Bài 2: Tầm vóc
và ý nghĩa lớn
Sự kiện Mậu
Thân 1968 thực sự mang tầm vóc và ý nghĩa lớn, chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước của ta sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải bị động, co cụm, đối phó với
ta. Cũng từ sự kiện này, tầm vóc và ý nghĩa lan tỏa đã tạo điều kiện để quân
dân ta tiếp tục tiến lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn
toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Khẳng định tầm
vóc
Mới đây, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và
TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Cuộc Tổng tiến công và nổi
dậy Xuân Mậu Thân 1968- Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”. Hơn 100 tham
luận gửi đến Hội thảo cùng nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các
nhân chứng đều khẳng định tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Mậu Thân 1968, đây là một
trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm và tiếp tục bồi đắp chủ nghĩa anh hùng
cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong tham luận gửi về hội thảo của nguyên Chủ tịch nước
Lê Đức Anh, nguyên Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền năm 1968 khẳng định: Với tầm
nhìn xa, trông rộng, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã nhận thấy, ở thời điểm đó, ta
không đủ sức đánh bại cùng một lúc cả đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn để
giành thắng lợi hoàn toàn, nên đã chủ trương chia thành 2 nhịp “Đánh cho Mỹ
cút”, rồi tiến tới “đánh cho ngụy nhào”. Tổng tiến công và nổi dậy với những cú
“đánh bồi” đã tạo nên một đòn đủ nặng làm nhụt ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo
ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh, buộc chúng phải xuống thang, ngồi vào bàn
đàm phán Pari.

AHLLVTND Trần Văn Chín tại lễ kỷ niệm 73 năm ngày thành lập QĐNDVN
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Chín cho
rằng, tầm vóc lớn nhất mà Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 mang lại
chính là buộc Mỹ phải ngồi đàm phán Pari, mở ra thời cơ mới cho mặt trận ngoại
giao cũng như tạo nhịp đầu để quân dân ta thực hiện lời chúc tết thiêng liêng của
Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút”, tiến lên “đánh cho ngụy nhào” sau này.
Ông Lê Hữu Thách, 81 tuổi, nguyên cán bộ tiểu đoàn
công binh 67 (Bộ Tư lệnh Miền), một người trực tiếp tham gia trận tập kích vào
Thị trấn Trảng Bom và chiến trường Long- Bà- Biên (Long Khánh, BÀ Rịa Vũng Tàu,
Biên Hòa) trong thời khắc Mậu Thân 1968 cho rằng, dù chúng ta chưa dành thắng lợi
trọn vẹn nhưng tầm vóc và ý nghĩa của Mậu Thân 1968 đã làm khiếp vía quân thù,
Mỹ ngụy hoảng loạn, bất ngờ và phải tăng cường phòng ngự, canh phòng cẩn mật
hơn. Chỉ riêng địa bàn chi khu Trảng Bom, chúng tăng cường hàng loạt trực
thăng, đổ quân bố phòng, lập trạm, đồn, bốt dày đặc khu vực quốc lộ 1 nhằm đánh
trả quyết liệt ta sau đòn chí mạng Xuân Mậu Thân 1968.
Không còn nơi
an toàn
Một trong những điểm chứng minh tầm vóc lịch sử và ý
nghĩa to lớn là sau Mậu Thân 1968, đối với giới cầm quyền Mỹ thì ở Sài Gòn,
Đông Nam Bộ hay Thừa Thiên Huế với chúng “không còn là nơi an toàn” khi mà những
sào huyệt được coi là “bất khả xâm phạm” đều bị bất ngờ chọc thủng. Chính Tổng
thống Mỹ thời đó Giôn- xơn phải thừa nhận: “Cuộc Tổng tiến công này là sự
choáng váng đối với tất cả người Mỹ”.

CCB Lê Văn Thách kể lại kỷ niệm MT 1968 cho sĩ quan trẻ
Theo ông Lê Bá Lộc, sau Mậu Thân 1968, địch ngày càng
tăng cường bố phòng cẩn mật cho khu vực Tây Nguyên- nơi chúng coi là nóc nhà
Đông Dương, tuyến phòng ngự trọng yếu bảo vệ Sài Gòn. Đặc biệt là những cao điểm:
Buôn Mê Thuột, Plây- cu và nhiều cao điểm khác.
Còn cựu chiến binh Nguyễn Đức Hòa, nguyên chiến sĩ đặc
công biệt động dẫn chứng: “Ngay trong ngày đầu tiên đợt 1 cuộc Tổng tiến công
và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng tôi đảm nhiệm tiến công Dinh Độc Lập, 1
trong 5 mục tiêu trọng yếu, đầu não của chính quyền Sài Gòn. Dù chỉ còn 7 người
nhưng anh em kiên cường bám trụ, bắn đến viên đạn cuối cùng. Tuy chưa giành thắng
lợi trọn vẹn nhưng địch hoang mang lo sợ, bởi “phủ Đầu rồng” không còn là nơi bất
khả xâm phạm”.
Với giá trị tầm vóc to lớn cùng ý chí, sức mạnh tổng hợp
làm nên cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, khiến Tổng thống Mỹ Giôn- xơn
phải tuyên bố trên Đài truyền hình Hoa Kỳ, đơn phương chấm dứt ném bom Việt Nam
Dân chủ cộng hòa từ vĩ tuyến 20 trở ra. Mỹ sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Việt
Nam.... Cuối cùng, Giôn- xơn phải chua chát tuyên bố: “Tôi sẽ không tìm kiếm và
sẽ không chấp nhận sự đề cử đưa tôi ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ mới nữa”... Tướng
Mỹ Oét- mo- len sau Mậu Thân 1968 đã nhận xét bi quan rằng: “Chiến tranh đã trở
thành một vấn đề chính trị với triển vọng địch (Quân giải phóng) có thể thắng ở
Wasington như họ đã thắng ở Geneva 1954. Ý chí của các chính khách Mỹ đang suy
giảm”...
Với tiếng vang lớn của Tổng tiến công và nổi dậy ở miền
Nam và thắng lợi to lớn trong cuộc chống chiến tranh phá hoại lần nhất miền Bắc,
quân dân ta đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm phá sản
toàn bộ chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở đỉnh cao. Thắng lợi này khẳng định tầm
vóc và tạo bước ngoặt quyết định của chiến tranh, đánh sập ý chí xâm lược của đế
quốc Mỹ, buộc chúng phải đàm phán với ta tại Hội nghị Pari, bàn về việc rút
quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng cùng với cuộc đấu
tranh của nhân dân tiến bộ đã làm phá sản chiến lược quân sự toàn cầu “Phản ứng
linh hoạt” thời Ken-nơ-đi- Giôn xơn, tác động toàn diện đến tình hình quân sự,
chính trị, tâm lý, xã hội nước Mỹ./.
Bài cuối: Kinh nghiệm quý trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
N. Trinh