ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Đồng Nai khai thác tiềm năng, phát triển du lịch
Đăng ngày: 23-02-2018 09:04
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Những ngày đầu năm 2018 này, đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai đang bàn nhiều về chuyện phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Bức tranh du lịch Đồng Nai gần đây có nhiều khởi sắc, tuy nhiên kết quả đạt được chưa tương xứng với lợi thế sẵn có. Để đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đang tăng tốc triển khai hàng loạt giải pháp.


Kết cấu hạ tầng hạn chế, sản phẩm du lịch đơn điệu

Với các địa danh, phong cảnh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên; Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai; thác Giang Điền, thác Mơ, hồ Trị An..., Đồng Nai ngày càng được nhiều khách du lịch tìm đến, nhất là từ TP Hồ Chí Minh. Năm 2017 là năm tỉnh "được mùa" du lịch nhất từ trước tới nay với số lượng khách tham quan, lưu trú lên đến hơn 3,4 triệu lượt người, tăng 10%, mang lại doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016. Toàn tỉnh hiện có 21 khu du lịch, với nhiều điểm vui chơi, nghỉ dưỡng được các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp. Du lịch Đồng Nai phần lớn là du lịch sinh thái, loại hình được xem là khá hấp dẫn du khách nước ngoài. Tuy nhiên, lượng khách chưa nhiều và thời gian lưu trú ngắn, lý do bởi hành trình tương đối xa và sản phẩm, dịch vụ du lịch khá nghèo nàn.

Khu du lịch Bửu Long là nơi nghỉ dưỡng được hình thành sớm nhất ở Đồng Nai, ngay trung tâm thành phố Biên Hòa. Có khá đông du khách lựa chọn đến đây vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ, nhưng hình ảnh chúng tôi bắt gặp nơi đây là mọi người thường lỉnh kỉnh xách theo đồ ăn, nước suối. Chị Nguyễn Thị Hải nói: “Gia đình tôi từ Bình Dương đến Bửu Long để thư giãn vì cảnh quan thiên nhiên ở đây rất đẹp, nhưng vào bên trong thì thấy dịch vụ phục vụ đơn điệu, nhất là ẩm thực hầu như không có gì hấp dẫn, chẳng có món mình muốn tìm”.

Xuân Lộc là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, vốn giàu tiềm năng du lịch sinh thái gắn với tâm linh, có nhiều loại nông sản đặc trưng. Nhưng theo Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Phạm Văn Thuận, rất ít du khách quay trở lại Xuân Lộc do hạ tầng du lịch còn sơ sài, đầu tư thiếu đồng bộ. Điển hình như hệ thống cáp treo lên quần thể di tích lịch sử danh thắng núi Chứa Chan, thuộc địa phận xã Xuân Trường, lần đầu tiên được đầu tư ở Đồng Nai với tổng kinh phí giai đoạn 1 là hơn 300 tỷ đồng, nhưng hiện tại, khi vãn cảnh chùa xong, khách chẳng biết đi đâu, ăn gì… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên không chỉ bởi các cơ sở du lịch còn nhiều hạn chế, mà còn do hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực chung quanh bất cập, thiếu đồng bộ.

So với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ, du lịch Đồng Nai có lợi thế hơn hẳn về tự nhiên. Tỉnh cũng muốn tạo đột phá về du lịch, nhưng gặp không ít vướng mắc. Nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu vốn, trong khi chưa có một cơ chế đủ mạnh khuyến khích xã hội hóa. Đầu tư vào du lịch cần số tiền vốn rất lớn mà thời gian thu hồi vốn không thể trong ngắn hạn. Ngay cả khi nhà đầu tư đã mạnh dạn bỏ vốn vào cơ sở vật chất, dịch vụ, thì vẫn còn đó trở ngại về hệ thống giao thông và quỹ đất.

Theo bà Dương Thị Ngọc Phương (Công ty TNHH Thế giới hoang dã) thì bất cập và yếu kém nhất hiện nay đối với du lịch là kết cấu hạ tầng kỹ thuật hạn chế, đường giao thông chật hẹp, trong khi các dự án mở đường phục vụ phát triển du lịch chưa được triển khai.

Tạo đột phá từ du lịch sinh thái

Nếu như du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên thường được khách quốc tế (chủ yếu là từ các quốc gia: Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch) trải nghiệm, thì những chuyến dã ngoại dọc sông Đồng Nai ngày càng được nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) lựa chọn. Thay vì đi xa hoặc du lịch ngay trong lòng thành phố, một khách du lịch là ông Nguyễn Văn Lễ chọn tuyến du lịch đường sông để “Được ngồi trên thuyền, ngắm cảnh hai bên bờ sông Đồng Nai”.

