ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Bài 2: Tập trung phòng ngừa cháy nổ tại doanh nghiệp
Đăng ngày: 03-04-2018 05:08
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Cháy nổ không chỉ “nóng” tại các chung cư, nhà cao tầng mà ở từng nơi, từng chỗ và sẽ không an toàn nếu không có ý thức đảm bảo phòng ngừa sự cố cháy nổ. Trên địa bàn tỉnh, sau sự cố cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tại các doanh nghiệp như Shingmark Vina, dệt Hoành Thân; Công ty TNHH Vũ Hồng Niên.... những tháng đầu năm 2018 tuy không thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng và các hệ lụy kèm theo nên công tác phòng ngừa cháy nổ trong cao điểm mùa khô tiếp tục được đặt ra.
Tăng hơn 80% giá trị thiệt hại so cùng kỳ

Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) tỉnh cho biết: “Thời điểm trước, trong, sau tết và quý I năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng, tăng 56,2 tỷ đồng và tăng hơn 80% giá trị thiệt hại so cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt là những vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty TNHH dệt Hoành Thân (KCN Biên Hòa 2) và Công ty TNHH Shingmark Vina sản xuất gỗ (KCN Bàu Xéo) gây thiệt hại trên 50 tỷ đồng và cùng nhiều hệ lụy hàng chục ngàn lao động phải tạm dừng việc để khắc phục sự cố”.

IMG_2110.JPG 
 
Kiểm tra an toàn điện tại Nhà máy Khí Đông Nam bộ

Đại tá Nhân cho biết thêm, một trong những nguyên nhân cơ bản dễ phát sinh các vụ cháy chính là ý thức và kiến thức về PCCC của một bộ phận cán bộ, nhân viên, công nhân lao động, nhất là người đứng đầu cơ sở chưa cao, chưa thấy được trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy. Điều này thể hiện rõ nhiều cơ sở mặc dù đã được Cảnh sát PCCC kiến nghị, yêu cầu khắc phục các tồn tại nhưng những kiến nghị của đoàn gần như bị lờ đi. Đại tá Nhân cho biết: “Cụ thể chính công ty dệt Hoành Thân, đã được cán bộ kiểm tra yêu cầu không sắp xếp hàng hóa sát tường, che chắn lối thoát nạn, gần các thiết bị điện, phải lắp đặt hệ thống chữa cháy tự đông, phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy bơm chữa cháy, hệ thống báo cháy nhưng vấn đề trên vẫn không được giám đốc công ty tổ chức thực hiện; khi có cháy, lực lượng PCCC cơ sở không nắm vững các biện pháp, cách thức chữa cháy, gây cháy lan, cháy lớn nên phải mất rất nhiều thời gian lực lượng PCCC chuyên nghiệp mới khống chế và dập tắt khi xảy ra cháy. Đó là chưa kể, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở không chấp hành nghiêm quy định về PCCC, cá biệt còn có những nơi tự ý cơi nới nhà xưởng, nhà kho, bố trí hàng hóa trên khoảng cách ngăn cháy nên khi cháy gây cháy lớn, cháy lan”.

Cũng theo Phó giám đốc Cảnh sát PCCC Lê Quang Nhân, xác định những địa bàn khu công nghiệp, doanh nghiệp, cụm công nghiệp, khu làng nghề...là những địa bàn rất trọng yếu về kinh tế của tỉnh vì tập trung lượng tài sản lớn nên nếu cháy nổ xảy ra sẽ thiệt hại tài sản vô cùng lớn và kèm theo ảnh hưởng về an ninh trật tự. Ví dụ như Shingmark có trên 10.000 người, Hoàng Thân có trên 500 người khi xảy ra cháy phải tạm dừng sản xuất để khắc phục nên thiệt hại rất lớn. Nắm rõ những yếu tố trên, Cảnh sát PCCC đã xây dựng kế hoạch kiểm tra an toàn PCCC như kiểm tra người đứng đầu, quá trình sử dụng điện, nguồn điện, các kho chứa nguyên liệu, thành phẩm, các khu vực sản xuất, thường trực PCCC của lực lượng cơ sở, trách nhiệm liên quan đến quản lý Nhà nước về PCCC như bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, xây dựng các phương án xử lý sự cố cháy nổ...Qua kiểm tra, hướng dẫn đã khuyến cáo với những loại hình sản xuất  gỗ, may mặc, giày da.... Đại tá Nhân khẳng định: “Dù xảy ra những vụ cháy lớn từ đầu năm, tăng giá trị thiệt hại nhưng với một lượng lớn trên 7000 doanh nghiệp đang đầu tư trong các làng nghề, KCN và hàng trăm ngàn lao động, chúng tôi khẳng định, công tác PCCC ở Đồng Nai nói chung, trong các doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực”.

