Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Tỉnh sẽ
quan tâm đúng mức đến lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ). UBND tỉnh, các ngành
chức năng phải tạo điều kiện, hỗ trợ người lao động trong việc kết nối thông
tin, nguồn vốn vay để lao động có nhu cầu được đi làm việc ở nước ngoài, góp phần
nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân”.
10 năm xuất khẩu hơn 2000 lao động
Báo cáo chưa đầy đủ của Sở LĐ-TBXH,
10 năm (2007-2017), toàn tỉnh đã phối hợp, lồng ghép tổ chức được hơn 70 hội
nghị tập huấn các chế độ, chính sách về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước
ngoài cho khoảng 12 ngàn lượt người tham dự. Theo đó, có 2.084 lượt người đi xuất
khẩu lao động tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,
Malaysia, Đài Loan. Mức lương cơ bản bình quân từ 21-25 triệu đồng/ tháng (Hàn
Quốc); 25- 30 triệu đồng/tháng (Nhật Bản); 13-15 triệu đồng/tháng (Trung Quốc,
Đài Loan) và từ 4- 7 triệu đồng/tháng (Malaixia)....
Hiện tại Đồng Nai mới chỉ có 1
doanh nghiệp là công ty Cổ phần Anh Vinh đào tạo ngành điều dưỡng để cung cấp
lao động cho Nhật Bản. Người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài phải trực
tiếp tìm kiếm các doanh nghiệp ở địa bàn khác hoặc thông qua các đơn vị, doanh
nghiệp có đầy đủ các điều kiện được Sở LĐ-TBXH cho phép giới thiệu, tuyển chọn
lao động xuất khẩu để đăng ký. Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Phạm Văn Cộng nhìn nhận,
việc đưa lao động theo hợp đồng trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài góp phần
giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo cho bản thân, gia đình người
lao động.
Ông Cộng khẳng định: “Số lao động
xuất khẩu 10 năm qua chưa nhiều một phần do thống kê chưa đầy đủ vì trước đây
có nhiều doanh nghiệp đến Đồng Nai tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài
không báo lại cho Sở. Năm 2017, Sở yêu cầu phải báo cáo rõ thì toàn tỉnh đưa
trên 600 lao động đi làm việc nước ngoài. Đối với lao động kỹ thuật, phần lớn
các doanh nghiệp có nhu cầu họ liên hệ và đặt hàng trực tiếp với một số trường nghề.
Riêng việc đưa lao động phổ thông những năm gần đây, Trung tâm Lao động ngoài
nước (Bộ LĐ-TBXH) giao về cho các tỉnh, lao động có hộ khẩu ở tỉnh nào đi theo
tỉnh đó. Trung tâm Lao động ngoài nước được giao nhiệm vụ tuyển lao động phổ
thông đi làm việc ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2017, họ giao cho Đồng Nai tuyển
200 người nhưng toàn tỉnh chỉ nhận được 170 hồ sơ. Qua kiểm tra tiếng Hàn có 24
người đậu và đến nay mới chỉ có 8 trường hợp đi XKLĐ nên lao động phổ thông đi
XKLĐ thực sự rất khó về ngoại ngữ. Còn lao động xuất khẩu đi làm việc tại Nhật
Bản thì theo kênh của các trường, phối hợp với các công ty ngoài tỉnh thực hiện
nhiều năm nay”.
Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc
Mặt khác, theo quy định tại các
Nghị định 61 và 63 của Chính phủ thì 6 đối tượng được xét vay từ Ngân hàng
Chính sách xã hội (NHCSXH) lại không có nhu cầu, trong khi nhiều trường hợp
khác muốn được vay đi XKLĐ lại không tiếp cận được nguồn vốn. Về nội dung này,
ông Nguyễn Sĩ Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho rằng, đã
có rất nhiều trường hợp đến hỏi về thủ tục vay đi XKLĐ nhưng lại không thuộc đối
tượng được cho vay nên chúng tôi kiến nghị, tỉnh cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ
các trường hợp có nhu cầu mới đẩy nhanh tiến độ XKLĐ.
Box: Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đề nghị, Sở LĐ-TBXH phải
rà soát lại số người đã đi XKLĐ xem họ đi làm việc ở những nước nào, đến nay đã
về chưa và nếu về họ đang làm gì? Bởi đi XKLĐ không đơn thuần tăng thu nhập, cải
thiện đời sống mà còn học tập được nguồn kiến thức kỹ thuật, phương pháp làm việc,
kỹ năng quản lý, tác phong công nghiệp của nước bạn....họ sẽ bổ sung nhân lực
chất lượng cao của tỉnh sau khi đi trở về.