 

Du lịch dã ngoại khám phá rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Đón bắt nhu cầu trên, để tạo điểm nhấn nhằm níu giữ khách dừng chân lâu hơn, ngành du lịch Đồng Nai quyết tâm tạo đột phá phát triển từ những lợi thế sẵn có về rừng và sông. Nhằm khai thác tốt du lịch sinh thái rừng và du lịch đường sông, tỉnh định hướng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết với các địa phương; tiếp tục nâng cấp các khu điểm du lịch hiện có, tạo ra các sản phẩm mới…

Cách thành phố Hồ Chí Minh 90 km, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) đang tích cực bắt tay làm nhiều việc để mời gọi du khách đến với khu rừng rộng lớn, trải dài từ Vườn quốc gia Cát Tiên tới Khu bảo tồn. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài động, thực vật đặc hữu trên thế giới và Việt Nam, cùng với nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, như: Trung ương Cục miền nam; Khu ủy miền Đông. Giám đốc Khu bảo tồn Trần Văn Mùi cho biết, để phát triển du lịch kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, đơn vị đang làm chủ Đề án quy hoạch, phát triển du lịch đến năm 2030, với tổng kinh phí 1.172 tỷ đồng. Trong đó, chú trọng các phương án thu hút nguồn đầu tư từ xã hội hóa, phát huy lợi thế về rừng, tạo ra sản phẩm du lịch thế mạnh.

“Hướng đến lực lượng công nhân khoảng một triệu người đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, chúng tôi đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tổ chức tua khảo sát du lịch sinh thái kết hợp tham quan rừng và tìm hiểu văn hóa, lịch sử cho hơn 100 người, là cán bộ công đoàn, đại diện các công ty, với kỳ vọng sẽ tạo đột phá bằng sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của công nhân lao động”, Giám đốc Trần Văn Mùi cho hay.


Du khách tham quan khu vực Bàu Sấu.

Trong khi đó, tuyến du lịch đường sông dài 91 km dọc theo dòng Đồng Nai khởi hành từ bến Bạch Đằng, TP Hồ Chí Minh và kết thúc tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, hành trình ngang qua nhiều cảnh đẹp như cù lao Ba Xê, chùa Ông, Văn Miếu Trấn Biên, chùa Bửu Phước, làng bưởi Tân Triều… cũng đang được khẩn trương hoàn thiện. Trưởng Ban Quản lý Dự án du lịch sinh thái cù lao Phố Nguyễn Hoàng Cường chia sẻ: “Ghé qua những danh thắng ven sông, du khách sẽ có điều kiện lựa chọn mặt hàng lưu niệm, đặc sản địa phương”. Trong nỗ lực đầu tư các điểm dịch vụ vận chuyển dọc tuyến sông Ðồng Nai, đến thời điểm này, ngành du lịch và các cấp chính quyền thành phố Biên Hòa đã kết nối được các bến bãi phục vụ du lịch và 10 ca-nô chất lượng cao.

Nhận thấy nhu cầu du lịch bằng phương tiện thủy ngày càng tăng, một số chủ nhà hàng, quán ăn ven sông địa bàn thành phố Biên Hòa cũng sớm mua thêm thuyền, đò chở khách khi có yêu cầu. Tuy dịch vụ này đang nở rộ, nhưng cách làm tự phát và manh mún. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai Lê Kim Bằng cho biết: Trong lộ trình khai thác tuyến du lịch đường sông, ngành tăng cường mời gọi đầu tư tàu thủy hiện đại, nhà hàng ẩm thực, các loại hình vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, sẽ liên kết với du lịch đường sông của thành phố Hồ Chí Minh đưa khách tới tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Đồng Nai.

Theo quy hoạch phát triển ngành du lịch Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030, có tới 28 danh mục dự án và nhóm dự án với tổng vốn đầu tư cần huy động hơn 19.700 tỷ đồng. Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu trong bốn năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách tham quan và lưu trú tăng 12%/năm, với kỳ vọng đạt khoảng 5 triệu lượt người vào năm 2020, tương đương doanh thu du lịch đạt 1.700 tỷ đồng.

(Nguồn: Báo Nhân Dân) 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu