Mới đây, Ban giám đốc Cảnh sát PCCC đã có Kế hoạch số 75 về “Tăng cường
công tác tuyên truyền về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) đối với các khu dân cư,
chung cư, nhà cao tầng, hộ gia đình sử dụng nhà ở kết hợp kinh doanh, buôn bán,
khu vực làng nghề”.
Nêu tình huống cụ thể
Ghi nhận trong các buổi tuyên
truyền PCCC&CNCH cho thấy, cán bộ Cảnh sát PCCC đã nêu lên nhiều tình huống
cụ thể, chiếu video clip về các vụ cháy và phân tích nguyên nhân. Thượng úy Vũ
Nguyễn Quỳnh Sơn, Đội trưởng Đội tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân PCCC
(thuộc Phòng 2) cho biết: “Sự phát triển của công nghệ tạo thuận lợi cho cán bộ
tuyên truyền sưu tầm tài liệu về những tình huống cháy nổ cụ thể để trình chiếu,
tạo tính thuyết phục cao trong tuyên truyền. Thực tế trong các buổi tuyên truyền,
cán bộ trong Đội và các đơn vị trực thuộc đã sử dụng nhiều video cháy nổ để trình
chiếu giúp người dân hiểu về mức độ nguy hiểm cũng như thiệt hại do cháy gây
ra”.
Việc sử dụng nhiều tình huống cụ
thể đã tạo sự tương tác cao giữa cán bộ tuyên truyền với người được tuyên truyền.
Trong buổi tuyên truyền tại Nhà văn hóa huyện Long Thành ngày 28-4 cho thấy,
các chủ nhà trọ, gia đình vừa ở vừa buôn bán, chủ cơ sở kinh doanh xăng, dầu....
đều tích cực tương tác, hỏi để nhận được giải đáp từ cán bộ PCCC. Ông Nguyễn
Văn Hùng, một hộ dân vừa ở, vừa kinh doanh tại thị trấn Long Thành cho hay, qua
buổi tuyên truyền với những tình huống cháy nổ cụ thể đã xảy ra trong thời gian
qua mà Cảnh sát PCCC giới thiệu, tôi thấy rất lo sợ. Vì vậy phải tập trung phòng
ngừa thật tốt, không để xảy ra cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuyên truyền PCCC tại Đại học Lạc Hồng
Gần nhất là buổi tuyên truyền cho
250 sinh viên Đại học Lạc Hồng mới đây, Cảnh sát PCCC đưa ra nhiều hình ảnh cụ
thể về cháy, nổ tại các chung cư, nhà cao tầng, các nhà trọ, nhà nghỉ. Trung úy
Nguyễn Cảnh Dũng, cán bộ tuyên truyền (Phòng 2) chia sẻ: “Để các bạn sinh viên
nhìn tận mắt về những vụ cháy nghiêm trọng cũng như tốc độ các vụ cháy đã xảy
ra thời gian qua sẽ giúp các bạn nhận thức rõ hơn sự nguy hiểm do cháy gây ra,
nhất là với sinh viên năm đầu tiên, sống xa nhà, ở trọ trong điều kiện ở tạm,
chưa chú ý đến những nguy cơ phát sinh cháy, nổ và mất an toàn trong sinh hoạt
hằng ngày. Ngoài ra, những hình ảnh này còn có tác dụng giúp các bạn sinh viên
chú ý hơn đến công tác phòng ngừa hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu mất
cảnh giác”.
Là người có 4 năm kinh nghiệm, Trung
úy Phan Đình Hòa nhìn nhận, để tuyên truyền đạt hiệu quả, ngoài thuyết trình,
cán bộ phải nêu những hình ảnh cụ thể, sống động để thu hút người nghe, người
xem thì buổi tuyên truyền thực sự hiệu quả. Theo anh Hòa, ngoài những tài liệu
do Cảnh sát PCCC in ấn, phát hành, cá nhân cán bộ tuyên truyền phải tự tìm hiểu
các tài liệu, video clip và hình ảnh sinh động để minh họa, hiệu quả các buổi
tuyên truyền mới cao. Cùng đó, trong các buổi tuyên truyền, cán bộ PCCC còn hướng
dẫn để chính người được tuyên truyền tiếp xúc, thử và hiểu về cách sử dụng các
phương tiện chữa cháy như bình chữa cháy xách tay, cách thao tác lăng phun nước
chữa cháy....
Góp phần nâng nhận thức
Một trong những điểm nhấn trong kế
hoạch số 75 của Cảnh sát PCCC lần này là tập trung tuyên truyền sát đối tượng
và những nơi đông dân cư, trung tâm thương mại, chung cư và các trường Đại học,
nơi có đông học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về công
tác phòng ngừa cháy, nổ.
Buổi tuyên truyền tại Đại học Lạc
Hồng mới đây theo dự kiến ban đầu trong vòng 1 giờ 30 phút cho 250 sinh viên
năm thứ nhất, song đã phải diễn ra cả một buổi sáng vì nhu cầu tìm hiểu, tương
tác của sinh viên và giảng viên.
Anh Lê Nguyễn Thanh Thịnh (Ủy viên
thường vụ Đoàn trường đại học Lạc Hồng) cho hay, sinh viên năm nhất thường ít
chú ý đến các kiến thức về PCCC vì vậy đây là đối tượng được chọn nghe tuyên
truyền, hướng dẫn lần này. Qua buổi tuyên truyền, sinh viên đã trao đổi nhiều về
việc thay đổi cách dùng nguồn điện, nhiệt tại các phòng thuê trọ, ra khỏi phòng
phải rút các thiết bị điện, không cắm sạc laptop qua đêm…

Hướng dẫn sinh viên năm nhất Lạc Hồng sử dụng bình chữa cháy xách tay
Bạn Nguyễn Thị Như Quỳnh (Khoa Tài chính – Kế toán, Đại học Lạc Hồng)
chia sẻ: “Bản thân tôi có 1 người chị và một cháu gái bị chết trong vụ cháy
chung cư Carina Plaza tại TP.Hồ Chí Minh nên tôi hiểu rõ về nỗi đau do cháy, nổ
gây ra. Qua buổi tuyên truyền, Cảnh sát PCCC chiếu các video clip và phân tích
nguyên nhân, tôi thấy rất khủng khiếp về tốc độ phát triển mau lẹ của đám cháy.
Tôi mong được dự thêm nhiều buổi tuyên truyền thiết thực như vậy. Đồng thời, tôi
nhận thấy, tự mình phải có trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo môi trường sống
an toàn như khi dùng các thiết bị điện tử, máy tính, điện thoại phải rất cẩn trọng
để không phát sinh nguồn nhiệt, dễ gây hỏa hoạn, cháy nổ”. Tâm sự của Như Quỳnh
cũng như nhiều sinh viên khi được hỏi, họ đều cảm thấy ý nghĩa khi được tham dự
buổi tuyên truyền thiết thực này.
Em Nguyễn Trần Thanh An, THCS Lý Tự
Trọng (Trảng Bom) cho hay: “Được chứng kiến tận mắt các vụ cháy, nổ do Cảnh sát
PCCC cung cấp, chúng em rất sợ. Vì vậy, trong công việc hằng ngày hay trong học
tập phải luôn nêu cao tinh thần phòng ngừa để hạn chế hậu quả do cháy nổ gây
ra”.
Nhiều chủ cơ sở buôn bán, kinh doanh
thừa nhận, bình chữa cháy, các phương tiện chữa cháy thấy nhiều nhưng chỉ qua lần
tuyên truyền mới hiểu khi cháy thì dùng loại nào, cách sử dụng sao cho hiệu quả.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Thị trấn Long Thành cho hay, nhờ được tham dự buổi tuyên
truyền, được hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy cá nhân tôi mới hiểu khi
cháy thì dùng bình bọt hay bình khí, loại nào hiệu quả tức thì và cách dùng để
đạt hiệu quả dập lửa....
Box: Thống kê chưa đầy đủ, trong một tháng cao điểm vừa qua cùng với kiểm tra,
hướng dẫn an toàn PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, Cảnh
sát PCCC đã tổ chức 5 đợt tuyên truyền an toàn PCCC kết hợp với tuyên truyền an
toàn giao thông cho trên 2.300 người tham dự. Tại các phòng khu vực đã tổ chức
tuyên truyền cho gần 3.500 lượt người về an toàn PCCC, cách sử dụng các phương
tiện chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra./.
Vĩnh Hà