Cơ quan, đơn vị giúp người nghèo
Cơ quan, tổ chức đảng phân công
cán bộ, đảng viên trực tiếp giúp hộ nghèo thoát nghèo đã và đang là mô hình
phát huy hiệu quả tại Vĩnh Cửu. Ông Đoàn Văn Chiến, Trưởng phòng Lao động thương
binh và xã hội (LĐ-TBXH) huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Với nỗ lực, năm 2017 Vĩnh Cửu
đã phân công 44 cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội trực tiếp phụ trách,
giúp đỡ 69 hộ nghèo, đến cuối năm có 62/69 hộ đã vươn lên thoát nghèo. “Các cơ
quan, đơn vị được phân công giúp đỡ hộ nghèo đã vận động mạnh thường quân, cán
bộ, đảng viên ủng hộ tiền để các hộ mua vật nuôi như bò, dê, gà hoặc trực tiếp
mua vật nuôi, xe đạp, tập vở.... tặng cho hộ nghèo và những thành viên hộ nghèo
còn đang đi học. Nhiều cơ quan còn vận động, hỗ trợ hộ nghèo trả nợ ngân hàng,
tạo điều kiện phát triển sản xuất”, ông Chiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Vĩnh Cửu còn triển
khai các dự án khuyến nông, hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề nông nghiệp
cho 60 hộ nghèo tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ bình quân 7 triệu đồng/hộ nuôi gà
và 10 triệu đồng/hộ nuôi dê, bò. Trong đó, hai mô hình được chọn nhân rộng là
nuôi bò và dê sinh sản với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng ngân sách, hỗ trợ 74
hộ tham gia. Tổng hợp các mô hình, dự án, năm 2017, Vĩnh Cửu giảm được 219 hộ
nghèo và cận nghèo....
Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới thăm mô hình
nuôi dê Bách Thảo tại Xuân Phú, Xuân Lộc
Mô hình “Đồng vốn nhỏ tác dụng lớn”
được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Định Quán khởi sướng và nhân
rộng trong những năm 2016-2017 đã giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo. Chủ tịch MTTQ
huyện Định Quán Trần Hữu Hạnh cho biết: “Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện phối hợp
với các xã khảo sát số hộ nghèo và phân loại các nguyên nhân dẫn đến nghèo.
Trong đó, nhiều hộ có nhu cầu buôn bán nhỏ cần đồng vốn từ 5 đến 15 triệu đồng.
Huyện đã giao các phòng, ban và các tổ chức chính trị xã hội vận động, ủng hộ
tiếp sức được 168 hộ nghèo với số tiền 2,7 tỷ đồng. Nhờ vậy, năm 2017 toàn huyện
giảm 876 hộ nghèo/chỉ tiêu 1 ngàn hộ”.
Là một trong số hộ nghèo được tiếp
sức từ chương trình, gia đình bà Đinh Thu Vân (xã Phú Túc) có 5 miệng ăn nhưng
không có đất sản xuất, không nghề nghiệp, 3 con quá nhỏ nên quanh năm đi làm
thuê vẫn thiếu trước hụt sau. Ước mơ của gia đình bà là mua một máy xay đậu, xe
đẩy để bán sữa đậu nành, đậu xanh mà không có vốn. Qua tìm hiểu, biết được hoàn
cảnh của bà Vân, Ủy ban MTTQ huyện và xã Phú Túc đã tiếp sức cho gia đình bà
Vân được vay 5 triệu đồng, mua máy xay, xe đẩy và vật liệu làm sữa đậu nành, đậu
xanh....mỗi ngày trừ các khoản chi phí, bà thu nhập từ 120 đến 150.000 đồng. Nhờ
vậy, cả 3 con bà được đi học và gia đình bà trở thành hộ thoát nghèo bền vững của
huyện.