Sẽ thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường
nhìn nhận, XKLĐ là việc làm đã có từ lâu, không phải mới nhưng chưa được quan
tâm thực sự. Một mặt vì Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, có nhiều KCN giải quyết
việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương cũng như nhiều nơi trong cả nước nên
mảng XKLĐ thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác nếu đi XKLĐ mà mức
thu nhập chỉ bình quân như ở Malaixia 4-7 triệu hay một số nước thu nhập thấp
thì rất ít người muốn đi từ đó mảng XKLĐ chưa thực sự được quan tâm nên thời gian
tới tỉnh sẽ đặc biệt lưu ý lĩnh vực này.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường
chỉ đạo, nên nghiên cứu thành lập một tổ công tác hoặc ban chỉ đạo XKLĐ do Phó
chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, ngành lao động là cơ quan thường trực cùng
các ngành chức năng tham gia để đẩy nhanh tiến độ thực hiện XKLĐ. Bởi thực tế nếu
chúng ta làm tốt thì không chỉ mang về thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động,
gia đình họ mà còn tiếp thu nhiều kiến thức mới về quản lý, tác phong công nghiệp,
chuyên môn kỹ thuật phục vụ nguồn lao động chất lượng cao của tỉnh sau này.
Ngành Lao động phải là cơ quan thường trực cùng các ngành chức năng rà soát lại
số lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian qua; tham mưu cho tỉnh
có chỉ đạo về thực hiện để lựa chọn những đơn vị có uy tín đào tạo, bồi dưỡng
kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng, tạo nguồn phục vụ XKLĐ.
Người lao động tìm hiểu thông tin về XKLĐ tại Sàn Giao dịch việc làm tỉnh
Riêng về ý kiến của NHCSXH, Bí
thư Tỉnh ủy đề nghị, cần phối hợp tham mưu để tỉnh có chính sách đặc thù, hỗ trợ
cho vay với những trường hợp có nhu cầu. Ví dụ một năm có tới 4000 bộ đội xuất
ngũ và nhiều trường hợp học sinh, sinh viên tốt nghiệp có nhu cầu vay vốn đi
XKLĐ và tới đây là người dân bị thu hồi đất trong dự án Sân bay quốc tế Long
Thành, tiếp tục đẩy mạnh việc XKLĐ, tăng thu nhập, làm lợi cho người lao động,
gia đình họ, cho tỉnh và đất nước. Đẩy mạnh hơn nữa về thông tin để người dân
biết những đơn vị chức năng XKLĐ, tầm quan trọng của XKLĐ để khi cần sẽ liên hệ,
tránh tình trạng hiện nay nhiều trường hợp có nhu cầu không biết liên hệ ở đâu,
khi liên hệ các đơn vị không uy tín dẫn đến tình trạng bơ vơ nơi đất khách như
thông tin báo chí đã đưa thời gian qua.
UBND tỉnh chỉ đạo sở tài chính
tham mưu để ban hành kế hoạch đặc thù riêng của tỉnh, hỗ trợ cho lao động có
nhu cầu đi XKLĐ để thông qua kỳ họp HĐND cuối năm. Kể cả việc tổ chức các đoàn
đi học tập kinh nghiệm các địa phương, đưa lao động đi làm việc nước ngoài. Các
sở, ban ngành phối hợp thông tin kiểm tra để xuất khẩu lao động đạt kết quả.
MTTQ và các đoàn thể chính trị tham gia để tuyên truyền, phổ biến cho đoàn
viên, hội viên về nhu cầu đi làm việc nước ngoài...
Box: Ông Nguyễn Sĩ Cường, Phó
giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Theo Nghị định 61 và 63 của Chính phủ, các trường
hợp được vay XKLĐ gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia, người có
công và thân nhân người có công với cách mạng, hộ dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi
đất nông nghiệp theo quyết định của Nhà nước và đất ở theo quyết định của cơ
quan có thẩm quyền. Mức vay tối đa là 100% chi phí nhưng theo quy định từ 50
triệu đồng trở lên phải có thế chấp. Khi tỉnh có cơ chế đặc thù, NHCSXH sẽ đẩy
mạnh tuyên truyền tại 163 điểm giao dịch ở các xã, thị trấn trong toàn tỉnh để
thực hiện.
Vĩnh Hà