Nhớ biệt danh “Đại đội trưởng đầu trọc”
Cách đây 64 năm, Trung tướng Lê
Nam Phong, lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội 225, Trung đoàn 88, Đại đoàn Quân
Tiên phong đánh chiếm Đồi Độc lập trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm
châu, chấn động địa cầu. Gặp ông trong những ngày này dù tuổi cao, sức yếu nhưng
ánh mắt ông vẫn bừng sáng mạnh mẽ khi nói về kỷ niệm hơn 6 thập kỷ về trước.
Ông kể, có lẽ mình là người có nhiều biệt danh nhất như Nam “lửa”, Nam “bình
toong”, Nam “hỏa lực”…nhưng biệt danh mà tôi ấn tượng hơn cả là “Đại đội trưởng
đầu trọc”.
Kể về điều này, Trung tướng Lê
Nam Phong nhớ lại: “Sau khi đánh xong đồi Độc Lập (một trong 3 cứ điểm thuộc
phân khu phía Bắc: Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo) trong giai đoạn 1 của chiến dịch
Điện Biên Phủ, tôi nhận được nhiệm vụ đánh tiếp cứ điểm xung quanh Sân bay Mường
Thanh để quân Pháp không thể tiếp tế được lương thực. Để có chỗ ẩn nấp, tôi đã
cho quân đào chiến hào, công sự. Thời điểm đó, vào mùa mưa, thung lũng Mường
Thanh luôn bị ngập nước, quần áo không kịp khô. Khó chịu nhất là lúc nào đầu
cũng bám đầy bùn, đất nên anh em bị nấm đầu. Không còn cách nào khác, tôi là
người đầu tiên cạo trọc đầu và huy động cả đại đội làm theo. Cũng từ đó, đơn vị
có biệt danh “Đại đội đầu trọc”.
Trung tướng Lê Nam Phong (ngồi thứ 2 từ phải qua) trong buổi gặp mặt với lãnh đạo tỉnh và QK7 năm 2014
Trung tướng Lê Nam Phong kể tiếp,
vào thời điểm tháng 4-1954, trời mưa to cuốn đi cả đồ đạc, cả bộc phá trôi nổi
khắp nơi. Đúng lúc đó, Tổng tư lệnh Mặt trận Võ Nguyên Giáp kiểm tra thấy vậy gọi
Đại đội trưởng Lê Nam Phong lên hỏi chuyện. “Vừa nhìn thấy tôi, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp hỏi tại sao lại cạo đầu trọc? Lúc đó tôi còn trẻ nên nghĩ sao nói vậy:
“Cạo trọc đầu để thề đánh thắng thực dân Pháp xâm lược” và Đại tướng cũng gọi
tôi là “Đại đội trưởng đầu trọc”, Trung tướng Lê Nam Phong nói.
Khi tham gia Chiến dịch Điện Biên
Phủ năm 1954, Trung tướng Lê Nam Phong mới chỉ 27 tuổi. Đó là kỷ niệm đáng nhớ
nhất của một vị tướng trận mạc khi ông được tham gia một Chiến dịch lớn từ đầu
đến cuối như Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt,
máu trộn bùn non”, Trung tướng Lê Nam Phong cùng đồng đội đã chiếm được đồi Độc lập và toàn bộ Tập đoàn cứ
điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Đờ cát Xtơri và toàn bộ chỉ huy quân Pháp,
góp phần làm nên thắng lợi vang dội Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động
địa cầu.
Có thể nói, ở vào tuổi 91, sức khỏe
không còn được như trước nhưng Trung tướng Lê Nam Phong vẫn là một nhân chứng sống
của lịch sử dân tộc. Chỉ tính từ khi dành được độc lập 1945 đến kết thúc thắng
lợi cuộc kháng chiến chống Pháp 1954, ông đã có mặt trong tất cả các trận đánh
lớn như chiến dịch Biên Giới thu đông 1950; Hà Nam Ninh, Hòa Bình… cho đến Điện
Biên Phủ. Trận đánh của ông trong Điện Biên Phủ chính là chiếm cứ điểm đồi Độc
lập, một cứ điểm quan trọng của thực dân Pháp. Chiến thắng đồi Độc lập có sự
đóng góp lớn của “đại đội đầu trọc” do ông chỉ huy, góp phần thành công của chiến
dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp 9 năm trường kỳ….
