Bài 2:
Người dân bất an, lo lắng
Trước những vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy và các vụ cháy liên tiếp
xảy ra trong thời gian gần đây, đặc biệt là vụ cháy chung cư Carina (TP. Hồ Chí
Minh), người dân sinh sống tại các chung cư trên địa bàn không khỏi bất an, lo
lắng. Nhiều người còn rủ nhau mua sắm các phương tiện đề phòng “bà hỏa” viếng
thăm....vì vậy, các trang bị như áo chống cháy, mặt nạ phòng độc, bình chữa
cháy tăng lên nhanh chóng.
Không biết kiến thức phòng cháy
Ghi nhận tại đợt kiểm tra, hầu hết
các chung cư, nhà cao tầng, bệnh viện đều báo cáo là tổ chức nhiều hình thức
tuyên truyền cho người dân. Nhưng khi kiểm tra thực tế, các hộ dân sinh sống ở
chung cư đều không có kiến thức về phòng cháy, còn lơ mơ về những quy tắc đảm bảo
an toàn PCCC. Thậm chí có những nơi, chuông báo cháy rung lên, người dân vẫn bình
thản không chạy vì tình trạng báo cháy ảo đã từng xảy ra.
Chị Ngọc giới thiệu về mặt nạ phòng độc mới mua
Chị Trần Thị Hồng Nhung, căn hộ
1101 (Chung cư Nguyễn Văn Trỗi) cho biết: “Nói thật tôi không hiểu gì về PCCC,
mà chỉ thấy sợ sau những vụ cháy nổ gần đây. Tôi không biết dùng bình chữa cháy
xách tay nên nếu có sự cố chỉ biết kêu bảo vệ”.
Ông Hoàng Ngọc Minh, chung cư
Thanh Bình bức xúc vì 2/3 đường thoát nạn, thoát hiểm bị chiếm dụng rào chắn bằng
tôn và lưới B40. “Hiện chung cư chỉ còn 1 đường chính thoát nạn giữa 2 tòa nhà
ra đường Nguyễn Trãi. Chung cư lại có hàng ngàn hộ dân sinh sống nên nếu có hỏa
hoạn không biết làm sao chạy thoát”, ông Minh nói.
Chị Nguyễn Đình Bảo Ngọc, chung
cư Amber Court chỉ biết lo lắng vì bản thân chị chưa nắm được các quy tắc PCCC
cũng như cách bảo đảm an toàn khi sử dụng nhiệt trong căn hộ. Còn chị Đinh Thị
Nga, nhà C7, chung cư An Bình bày tỏ lo lắng khi chung cư không có hệ thống báo
cháy tự động, phía dưới trệt bị chiếm dụng, không còn đường thoát ra nếu có cháy....
Cán bộ Trung tâm 4-10 (trái) hướng dẫn người dân đến mua bình chữa cháy
Vì không có kiến thức và chủ quan
về PCCC, các chung cư, nhà cao tầng hiện có tình trạng hàn, cắt, gắn các cửa
thoát hiểm tại hành lang, ban công thành các “chuồng cọp” rất khó để thoát hiểm
và cứu nạn khi có cháy. Ông Đỗ Văn Nhàn, Trưởng ban quản trị chung cư An Bình
thừa nhận dù ban quản trị đã tuyên truyền, vận động và cam kết tháo dỡ các “chuồng
cọp” tự cơi nới nhưng đến nay vẫn còn hơn chục hộ tại các blok nhà thuộc chung
cư vẫn chưa tháo dỡ...tình trạng này cũng xảy ra tại một số dãy nhà các chung
cư: Nguyễn Văn Trỗi, Thanh Bình, Nguyễn Ái Quốc, hành lang Bệnh viện Đa khoa Thống
Nhất...
Rủ nhau mua phương tiện PCCC
Lo lắng
vì không hiểu các quy tắc phòng cháy, chị Nguyễn Đình Bảo Ngọc (chung cư Amber
Court) được bạn bè rủ đi mua sắm dụng cụ phòng cháy. Chị Ngọc cho biết: “Tôi
không biết gì về PCCC nhưng qua báo chí nói về các vụ cháy vừa qua, tôi rất lo
sợ nên đã mua áo chống cháy, mặt nạ phòng độc, giờ đang hỏi bạn bè xem dây chữa
cháy bán ở đâu để mua vì nhà tôi tận tầng 17”.