Mô hình “Tổ hợp tác phát triển
chăn nuôi dê vượt nghèo” do thường trực Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh
phối hợp cùng Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc thực hiện hỗ trợ 21 hộ đồng bào dân tộc
Mạ, S’ tiêng và Châu ro tại xã Xuân Phú (Xuân Lộc) và Phú Lý (Vĩnh Cửu). Qua
đó, đã giúp các hộ nghèo cải thiện cuộc sống gia đình. Thời gian tới, kế hoạch
tiếp sức những hộ đồng bào S’ tiêng nghèo ở Tân Phú sẽ được triển khai nhân rộng...
Nhân rộng mô hình giảm nghèo
Trong cuộc họp với các thành viên
Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” mới đây, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch
MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới đề nghị, năm 2018, công tác giảm nghèo của tỉnh tiếp tục
chọn và xây dựng những mô hình phù hợp từng khu vực, vùng nghèo, trong đó, phải
nhân rộng những mô hình đã có hiệu quả thiết thực như Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định
Quán.... tiếp tục vận động các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ đảng viên ủng hộ,
hỗ trợ tiếp sức người nghèo.
Chủ tịch MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới thăm hỏi một hộ nghèo được hỗ trợ nuôi dê
Theo Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh,
năm 2017 toàn tỉnh đã huy động trên 146 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm
nghèo. Trong đó, nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ hơn 3,1 tỷ đồng, ngân sách tỉnh
115 tỷ, còn lại vận động từ cộng đồng và nguồn xã hội hóa....từ đó góp phần giảm
được 0,32% số hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh (giảm 2.500 hộ nghèo) và 0,11% hộ cận
nghèo (giảm 932 hộ cận nghèo). Đầu năm 2018, toàn tỉnh còn trên 7 ngàn hộ
nghèo, trong đó có 3.153 hộ nghèo A (0,39%) và phấn đấu giảm 0,2% trong năm
2018 tương đương giảm 1.600 hộ diện này.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, trong
quý I năm nay, toàn tỉnh đã tổ chức vận động tổng cộng các hình thức ủng hộ
thông qua Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và trực tiếp tại cộng đồng dân cư dưới sự
phân phối, giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trên 323,127 tỷ
đồng. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động được trên 7,7 tỷ đồng. Ủy
ban MTTQ tỉnh phối hợp với các đoàn thể, tổ chức thành viên xây tặng 28 căn nhà
tình thương trị giá trên 1,3 tỷ đồng; sửa chữa 5 căn; tổ chức thăm và tặng trên
5.400 phần quà trị giá 2 tỷ đồng; các đoàn thể, tổ chức thành viên và nhân dân
thực hiện chương trình an sinh xã hội trực tiếp tại cộng đồng dân cư không
thông qua Quỹ “Vì người nghèo” với tổng giá trị trên 315 tỷ đồng. Vận động
chung tay chăm lo cho tất cả người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo khó khăn đón Xuân
Mậu Tuất vui tươi, an toàn...
Cũng theo Ban vận động Quỹ “Vì
người nghèo” tỉnh, năm 2018 toàn tỉnh dự kiến phối hợp vận động quỹ và các hoạt
động an sinh xã hội khoảng trên 300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Quỹ “Vì người
nghèo” phấn đấu đạt trên 10 tỷ đồng, hỗ trợ người nghèo trong sửa chữa nhà dột,
nhà tạm phát sinh, tiến tới đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công nhận Đồng
Nai hoàn thành chương trình xây dựng nhà tình thương, xóa nhà dột nát và tiếp tục
nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả để tiếp sức người nghèo vươn lên.
Box: Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh
Văn Tịnh, Phó ban thường trực, Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh cho biết nhằm nâng
cao mức sống của người nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh, Ban chỉ đạo giảm nghèo vừa
họp và đề suất trình HĐND tỉnh phương án nâng chuẩn nghèo của tỉnh hiện nay
(thành thị thu nhập dưới 1,2 triệu đồng/người/tháng và dưới 1 triệu đồng/người/tháng
nông thôn theo Nghị quyết 126 của HĐND tỉnh) lên mức dự kiến 1,560 triệu đồng/người/tháng
khu vực thành thị và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn./.
Nguyệt Hà