56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm
Với Cựu chiến binh (CCB) Lê Thiếu
Lang, Trưởng ban Liên lạc CCB Điện Biên Phủ tỉnh Đồng Nai hoặc các CCB Vũ Bộ,
Trần Xuân Thìn cùng nhiều CCB khác đã từng tham gia Điện Biên Phủ thì vinh dự lớn
nhất là được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ký ức đậm sâu trong 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm.
CCB Lê Thiếu Lang nhớ lại: “Lúc
đó, tôi còn là một chiến sĩ trẻ trong Đại đoàn 312, được trực tiếp tham gia chiến
dịch Điện Biên Phủ là một may mắn lớn vì đã 9 năm chống thực dân Pháp rồi, giờ
anh em chiến sĩ ai cũng mong vào trận quyết chiến cuối cùng để đuổi thực dân đế
quốc ra khỏi đất nước”. Lần giở những kỷ niệm của một thời trận mạc cùng bức ảnh
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, CCB Lê Thiếu Lang cho biết: “Vào đúng 17 giờ ngày
13-3-1954, Đại đoàn 312 của Quân đội ta nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam- cánh
cửa mở vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng là đợt mở đầu cho chiến dịch Điện
Biên Phủ. 56 ngày sau cũng vào 17 giờ ngày 7-5-1954, Tướng Đờ cát Xtơ ri và
toàn bộ Bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống; lá cờ Quyết
chiến, quyết thắng của chúng tôi tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy địch, báo hiệu
kết thúc thắng lợi cho những người lính xuất thân nông dân cày ruộng chúng
tôi”.
CCB Lê Thiếu Lang lần mở những kỷ niệm một thời hoa lửa cùng đồng đội
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
diễn ra từ ngày 13-3-1954 và kết thúc vào chiều 7-5-1954, trải qua 3 đợt tiến
công lớn vào các phân khu, vị trí của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực dân
Pháp đã xây dựng nơi đây thành tập đoàn mạnh “con hùm xám Tây Bắc” với 16.200
tên, 1 thiếu tướng, 49 sĩ quan cao cấp cùng nhiều chỉ huy, chuyên gia quân sự…
nhằm biến Điện Biên Phủ thành “máy nghiền nát bộ đội Việt Minh”. Nhưng với tinh
thần yêu nước, ý chí quả cảm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự chỉ huy
trực tiếp của Tổng tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
quân dân ta đã dành thắng lợi, đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống
Tướng Đờ cát Xtơ ri, buộc thực dân pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, rút quân về
nước.
Nhớ lại những kỷ niệm Điện Biên
năm xưa, CCB Vũ Bộ, nguyên chiến sĩ Đại đoàn 316 chia sẻ, ngày đó ai cũng trẻ
và hừng hực ý chí đánh thắng quân thù. Dù biết rằng để chuyển được quân, lương
thực, thực phẩm, vũ khí, đạn pháo rất gian nan trong khi trang bị của bộ đội
ngày đó chỉ có sức người, không máy móc hiện đại, nhưng ai ai đều hăng hái lên
đường nên đã làm nên Điện Biên chấn động địa cầu. Sau thắng lợi của Điện Biên,
các CCB Vũ Bộ, Lê Thiếu Lang cùng nhiều CCB có thành tích đã vinh dự được gặp mặt
Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp…
Như vậy, 56 ngày đêm “khoét núi,
ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” nhưng “gan không núng, chí không
mòn”, những người lính nông dân, chân đất như CCB Lê Thiếu Lang, Vũ Bộ, Trần
Xuân Thìn hay Đại đội trưởng đầu trọc, Trung tướng Trương Nam Phong cùng nhiều
người con anh dũng của dân tộc đã làm nên lịch sử “9 năm làm một Điện Biên, nên
vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo tiền đề để
21 năm sau, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui thống nhất, thu non sông về một dải,
kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm bảo vệ Tổ quốc./.
Vĩnh Hà