Chị Trần Thị Huệ (chung cư Nguyễn
Ái Quốc) thừa nhận trước khi vụ cháy Carina xảy ra, chị chưa thực sự quan tâm đến
công tác phòng cháy. Sau vụ cháy gây chấn động tại TP. Hồ Chí Minh, chị cùng
gia đình mới thực sự lo lắng, nhiều đêm ngủ không yên và đang tìm hỏi mua dây
thoát nạn nhà cao tầng.
Với nhiều trường hợp khác khi được
hỏi, điều mọi người quan tâm chính là khi có sự cố làm thế nào để thoát hiểm
nhanh nhất cho bản thân và gia đình. Anh Nguyễn Đình Xuyên, chung cư An Bình
bày tỏ lo ngại, với chung cư nơi anh sống không có hệ thống báo cháy, phương tiện
phòng cháy xuống cấp, bản thân nhiều người dân không hiểu, nếu có cháy xảy ra
không biết thoát nạn bằng cách nào...
Hầu hết các buổi tuyên truyền PCCC chỉ có trẻ em, phụ nữ, người già
Cuối giờ chiều
12-4, anh Nguyễn Văn Hải (phường Tân Hiệp) đến Trung tâm 4-10 (Cảnh sát PCCC tỉnh)
tìm mua 4 mặt nạ chống khói (loại 200.000 đồng/chiếc) dùm cho người quen. Anh Hải
tâm sự, sau sự cố Carina, nhiều bạn bè anh cũng tìm mua các loại mặt nạ chống
khói nên anh cũng đến để tham khảo thị trường và giúp người quen mua được những
trang bị để phòng ngừa...
Box: Đại úy Phạm Xuân Nam, Phó giám đốc
Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ về phòng
cháy, chữa cháy và đào tạo lái xe (gọi tắt là Trung tâm 4-10) cho biết,
từ sau vụ cháy chung cư Carina, cư dân đua nhau đi mua trang bị phòng cháy như
bình cứu hỏa, mặt nạ phòng độc, thang dây, cáp thoát nạn nhà cao tầng. Riêng mặt
nạ phòng độc tăng đến 200%; thang dây tăng hơn 70%.... tất cả người dân khi đến
tham khảo, tìm mua đều được cán bộ Trung tâm hỗ trợ, tư vấn và sau khi nghe tư
vấn có người lại đưa ra những lựa chọn khác với ban đầu khi bước vào Trung tâm.
Trong quá trình kiểm tra liên tục
từ ngày 3-4 đến nay, Cảnh sát PCCC đã giới thiệu những kỹ năng thoát nạn cơ bản
gồm các bước: quan sát lối thoát nạn, dùng khăn hoặc vải dày thấm nước che kín
mặt mũi để tránh nhiễm khói độc, di chuyển nhanh đến vị trí an toàn, nếu trong
phòng, khu vực cháy có nhiều khói phải khom người di chuyển, tìm lối thoát nạn
gần nhất theo đèn báo hoặc hệ thống loa, không dùng thang máy mà dùng cầu thang
bộ, báo tin cho mọi người trên đường thoát nạn, nếu không có lối ra cửa chính
thì di chuyển ra cửa sổ và kêu to, tuyệt đối không được nhảy xuống trừ khi được
trang bị nệm hoặc có sự hướng dẫn của Cảnh sát PCCC...
Box: Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh
sát PCCC cho hay, để phòng ngừa tốt hạn chế xảy ra cháy thì bà con sinh sống,
làm việc tại các chung cư, nhà cao tầng cần nâng cao ý thức về PCCC, nắm vững
các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn. Thực tế, qua mỗi lần tổ chức tuyên truyền
PCCC dù ngày thường hay chủ nhật, thì những người tham gia chủ yếu vẫn là người
già, trẻ nhỏ, phụ nữ, người giúp việc mà rất ít thấy chủ nhà- người có trách
nhiệm chính trong tổ chức chữa cháy khi có sự cố xảy ra....
N. Trinh