo Bà ni nhân dịp tết Ramưwan
Chúng tôi có dịp theo đoàn công tác của công ty đến
đón Tết cổ truyền, thăm, tặng quà một số lãnh đạo, chức sắc, chức việc đạo Bà
ni và gia đình công nhân dân tộc Chăm đang làm việc tại Changshin ở Ninh Thuận
trong những ngày vừa qua. Chứng kiến sự đổi thay tích cực và không khí lễ hội đầm
ấm với nhiều nét văn hóa độc đáo, chúng tôi càng hiểu thêm nghĩa tình của doanh
nghiệp và những người lao động, chính quyền địa phương nơi đây.
Ramưwan- Tết
quan trọng nhất của người Chăm
Phó chủ tịch UBND xã Phước Nam Châu Thị Mary cho biết:
“Người Chăm ở Ninh Thuận nói chung, xã Phước Nam có rất nhiều lễ hội mang nét
văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc như: Katê, Rijanưgar, Súc dâng, Ramưwan…trong đó, Tết
cổ truyền Ramưwan là Tết quan trọng nhất trong năm. Bởi Ramưwan là sản phẩm văn
hóa tinh thần từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm mang ý nghĩa
để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, đấng sinh thành và cầu nguyện cho
xóm làng bình yên, nhà nhà sung túc, mùa màng tốt tươi. Tết Ramưwan gồm nhiều
nghi lễ truyền thống: Lễ tảo mộ, lễ và ha, lễ cúng bái tổ tiên tại nhà và tháng
chay niệm của các thầy Char tại chùa, tháp. Vì vậy, dù người Chăm ở bất cứ nơi
đâu cứ đến dịp Tết lại tập hợp về quê đón tết”.

Tảo mộ- một phong tục văn hóa trong tết Ramưwan
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm lao động và bà con dân tộc
Chăm đã lên nghĩa trang tảo mộ, thực hiện nghi thức cúng tổ tiên. Thầy trình Vũ
Minh Mạng, một chức sắc uy tín của đạo Hồi dòng Bà ni cho hay, Tết Ramưwan là tết quan trọng nhất trong năm của bà con dân tộc
Chăm. Hằng năm vào những ngày diễn ra tết cổ truyền, người dân thường tổ chức rất
nhiều hoạt động đón tết trong suốt 3 ngày tùy theo mùa trăng (năm 2018, Tết diễn
ra từ ngày 14 đến 16-5). Sau đó, thực hiện tháng ăn chay.
Cũng theo thầy trình Vũ Minh Mạng, để
nhân dân được đón Tết cổ truyền ý nghĩa, lãnh đạo tỉnh, huyện và xã đều quan
tâm, trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà các vị chức sắc; hội đồng sư cả Bà ni;
Ban đại diện các thánh đường; các nhân sĩ, trí thức; gia đình chính sách tiêu
biểu ở địa phương. Dịp Tết cổ truyền Ramưwan năm nay, ngoài các hoạt động trên,
Tỉnh chỉ đạo cho huyện Thuận Nam tổ chức tết điểm, múa săn và nhiều hoạt động lễ
hội tại xã Phước Nam cho toàn thể trên 14.000 bà con dân tộc Chăm thưởng thức.
Nghĩa tình với
người lao động
Cùng các hoạt động đón Tết cổ truyền của địa phương, năm
2018, hơn 500 lao động người dân tộc Chăm xã Phước Nam đang làm việc tại công
ty Changshin được sắp xếp nghỉ phép để về quê đón Tết Ramưwan. Không chỉ về đón
Tết, lãnh đạo Công ty và Công đoàn Changshin cùng một số ngành tỉnh Đồng Nai ra
tận nơi để thăm, chúc tết lãnh đạo, các chức sắc địa phương và tổ chức trang trọng
Tết truyền thống, mở tiệc đãi khoảng 1000 người gồm 500 lao động công ty và người
thân của họ trong ngày lễ chính (15-5); tổ chức cho lao động và người thân của
họ rút thăm trúng thưởng nhiều phần quà giá trị.

Lãnh đạo công ty và công đoàn cùng địa phương đón Tết Ra mư wan với công nhân tại Ninh Thuận
Phát biểu trong buổi lễ, ông Bá Văn Cảnh, Chủ tịch
UBND xã bày tỏ sự xúc động trước nghĩa tình mà lãnh đạo công ty và công đoàn
dành cho lao động và người thân của họ tại địa phương. “Changshin không chỉ nhận,
giải quyết việc làm cho trên 1000 lao động của Phước Nam, góp phần vào công cuộc
xóa nghèo của xã mà còn tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình cho nhân dân như
thăm, tặng 15 phần quà (1 triệu đồng/phần) cho lãnh đạo và chức sắc, chức việc,
công nhân dân tộc Chăm; tặng gần 400 phần quà (300.000 đồng/phần) cho gia đình
lao động của công ty khó khăn tại địa phương; tổ chức gần 100 bàn tiệc mời
chính quyền địa phương, công nhân và gia đình họ trong lễ chính của Tết cổ truyền,
hiếm có một doanh nghiệp nào làm được như thế”, ông Cảnh nói.

Giám đốc Phòng An toàn- môi trường và sức khỏe Changshin Um Sung Wook tặng quà trúng thưởng cho công nhân trong dịp tết Ramưwan
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam Đặng
Tuấn Tú cho biết: “Hằng năm, công ty và công đoàn đều đến dự và tổ chức tết
truyền thống cho công nhân người chăm tại Ninh Thuận nhưng chủ yếu ở phạm vi nhỏ
tại thôn Văn Lâm- nơi có đông CNLĐ công ty sinh sống. Nhằm động viên tinh thần
người lao động và mong muốn tìm thêm nguồn lao động phục vụ mở rộng sản xuất, năm
2018, Công đoàn và công ty phối hợp với địa phương tổ chức Tết trang trọng để
lao động và gia đình họ được hưởng trọn vẹn Tết truyền thống, động viên họ nỗ lực
trong lao động sản xuất. Qua việc tổ chức này, những lao động thành công ở địa
phương sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm để thu hút thêm lao động đến Changshin làm
việc”.
Rất vui trong mùa tết này vì vừa khánh thành ngôi nhà
mơ ước trị giá hơn 700 triệu đồng sau nhiều năm làm việc ở Changshin, được công
ty và công đoàn đến tận nhà chúc tết, tặng quà, Công nhân Châu Thị Diệm Châu
cho biết: “Sau 13 năm làm việc tại Changshin, tôi đã cùng chồng tích cóp để xây
dựng nên căn nhà khang trang, trị giá trên 700 triệu đồng. Nhờ công ty
Changshin mà vợ chồng tôi có cơ ngơi đàng hoàng nên Tết này thực sự vui. Vì thế,
tôi muốn ở xã còn rất nhiều lao động, các bạn hãy mạnh dạn vào Changshin làm việc
để cải thiện cuộc sống”.

Công đoàn công ty tặng quà tết cho chị Châu Thị Diệm Châu
Năm
nay, niềm vui của gia đình công nhân Thập Văn Trúng thôn Văn Lâm, xã Phước Nam,
huyện Thuận Nam được nhân lên nhiều trong niềm vui đón lễ hội. Vì đây là lần
đầu tiên gia đình anh tham gia thực hiện “cánh đồng lớn”, thu hoạch 8 tấn
lúa/ha tại địa phương. Cả 3 anh em của Trúng đều làm việc trong gia đình
Changshin nên góp vào tăng thu nhập, việc tổ chức cúng tổ tiên trong ngày Tết
Ramưwan chu đáo hơn mọi năm. Anh Trúng chia sẻ, đã nhiều năm qua rồi, giờ gia
đình tôi mới có điều kiện làm nhiều loại bánh truyền thống của người Chăm như bánh
Nòn Ya, bánh Nung và các lễ vật khác để cúng tạ tổ tiên. Hay gia đình bà Trượng
Thị Kim Tiên ở xã Phước Nam đang có niềm vui lớn hơn, đó là nhân dịp sum họp
gia đình, sẽ báo công với tổ tiên, ông bà chuyện ba người con của bà đều tốt
nghiệp đại học và có việc làm tại TP Hồ Chí Minh….
Sau
nghi thức tảo mộ diễn ra trong hai ngày 14 và 15-5, các làng Chăm theo đạo Bà
ni ở Ninh Thuận tổ chức lễ cúng gia tiên tại nhà với nhiều lễ vật, cầu mong một
năm mới an lành, thịnh vượng. Các vị chức sắc tôn giáo nêu gương sáng trong
tinh thần hòa hợp đạo giáo, vận động tín đồ đoàn kết, đùm bọc giúp nhau làm ăn.
Công nhân lao động của Changshin và một số doanh nghiệp phía Nam lại lên đường
vào Đồng Nai lao động sản xuất. Họ cùng nhau thi đua làm việc, tiết kiệm, tích
cóp để có thành tích báo công trong những mùa Ramưwan vui tươi, ấm cúng.

Bí thư Đảng ủy xã Phước Nam Châu Văn Kỳ giới thiệu món bánh Nòn Ya truyền thống trong Tết Ra mư wan
Còn tại địa phương, sau
ba ngày vui đón Lễ hội Ramưwan, đồng bào Chăm theo đạo Bà ni bước vào tháng ăn
chay. Đây là nghi thức rất quan trọng, bởi trong tháng này, các vị chức sắc
trong Hội đồng Sư cả đều rời nhà của mình, vào ở trong thánh đường để cầu kinh.
Mỗi người Chăm đều dành thời gian đến thánh đường để tịnh tâm, tự suy ngẫm về
những việc làm của mình trong một năm đã qua, tự đánh giá bản thân và xóa bỏ những
tạp niệm để sống tốt hơn. Đồng thời, cầu mong tổ tiên độ trì cho một năm mới mọi
chuyện được tốt lành.
Box: Bí thư Đảng
ủy xã Phước Nam Châu Văn Kỳ giới thiệu món bánh Nòn Ya truyền thống không thể
thiếu trong Ramuwan, ông cho biết, so với những năm trước, bà con người Chăm của
xã năm nay đón Tết cổ truyền vui hơn, đặc biệt là gia đình của trên 1000 công
nhân đang làm việc tại Changshin, họ tích cóp vươn lên trở thành những người
tiêu biểu trong làm ăn, làm giàu. Nếu năm 2017, mới chỉ có 17 căn nhà mơ ước được
xây dựng từ những công nhân làm việc tại Changshin thì Tết Ramuwan 2018, toàn
xã có 27 căn nhà mới trị giá từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng do công nhân lao động
đang làm việc tại công ty Changshin xây dựng./.
Vĩnh Hà