Box: Cùng với kế hoạch kiểm tra tổng thể các chung cư, nhà cao tầng, dịp này, Cảnh sát PCCC cũng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp có nguy cơ cao về cháy nổ, kiểm tra các khu vực làng nghề, cụm công nghiệp trọng điểm...

IMG_2132.JPG
Tạo vành đai an toàn PCCC

Điều tra sơ bộ ban đầu từ hai vụ cháy lớn cho thấy, trên 70% nguyên nhân chính đều liên liên quan sự cố về điện, chẳng hạn như Shingmark Vina sản xuất gỗ, sử dụng các nguyên liệu gỗ, sơn, axeton để xấy và chà nhám gỗ. Đặc biệt, Shingmark còn dùng dây chuyền phun sơn tự động, sử dụng lao động không nhiều, khi xảy ra cháy, ít có sự can thiệp kịp thời nên cháy lớn, cháy nhanh gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của doanh nghiệp. Còn đối với công ty dệt Hoành Thân sử dụng nguyên liệu là vải, sợi, bông trong quá trình sản xuất, sợi bông bay lơ lửng, bám vào thiết bị, khi vận hành chỉ một tia lửa nhỏ phát sinh nguồn nhiệt là môi trường có bụi bông bốc cháy rất nhanh. Mặt khác, vệ sinh công nghiệp của các doanh nghiệp xảy ra cháy rất yếu kém, sử dụng hóa chất trong sản xuất và một số nguyên nhân khác.

Thường xuyên tự kiểm tra

Nghị định 79/2014 của Chính phủ có hiệu lực từ 2014 quy định, các cơ sở nguy hiểm về cháy nổ phải kiểm tra ít nhất 4 lần/năm; đối với các cơ sở bình thường kiểm tra từ 1 đến 2 lần/năm. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 20 và 26 và sự chỉ đạo của UBND tỉnh về giảm số lần, lượt thanh, kiểm tra, chánh phiền hà cho doanh nghiệp trên địa bàn nên ít nhiều có sự chồng chéo trong quá trình kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi có vi phạm về an toàn PCCC.

Về vấn đề này, Đại tá Lê Quang Nhân khẳng định: Nghị định 79, Chỉ thị 20, 26 và các chỉ đạo của UBND tỉnh đều là văn bản pháp luật nên trách nhiệm của Cảnh sát PCCC tỉnh là phải đảm bảo thực hiện. Trong quá trình thực hiện có những khó khăn, vướng mắc thì Cảnh sát PCCC sẽ có kiến nghị đảm bảo phù hợp. “Cụ thể, Cảnh sát PCCC tỉnh đã có văn bản gửi Cục Cảnh sát PCCC có ý kiến trình bộ Công an, riêng lĩnh vực an toàn PCCC phải được kiểm tra thường xuyên. Bởi do đặc thù sản xuất, khi kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn PCCC nhưng chỉ trong một thời gian ngắn có thể là một tuần, một tháng, vấn đề an toàn không được đảm bảo như thời điểm kiểm tra. Mặt khác, do yêu cầu của sản xuất, dây chuyền công nghệ của daonh nghiệp có thể phải thay đổi cho phì hợp nên khi kiểm tra thì đảm bảo nhưng tháng sau, tuần sau chưa chắc đã an toàn. Hệ thống điện, hệ thống phương tiện, trang bị phòng cháy cũng thế nên trách nhiệm của Cảnh sát PCCC là phải tăng cường kiểm tra thường xuyên, hướng dẫn và kịp thời phát hiện sự cố”, Đại tá Nhân nói.

IMG_2039.JPG 
 
Kiểm tra an toàn PCCC tại Chi nhánh công ty CP Đồng Tiến

Cũng theo đại tá Nhân, dù có kiểm tra nhiều thì theo Luật một năm, một cơ sở cũng chỉ được 4 lần trong khi lực lượng làm công tác kiểm tra của PCCC còn thiếu nên vai trò tự kiểm tra của doanh nghiệp cần phải được đề cao. Giải quyết vấn đề này, Cảnh sát PCCC Đồng Nai đã đề nghị với UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải tự kiểm tra thường xuyên và có báo cáo về tình hình an toàn PCCC của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý Nhà nước là Cảnh sát PCCC được biết và phải chịu trách nhiệm về kết quả tự kiểm tra.

Bài học sau vụ cháy chung cư Carina cũng như nhiều nơi và một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng về tài sản trong tỉnh cho thấy, công tác kiểm tra, hướng dẫn, nhất là vai trò tự kiểm tra phải tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người đứng đầu và cư dân tại các chung cư, nhà cao tầng để đảm bảo an toàn cho chính mình, bảo vệ tài sản của cá nhân, tổ chức là rất quan trọng, nhất là trong thời điểm mùa khô./.

Vĩnh Hà

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu