Giải quyết việc làm vượt chỉ tiêu
Với sự nỗ lực, năm 2017, ngành LĐ-TBXH đã giải quyết
việc làm cho trên 91.000 lao động thông qua các doanh nghiệp tuyển dụng, qua
sàn giao dịch việc làm và các chương trình kinh tế xã hội, đạt 108,03% kế
hoạch. Trong đó, giới
thiệu tuyển chọn 201 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Tổ chức
20 lớp tập huấn và 10 hội nghị triển khai pháp luật lao động, BHXH, tiền lương,
mức lương tối thiểu vùng với gần 4.000 lượt người tham dự. Công tác đào tạo nghề
được quan tâm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến cuối năm 2017 đạt 56,78%,
góp phần giữ tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 2,4% và nâng tỷ lệ thời
gian lao động khu vực nông thôn lên 97%.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh
cho rằng, mục tiêu trong năm 2018 phải tập trung giải quyết việc làm cho 80.000
lao động, trong đó đưa vào các doanh nghiệp khoảng 55.000 người, còn lại thông
qua các chương trình kinh tế xã hội khác. Đặc biệt, tập trung công tác đào tạo
nghề, nhất là nghề chất lượng cao gắn việc giới thiệu tuyển chọn 270 lao động
đi làm việc ở nước ngoài. Theo ông Tịnh, để đạt mục tiêu cần đẩy mạnh truyên
truyền, tập huấn Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động và pháp luật về
lao động theo đề án “Tuyên truyền và phổ biến pháp luật lao động cho người lao
động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn
giai đoạn 2017-2020”; tiếp tục cải cách hành chính, các thủ tục về lao động, việc
làm, ổn định quan hệ lao động phục vụ sản xuất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân có đóng góp cho ngành lao động
Theo ông Tịnh, việc phải làm trước
mắt là tập trung ổn định tình hình sản xuất, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp phối
hợp với Công đoàn chăm lo tốt đời sống người lao động nhân dịp tết Mậu Tuất
2018, trong đó, tỉnh sẽ lập 4 đoàn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mức lương tối
thiểu vùng theo Nghị định 141/2017 và quản lý, theo dõi các doanh nghiệp gửi
báo cáo thưởng tết về Sở LĐ-TBXH.
Box 1: Để đảm bảo thực hiện tốt lương tối thiểu vùng năm 2018 theo Nghị
định 141 của Chính phủ, Sở LĐ-TBXH đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho gần 2000 doanh
nghiệp tại các khu vực Biên Hòa, Trảng Bom, Long Khánh, Thống Nhất, Long Thành
và Nhơn Trạch. Vào đầu tháng 1-2018, 4 đoàn công tác của tỉnh sẽ đến hỗ trợ các
doanh nghiệp trong thực hiện lương tối thiểu và thưởng tết cho người lao động
2018.
Box 2: Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.700 doanh nghiệp các loại hình gửi
báo cáo về tình hình điều chỉnh lương tối thiểu theo Nghị định 141 và thưởng tết
Mậu Tuất. Theo đó, mức thưởng tết bình quân các doanh nghiệp năm nay khoảng 7,7
triệu đồng/người; cao nhất là một doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở KCN Gò Dầu với
mức thưởng 408 triệu đồng; kế đến là một doanh nghiệp dân doanh mức 94 triệu đồng.
Lương bình quân của người lao động hiện 7,3 triệu đồng/người/tháng
Một đầu mối trường nghề công lập
Trước đó, Sở LĐ-TBXH đã tổ chức tổng
kết công tác dạy nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, năm 2017, toàn tỉnh
đã tuyển mới 74.365 người, đạt 100,36% kế hoạch năm, trong đó bậc cao đẳng trên
5000 người, trung cấp 11.776 người, còn lại sơ cấp và dạy nghề thường xuyên. Tổ
chức cho 67.128 người tốt nghiệp các khóa đào tạo, trong đó bậc cao đẳng và
trung cấp có gần 10.000 người, còn lại sơ cấp và thường xuyên, góp phần nâng tỷ
lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 56,78% (tăng 0,78% so mục tiêu đề ra năm
2017).
Về chương trình đào tạo chất lượng
cao, Sở tiếp tục phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II tuyển
sinh được 58 học viên đào tạo chất lượng cao ở các nghề kỹ thuật chế tạo thiết
bị cơ khí, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật hàn, lắp ráp điện và
tự động hóa trong công nghiệp; đào tạo 4 lớp trình độ cao đẳng quốc tế theo
tiêu chuẩn Đức cho 101 sinh viên các nghề điện tử công nghiệp, cơ điện tử, cắt
gọt kim loại và cơ khí xây dựng.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TBXH, tỷ lệ
lao động qua đào tạo nghề khá cao, song mới chỉ tập trung vào bậc sơ cấp nghề
và đào tạo thường xuyên, bậc trung cấp và cao đẳng nghề mới chỉ đạt khoảng 22%
là con số khá khiêm tốn. Từ thực tế này, nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị
cần rà soát lại toàn bộ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tiến tới thực hiện việc
sáp nhập một số trường nghề theo đầu mối “một trường công lập, nhiều chi nhánh”
vừa đảm bảo theo tinh thần Nghị quyết 19, vừa thực hiện Nghị quyết Trung ương 6
(Khóa XII) về thu gọn đầu mối.
Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng
dạy nghề cho rằng, nhờ sắp xếp lại các trường nghề nên đã góp phần nâng nguồn
nhân lực và hạn chế tỷ lệ học sinh nghề bỏ học. Để tiếp tục thực hiện có hiệu
quả công tác giáo dục nghề nghiệp, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh cho chủ trương sáp
nhập các trường Trung cấp nghề vào Cao đẳng hình thành một đầu mối, nhiều chi
nhánh theo Nghị quyết 19 của Trung ương. Cũng theo ông Trung, một nhiệm vụ năm
2018 về dạy nghề là phối hợp, khảo sát và tham mưu cho tỉnh chỉ đạo chương
trình đào tạo nghề cho khoảng 9000 lao động bị thu hồi đất trong dự án Cảng
hàng không quốc tế Long Thành, tạo việc làm và ổn định cuộc sống người tái định
cư.
Điểm nhấn về giải quyết chính sách

Giám đốc sở LĐ-TBCH khen thưởng các tập thể, cá nhân
Trong năm 2017, ngành lao động đã
làm tham mưu hiệu quả cho tỉnh thực hiện tốt công tác chính sách. Toàn tỉnh hiện
đang quản lý 57.174 hồ sơ người có công với cách mạng; phối hợp xác nhận giải
quyết chế độ cho 3.787 người có công; đặc biệt tham mưu cho tỉnh tổ chức thành
công lễ kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ và lễ truy điệu an táng hài cốt
liệt sĩ hy sinh Sân bay Biên Hòa tết Mậu Thân 1968, có sức lan tỏa, thể hiện sự
tri ân với những người đã hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc.
Riêng việc giải quyết hồ sơ người
có công, Đồng Nai đã giải quyết trên 99% và là một trong ít tỉnh, thành làm tốt
công tác này. Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh cho biết, năm 2017, Sở được tỉnh
đầu tư kinh phí để hợp đồng với một đơn vị tiến hành số hóa toàn bộ hồ sơ người
có công, thuận lợi cho việc quản lý, tra cứu và giải quyết chế độ chính sách
người có công nhanh, gọn. Sở sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm tiếp tục thực hiện,
làm tốt công tác tri ân và có thêm nguồn thông tin phục vụ việc tìm kiếm, quy tập
hài cốt liệt sĩ.
Riêng công tác giảm nghèo, năm
2017 mới chỉ có 3 huyện đạt chỉ tiêu nên mục tiêu toàn tỉnh chỉ giảm được
0,32%/0,4% kế hoạch. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đề nghị, chỉ tiêu
giảm 0,2% hộ nghèo năm 2018 đã được đưa vào Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND. Vì vậy,
ngành lao động cần tập trung nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết
về tiêu chí và chuẩn nghèo, khảo sát, rút kinh nghiệm những mô hình giảm nghèo
bền vững; hỗ trợ các hộ cận nghèo, mới thoát nghèo về một số chính sách xã hội,
bảo hiểm y tế, vay hộ nghèo để họ thoát nghèo bền vững, nhằm đạt mục tiêu. Theo
đó, Tỉnh vẫn tiếp tục chính sách hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ nghèo,
cận nghèo. Lãnh đạo BHXH tỉnh chia sẻ, với hơn 11.000 thẻ BHYT hộ cận nghèo và
nghèo sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2017 tiếp tục được cập nhật gia hạn trước khi
có nguồn kinh phí hỗ trợ năm 2018. BHXH kiến nghị, với 70.000 trường hợp là người
dân tộc khó khăn, ngành đang có tờ trình chuyển 20% kết dư của năm 2017 để gia
hạn tiếp hỗ trợ thẻ BHYT trong 3 năm 2018-2020, giúp họ ổn định cuộc sống.
Box: Ghi nhận những đóng góp của ngành, dịp này, 92 cá nhân được Bộ
LĐ-TBXH trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành LĐ-TBXH” và nhiều tập thể,
cá nhân được đề nghị UBND tỉnh, Sở LĐ-TBXH khen thưởng./.
Vĩnh Hà