ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
43 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước
Đăng ngày: 26-04-2018 09:37
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Cuộc kháng chiến thần thánh 30 năm bảo vệ Tổ quốc của dân tộc kết thúc bằng chiến thắng lịch sử 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một dải.
 

Trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn, quân dân ta phải trải qua nhiều trận đánh lịch sử: Giải phóng Long Khánh, Long Thành, bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An. Gặp CCB của những trận đánh lịch sử trên, ký ức về các trận đánh vẫn vẹn nguyên trong họ....

Giải phóng quận lỵ Long Thành

Đã 43 năm trôi qua, ký ức về trận đánh ác liệt giải phóng quận lỵ Long Thành (huyện Long Thành ngày nay) vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của cựu chiến binh (CCB), thượng úy Nguyễn Đức Việt, nguyên Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2).

Nhớ lại thời điểm ác liệt đó, CCB Nguyễn Đức Việt kể: “Chi khu Long Thành là mục tiêu quan trọng, cửa ngõ hướng đông bắc Sài Gòn. Chiếm được mục tiêu này sẽ thuận lợi cho ta tiến công lên nội đô hoặc phát triển chiến đấu xuống Bà Rịa- Vũng Tàu. Vì vậy, đơn vị hạ quyết tâm phải đánh chiếm bằng được quận lỵ Long Thành”.

Tiểu đoàn 2 đảm nhiệm lực lượng dự bị, sẵn sàng đánh địch trên hướng tiến công chủ yếu của Trung đoàn 101. Ngày 27-4-1975, Trung đoàn tiến công chiếm giữ nhiều mục tiêu quan trọng nhưng chưa giải quyết dứt được mục tiêu then chốt. Địch trong chi khu Long Thành chia làm 3 khu vực co cụm, cố thủ, quyết giữ trung tâm quận lỵ. Tiểu đoàn 1 và 3 chiến đấu anh dũng, nhưng vẫn không đánh bật quân địch lại bị thương vong, tổn thất rất nhiều.

IMG_2136.jpg 
 
CCB Nguyễn Đức Việt (ngoài cùng bìa phải) trong buổi gặp mặt các tướng lĩnh

Trước tình thế đó, rạng sáng ngày 28-4, chỉ huy Trung đoàn 101 họp, quyết định đưa Tiểu đoàn 2 chính thức đảm nhiệm việc tiến công trên hướng chủ yếu, quyết tâm tiêu diệt địch ở chi khu Long Thành trong ngày 28-4. CCB Nguyễn Đức Việt lúc đó là Tiểu đoàn trưởng đã xác định rõ mục tiêu quan trọng đầu tiên phải tiêu diệt là ổ hỏa lực địch đặt trên tháp nước- chướng ngại vật cản trở bước tiến của bộ đội ta trong những đợt tiến công trước đó.

CCB Nguyễn Đức Việt nhớ lại, vào khoảng 12 giờ ngày 28-4-1975, hiệu lệnh tiến công phát ra, theo kế hoạch đơn vị bắt đầu nổ súng. Cùng với pháo 100mm trên xe tăng T54 đi đầu bắn vào tháp nước, hỏa lực của Tiểu đoàn bắn mạnh vào ổ đề kháng của địch và các khu vực xung quanh. Tiếng đại liên im lặng, địch rối loạn đội hình. Chớp thời cơ, Tiểu đoàn trưởng đã chỉ huy đại đội 5 và đại đội 7 xung phong đánh chiếm mục tiêu, phối hợp với Tiểu đoàn 3 tiến công đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy- nhà quận trưởng Long Thành. Bọn địch quyết tử thủ phản kháng liên tục. Chúng lợi dung nhà cao tầng và các ngõ ngách ném lựu đạn, bắn mạnh vào đội hình của ta. Trước tình thế bất lợi, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho đại đội hỏa lực chọn vị trí thuận tiện, nã đạn vào trung tâm chỉ huy, uy hiếp tinh thần và chế áp mục tiêu kiên cố. Bọn địch bên trong trung tâm chỉ huy hoảng loạn, một số tháo chạy ra ngoài. Các đại đội bộ binh tranh thủ xung phong tiến công, nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu và làm chủ trung tâm chỉ huy địch theo đúng kế hoạch, giải phóng quận lỵ Long Thành vào chiều 28-4. Trong trận đánh ác liệt đó, nhiều cán bộ chiến sĩ của ta hy sinh, chưa kịp chứng kiến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng.

Bảo vệ những cây cầu lịch sử

Trên đường tiến quân vào giải phóng Sài Gòn, quân dân ta tiếp tục đánh địch, bảo vệ những cây cầu lịch sử, đặc biệt là cầu Ghềnh và cầu Hóa An. Trong đó, Trung đoàn Đặc công 113 đóng quân giáp ranh địa bàn Biên Hòa- Bình Dương ngày nay đóng vai trò chủ công. Khi nhận nhiệm vụ, các Tiểu đoàn 23 và 174 (Trung đoàn 113) đã khẩn chương hành quân ngay trong đêm 24 rạng sáng 25-4-1975 đến khu vực gần Cầu Hang (Hóa An- TP. Biên Hòa) đặt Sở chỉ huy, điều nghiên và chuẩn bị vào trận đánh.

