ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Động lực và cơ hội phát triển kinh tế 2018
Đăng ngày: 18-02-2018 03:37
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Năm 2018, nền kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi tích cực và khả năng đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2017, cùng nhiều động lực khác từ nền kinh tế đang trên đà cải cách sẽ tạo cơ hội lớn để phát triển kinh tế năm 2018.

Động lực tăng trưởng tích cực đến từ xu hướng tiếp tục nới lỏng tài chính, tiền tệ; bình ổn giá năng lượng và hàng hóa; cải thiện lòng tin kinh doanh dựa trên hy vọng vào các cuộc cải cách thuế và kích thích tài chính, cũng như sự cộng hưởng xu hướng tăng trưởng chung ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Brazil, Nga và Trung. Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á, có thể lên đến 8% GDP trong giai đoạn 2018-2022. Kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ tăng trưởng khó khăn trong giai đoạn 2018-2022 do bất ổn xã hội, chiến tranh và khủng bố. Giá dầu thế giới năm 2018 sẽ ổn định ở mức cao hơn năm 2017, nhờ OPEC, Nga và các đồng minh đã đạt được sự đồng thuận về việc gia hạn kiểm soát nguồn cung đến hết tháng 12/2018.

Đặc biệt, bất chấp động thái ngược dòng của Mỹ về các hiệp định thương mại đa phương, xu hướng tăng cường thương mại tự do và hợp tác đa biên vẫn được tiếp nhận thêm động lực mới, với những điểm nhấn như:

Sự kiện từ tháng 9/2017, hiệp định thương mại tự do giữa Canada và EU (viết tắt là CETA) đã chính thức có hiệu lực.

Tại Hội nghị bộ trưởng tài chính G20 diễn ra hồi trung tuần tháng 10/2017, các nước G20 đã đưa ra thông cáo chung, khẳng định kiên quyết thúc đẩy tự do thương mại và thắt chặt quan hệ hợp tác quốc tế. Ngày 8-12-2017, FTA giữa Nhật Bản-EU đã hoàn tất đàm phán, mở ra triển vọng mới cho khu vực thương mại Á-Âu quy mô tới 1/3 GDP toàn cầu và 600 triệu dân có thu nhập cao hàng đầu thế giới.

Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Hồng Công (Trung Quốc) được khởi động đàm phán từ tháng 7/2014 và hoàn tất đàm phán vào ngày 9-9-2017. Ngày 12-11-2017, ASEAN và Hồng Công đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư (AHKIA), dự kiến có hiệu lực sớm nhất từ ngày 1-1-2019.

Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Mỹ được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã kết thúc toàn diện nội dung đàm phán và dự kiến tiến hành ký kết vào ngày 8-3-2018 tại thành phố Santiago, Chile.

Trong bối cảnh đó, năm 2018, nền kinh tế Việt Nam sẽ phấn đấu GDP phải tăng khoảng 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-7%...

Động lực tăng trưởng còn được tỏa ra từ những cải thiện môi trường đầu tư và đà tăng trưởng tích lũy được trong năm trước; cũng như từ nhiều xung lực mới và cơ hội mới nhờ đổi mới công nghệ, đà tăng giá dầu thô, sự tăng trưởng thị trường tiêu thụ và dòng đầu tư của các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhất là từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga...

Đặc biệt, động lực tăng trưởng được hội tụ và lan tỏa từ đà tăng trưởng tốt của công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ; sự hồi phục tích cực của ngành nông nghiệp nhờ tăng ứng dụng công nghệ cao và giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới.

Động lực cũng được củng cố nhờ các cân đối vĩ mô sẽ vẫn được bảo đảm. Dự trữ ngoại tệ tiếp tục được cải thiện. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục được gia tăng cùng chiều với tốc độ các cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân trở thành động lực chính của năm 2018 và thời gian tới. Việt Nam tiếp tục trụ hạng trong nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo. Giá hàng tiêu dùng nhập khẩu sẽ giảm cùng với mức độ giảm thuế nhập khẩu, gia tăng hàng rào kỹ thuật và áp lực cạnh tranh thị trường. Thị trường bất động sản năm 2018 có thể chững lại ở một số phân khúc nhà cao cấp, nhưng vẫn duy trì đủ nhiệt ở phân khúc nhà ở xã hội và nhất là tại những vùng địa bàn sẽ xây dựng đặc khu kinh tế.

Năm 2018, cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động có nhiều kịch bản đối phó kịp thời với những diễn biến khó lường của thị trường và thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; dư địa chính sách hạn hẹp (nhất là trong bối cảnh nợ công vẫn tăng về giá trị tuyệt đối), nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế và yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực; hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng, khả năng giảm lãi suất cho vay bị hạn chế bởi chưa có nhiều đột phá trong xử lý nhiều khoản nợ xấu và tình trạng sở hữu chéo. Áp lực thất nghiệp và giảm nghèo đói vẫn là thách thức không nhỏ cho các vùng, địa phương còn nhiều khó khăn và đang bị ô nhiễm môi trường nặng nề. Giá vàng và tỷ giá ngoại tệ trong nước tiếp tục tăng áp lực, biến động theo thị trường thế giới, nhưng còn một số động thái bất thường mang đậm yếu tố tâm lý... Áp lực lạm phát năm 2018 sẽ gia tăng do cộng hưởng nhiều nhân tố, nhất là áp lực lạm phát tiền tệ gắn với nới lỏng tín dụng và tài chính; gia tăng chi phí đẩy gắn với gia tăng giá xăng dầu, các loại phí dịch vụ công và tăng lương. Ngoài ra, khả năng nhu cầu nông sản và giá nông sản thế giới được dự báo sẽ phục hồi cũng góp phần làm tăng giá hàng lương thực, mang lại lợi ích cho nông dân và hoạt động xuất khẩu nông sản.

Đặc biệt, động lực mới của nền kinh tế sẽ tăng dần cùng với mức độ hiện thực hóa quá trình xây dựng ba khu kinh tế - hành chính đặc biệt ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Theo đó, sẽ có nhiều bứt phá mới về phát triển thương mại và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; dịch vụ cảng và hậu cần biển, cùng các chuỗi cung ứng công nghiệp-dịch vụ kinh tế biển hiện đại, tạo kết nối tổng thể không gian kinh tế mới trên biển Việt Nam và khu vực trong tương lai… Hơn nữa, ba đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam này còn lan tỏa hấp dẫn bởi những kỳ vọng lớn lao tạo các thể chế mang tính đột phá so với mức độ hiện hành trong nước, tiếp cận các xu hướng môi trường kinh doanh và quản lý tiên tiến nhất của khu vực và quốc tế, thu hút các nguồn vốn, công nghệ hiện đại, nhân tài, ý tưởng phát triển và mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu kinh tế, cải thiện nguồn thu NSNN, tạo việc làm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; bảo vệ môi trường và góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.

Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội thông qua, kỳ vọng tạo cơ sở pháp lý phù hợp, nhất là về sự phân cấp và thẩm quyền của người đứng đầu đặc khu; về cơ chế giám sát quyền lực và phòng ngừa nạn tham nhũng, lộng quyền, trục lợi chính sách; về kiểm soát hiệu quả mọi sự cạnh tranh không lành mạnh, nguy cơ thất thu thuế, sự méo mó trong đời sống kinh tế-xã hội địa phương và quốc gia, về cơ chế pháp lý cho cấp quyền sử dụng đất lâu dài mà không gây hệ lụy đắt đỏ cho an ninh quốc gia trong tương lai …

Được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự cẩn trọng cần có, đặc khu kinh tế được kỳ vọng trở thành động lực mới hấp dẫn, có thể mang lại sức tăng trưởng mới cho khu vực và cả nước, cho hôm nay và cho cả mai sau...!

(Nguồn: Báo Nhân Dân) 








In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu