Trả lương theo công việc
Phó giám đốc Sở
LĐ-TBXH Phạm Văn Cộng cho biết, so với những năm trước thì năm 2018 có mức điều
chỉnh lương thấp nhất. Theo đó, mức cao nhất áp dụng ở vùng 1 theo Nghị định mới
là 230.000 đồng. Địa bàn Đồng Nai chỉ áp dụng 3 mức lương tối thiểu là vùng 1,
2, 3. Riêng TX. Long Khánh và huyện Thống Nhất có sự thay đổi địa bàn áp dụng mức
lương tối thiểu vùng, TX. Long Khánh vừa phải điều chỉnh mức lương tối thiểu
vùng, vừa phải điều chỉnh địa bàn áp dụng từ vùng 2 lên vùng 1. Huyện Thống Nhất
cũng phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng và điều chỉnh địa bàn từ vùng 3 lên
vùng 2.
Theo Nghị định
141 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, Đồng Nai sẽ có những địa phương: TP. Biên
Hòa, TX. Long Khánh, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu sẽ
áp dụng mức lương tối thiểu vùng 1 tức là điều chỉnh từ 3.750.000 đồng lên
3.980.000 đồng/tháng. Các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc sẽ áp dụng mức
tối thiểu vùng 2, điều chỉnh từ 3.320.000 đồng lên 3.530.000 đồng/tháng. Các
đơn vị còn lại Tân Phú và Cẩm Mỹ áp dụng mức lương tối thiểu vùng 3 tăng từ
2.900 lên 3.090.000 đồng/tháng.
Lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI ở Biên Hòa
Trưởng phòng
Lao động tiền lương (Sở LĐ-TBXH) Cao Duy Thái trong buổi hướng dẫn các doanh
nghiệp nêu rõ: “Mức lương tối thiểu vùng quy định trong Nghị định 141 chỉ áp dụng
với những lao động chưa qua đào tạo, làm công việc giản đơn, trong môi trường
lao động bình thường. Còn đối với lao động qua đào tạo mới làm được công việc
theo yêu cầu của doanh nghiệp thì lương tối thiểu phải cao hơn mức tối thiểu
vùng ít nhất là 7%. Đồng thời lưu ý, doanh nghiệp áp dụng việc trả lương tối
thiểu vùng là trả cho công việc mà người lao động làm chứ không phải theo trình
độ mà lao động được đào tạo”.
Ông Thái nêu
ví dụ, khi đi thanh tra, kiểm tra về hợp đồng lao động và thang, bảng lương,
nhiều doanh nghiệp chỉ ghi chung chung là lao động có trình độ đại học, cao đẳng
hay trung cấp là không đúng. Bởi mức lương trả cho người lao động là dựa vào
công việc thực tế mà họ làm, chứ không phải trả cho bằng cấp. “Trường hợp lao động
có trình độ thạc sĩ, đại học mà làm công việc đơn giản thì chỉ được hưởng mức
lương công việc đơn giản. Ngược lại nếu lao động không có bằng cấp gì nhưng được
doanh nghiệp đào tạo hoặc tự học mà làm công việc của lao động có tay nghề thì
họ phải được hưởng mức lương của lao động có tay nghề mới đảm bảo độ công bằng
khi thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu”, ông Thái nói.
Nên tiếp tục duy trì phúc lợi
Trả lời nhiều
câu hỏi của doanh nghiệp liên quan việc điều chỉnh lương tối thiểu, Phó giám đốc
Sở LĐ-TBXH Phạm Văn Cộng cho rằng, một kinh nghiệm cho thấy rất rõ qua những lần
điều chỉnh lương tối thiểu là các doanh nghiệp nên tiếp tục duy trì các chính
sách, phúc lợi cho người lao động, không nên cắt giảm những chế độ mà họ đã được
hưởng; phối hợp với tổ chức Công đoàn tuyên truyền để lao động hiểu, chia sẻ với
những khó khăn của doanh nghiệp và hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến đình
công.
Lao động giản đơn làm việc ở Changshin VN
Cũng theo ông
Cộng, Nghị định 141 chỉ rõ, khi các doanh nghiệp điều chỉnh lương tối thiểu
vùng và thang, bảng lương đã được thỏa thuận cần căn cứ vào các quy định của
pháp luật và dựa vào nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước
lao động tập thể và phối hợp với Công đoàn để thực hiện đảm bảo mức điều chỉnh
công bằng, phù hợp giữa lao động mới và lao động đóng góp lâu năm trong doanh
nghiệp.
Ngoài triển
khai Nghị định và các văn bản pháp luật tại 4 khu vực, những ngày đầu năm 2018,
Sở LĐ-TBXH đã trình UBND tỉnh quyết định thành lập 4 đoàn hỗ trợ, hướng dẫn
doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu, nhất là những vùng điều chỉnh
kép như Long Khánh, Thống Nhất, nhằm ổn định tình hình, hạn chế tranh chấp dẫn
tới đình công trong dịp cận tết.
Box: Sau triển khai những nội dung cơ bản của
Nghị định, đến nay toàn tỉnh đã có gần 2000 doanh nghiệp gửi báo cáo về tình
hình điều chỉnh lương tối thiểu theo Nghị định 141 và thưởng tết Mậu Tuất. Theo
đó, mức lương bình quân của người lao động khoảng 7,3 triệu đồng/người; thưởng
tết bình quân các doanh nghiệp năm nay khoảng 7,7 triệu đồng/người; cao nhất là
một doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở KCN Gò Dầu với mức thưởng 408 triệu đồng;
kế đến là một doanh nghiệp dân doanh mức 94 triệu đồng.
Vĩnh Hà