Đại tá Đinh Xuân Nghiêm, nguyên Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn Đặc công 113 nhớ lại, vào thời điểm khẩn chương, gấp rút, Trung đoàn được đông đảo người dân giúp đỡ đào công sự, tháo cánh cửa nhà để lát công sự cho Sở chỉ huy, tạo điều kiện để các cánh quân của ta dần áp sát Sài Gòn, chờ giờ phút giải phóng.

IMG_3216.jpg 
 
CCB Đinh Xuân Nghiêm và chiếc la bàn gắn với hành trình bảo vệ cầu Ghềnh

Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 27-4-1975, trận chiến đấu bắt đầu. Các đại đội 1 và 3 (Tiểu đoàn 23) đảm nhiệm đánh cầu Ghềnh và cầu Hóa An thì chạm ngay địch tại khu vực đầu cầu (thuộc địa giới phường Bửu Hòa và xã Hóa An ngày nay). Trong vòng 30 phút, các mũi tiến công của ta đã đánh bật địch khỏi các chốt trên cầu và bắt đầu giai đoạn khó khăn nhất: giữ cầu. Chỉ khoảng 4 giờ sau, bão lửa của địch bắt đầu trút xuống từ các hướng, gây cho ta không ít khó khăn.

Nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 23 (Trung đoàn Đặc công 113) Nguyễn Văn Chương hồi tưởng lại, vào thời điểm gay cấn chốt giữ cầu, pháo của địch từ Thủ Đức bắn lên, từ Châu Thới bắn sang, từ Long Bình xả tới, trời đất sáng rực, rung chuyển. Pháo của địch vừa im thì bộ binh của chúng tiến vào, bắn đạn áp đảo, đúng như thói quen chiến đấu của chúng. Sau đó là biệt động quân, rồi xe tăng bắt đầu thọc vào Sở chỉ huy của bộ đội ta và các chốt đang giữ cầu, hòng chiếm lại nhanh nhất...

Với nỗ lực và quyết tâm bảo vệ cầu, sau gần 2 giờ đồng hồ, bộ đội của Trung đoàn đặc công 113 đã đánh bật được đợt phản công thứ nhất của địch. Nhưng ngay sau đó, chúng cho máy bay quần thảo để tìm hiểu trận địa, khi máy bay địch vừa đi thì pháo đạn của chúng nã xuống liên tục trong suốt ngày 27-4-1975, đây cũng là ngày mà chiến sĩ đặc công của ta đánh bật 4 đợt phản kích của địch. Quân ta hy sinh hơn 50 chiến sĩ trẻ trong 3 ngày bảo vệ giữ cầu.

Box: Đại tá Đinh Xuân Nguyên xúc động nói: “Trên 50 người hy sinh là hơn 10% quân số của Trung đoàn 113. Lính đặc công đã ít, lại khó huấn luyện thành thạo, đánh 3 ngày mà mất trên 50 người là mất mát cực lớn cho đơn vị. Các bạn hầu hết là lính trẻ 19 đôi mươi, tóc còn xanh mà đã mãi mãi ra đi, không kịp chứng kiến ngày đất nước độc lập”.

Làm tốt công tác chính sách

43 năm sau ngày giải phóng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thu non sông về một giải, các cấp các ngành tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện tốt công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa. Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) Hồ Văn Lộc cho biết: “Tỉnh hiện đang quản lý khoảng 55 ngàn người có công với cách mạng, trong đó có 5.479 thương binh; 9 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động; 1.096 mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 71 mẹ còn sống; gần 12 ngàn liệt sĩ và nhiều thân nhân người có công.... Nhìn chung công tác thương binh liệt sĩ, NCC trên địa bàn được thực hiện đầy đủ theo chế độ ưu đãi của Nhà nước.

IMG_2590.JPG 
 
Lãnh đạo TP Biên Hòa tặng quà tri ân gia đình liệt sĩ

Cũng theo Sở LĐ-TBXH, đến nay, gần 7000 thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trợ cấp một lần; 1.761 người hoạt động kháng chiện và con đẻ bị phơi nhiễm chất độc hóa học trực tiếp; trên 17 ngàn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương; 1.258 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 506 người hoạt động kháng chiến, hưởng trợ cấp theo Nghị định 59/2013/NĐ của Chính phủ. Tỉnh trả trợ cấp theo các quyết định của Chính phủ đối với 4.153 trường hợp gồm thanh niên xung phong, diện B, C, K dân chính và B, C, K liệt sĩ; quản lý, chăm sóc 6 Nghĩa trang liệt sĩ, 1 đền thờ, 2 đài tưởng niệm, 44 nhà bia ghi tên liệt sĩ. Toàn tỉnh tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng theo Quyết định 408 của Bộ LĐ-TBXH...

Ngoài ra, tỉnh còn dựa vào các cựu chiến binh, những nhân chứng còn sống trong các cuộc kháng chiến để có thông tin, khảo sát, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại các Nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh, trong đó có liệt sĩ của Trung đoàn Đặc công 113, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) và nhiều đơn vị có cán bộ chiến sĩ hy sinh trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc./.

Vĩnh Hà

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu