Ý thức kỷ luật cao
Hầu hết NKT khi được nhận vào làm
việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh họ đều nỗ lực
vươn lên, chấp hành nghiêm nội quy và có tính kỷ luật cao. Chị Nguyễn Thị Cẩm
Hường, Trưởng phòng nhân sự, Công ty Changshin Việt Nam nhìn nhận, so với người
lao động bình thường, NKT chỉ kém về hơn về sức khỏe do khiếm khuyết một phần
cơ thể. Còn thái độ và ý thức làm việc của NKT rất cao. “Lao động khuyết tật
thường nghiêm túc, có trách nhiệm trong công việc và không bao giờ có ý định nhảy
việc khi thấy một công việc khác tốt hơn. Vì vậy, tất cả 361 lao động khuyết tật
đang làm việc tại Changshin hiện đều có mức thu nhập bình quân từ 6,5 đến 7 triệu
đồng/người/tháng và có thời gian làm việc khá lâu tại doanh nghiệp”, chị Hương
nói.
Cũng có chung nhận xét như chị Hường,
anh Đinh Sĩ Phúc, Chủ tịch CĐCS công ty CP Taekwang Vina cho rằng, hơn 300 lao
động khuyết tật đang làm việc tại công ty hiện nay có mức thu nhập bình quân từ
6 đến 7 triệu đồng/người tháng. “Điều chúng tôi yên tâm nhất về số lao động
khuyết tật chính là không bao giờ họ có ý định bỏ việc; ý thức kỷ luật trong
công việc rất cao; họ hiểu sức khỏe của mình hạn chế hơn người bình thường nên
luôn nỗ lực, cố gắng. Vì thế, trong dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thăm, đối
thoại với công nhân, chúng tôi chọn được gương lao động khuyết tật tiêu biểu để
Thủ tướng tặng quà, biểu dương”.
Chủ tịch CĐCS công ty Changshin Việt Nam tặng quà NKT nhân kỷ niệm ngày NKTVN 18-4
Là một lao động khuyết tật may mắn
được Thủ tướng tặng quà, anh Nguyễn Ngọc Tuấn Minh chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng tôi
đều là NKT, được nhận làm việc trong công ty Taekwang Vina hơn 10 năm. Mọi
chính sách, phúc lợi của công ty đều rất tốt vì thế bản thân chúng tôi phải
luôn nỗ lực để tri ân sự giúp đỡ này”. Không chỉ được giúp đỡ, Tuấn Minh còn được
nhận quà là một bộ máy tính xách tay do chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.
Nói về điều này, Minh cho biết: “Đây là một bất ngờ lớn với riêng tôi và những
công nhân có may mắn được Thủ tướng tặng quà. Tôi luôn trân trọng món quà ý
nghĩa này, giữ gìn cẩn thận và coi là niềm động viên to lớn để tiếp tục vươn
lên, làm việc tốt, tri ân sự giúp đỡ của công ty và bày tỏ sự cám ơn tới người
đứng đầu Chính phủ”....
Công nhân Phạm Tống Trọng, bộ phận
NOS, công ty Changshin, bị liệt cả 2 chân với tỷ lệ thương tật trên 65%. Nhiều
năm nay, Trọng luôn là một lao động cần mẫn, hoàn thành tốt mọi công việc được
giao. Trọng cho hay: “So với nhiều NKT khác, tôi may mắn hơn nhiều vì có công
việc ổn định, có thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng và quan trọng hơn tôi luôn tự
hào vì mình không phải là gánh nặng của gia đình, xã hội”. Làm việc tốt tại
doanh nghiệp, Trọng còn là một vận động viên khuyết tật của tỉnh, tham dự và đạt
nhiều giải cao trong các kỳ Paragame trong nước và khu vực. “Những dịp đi thi đấu
phải nghỉ dài ngày, công ty đều tạo điều kiện cho tôi tham gia giải và nhận trở
lại làm việc sau khi hoàn thành nhiệm vụ”, Trọng nói.
Với các bạn Phạm Văn Đảnh, Sú A Cẩu
(Công ty Changshin); Nguyễn Thu Hằng, Ngô Minh Hưng (Công ty Taekwang); Nguyễn
Thị Hoài Thương (cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ) và nhiều NKT khác, họ đều nêu
cao ý thức kỷ luật, nỗ lực làm việc, vươn lên hòa nhập cuộc sống.
Hỗ trợ NKT vươn lên
Thống kê của Sở Lao động thương
binh và xã hội (LĐ-TBXH), đến nay toàn tỉnh trên 25.500 người khuyết tật các dạng.
Trong đó, 15.024 NKT nam còn lại là nữ; có gần 6000 người thuộc dạng khuyết tật
đặc biệt nặng và hơn 50% trong độ tuổi lao động. Thời gian qua, các cấp, ngành
trong tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện để NKT được làm việc, học nghề, ổn định cuộc
sống, hòa nhập tốt với cộng đồng.
CNLĐ khuyết tật Phạm Tống Trọng biểu diễn văn nghệ
Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị
Kiều Oanh cho hay, từ nhiều nguồn hỗ trợ đã có trên 230 tỷ đồng tạo điều kiện
chăm lo cho NKT. Đó là các chương trình trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, hỗ
trợ gia đình có NKT nặng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công
lập, tặng quà, phương tiện hỗ trợ NKT, dạy nghề, tạo việc làm, các hoạt động
văn hóa thể thao....giúp NKT nỗ lực vươn lên sống tốt “tàn nhưng không phế”.
Cũng theo bà Oanh, hỗ trợ thiết
thực nhất với NKT trong độ tuổi lao động chính là dạy nghề, tạo việc làm ổn định
để họ được khẳng định. Ngoài 115 doanh nghiệp, cơ quan, cơ sở sản xuất đã và
đang nhận NKT thì các ngành nghề khác như nông nghiệp, dịch vụ, buôn bán, thợ
thủ công đang thu hút 5.417 NKT có việc làm; trong đó, có gần 2000 người vào
làm tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thu nhập ổn định.
Cùng đó, các hoạt động kỷ niệm
ngày công tác xã hội (25-3), NKT Việt Nam (18-4), quốc tế NKT 3-12 hằng năm đều
được các cấp từ tỉnh đến cơ sở tổ chức; các hoạt động văn hóa tinh thần cho NKT
được quan tâm. Song do NKT trong độ tuổi lao động còn khá đông, lãnh đạo Sở
LĐ-TBXH mong muốn các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở dạy nghề có
nhiều hoạt động hỗ trợ để NKT được học nghề, có công việc, ổn định cuộc sống.
Box: Kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam 18-4 năm nay, Công ty
Changshin Việt Nam tổ chức lễ tri ân và tặng quà (200.000 đồng/phần) cho 361
(100%) lao động khuyết tật đang làm việc tại công ty. Đồng thời, tổ chức tiệc
tri ân với nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ do chính NKT biểu diễn. Chương trình
diễn ra vào tối nay (18-4) tại khuôn viên Câu lạc bộ văn hóa công ty./.
Nguyệt Hà