Ra đời trong cuộc kháng chiến
bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của
Sư đoàn khắc phục khó khăn, đoàn kết chiến đấu dũng cảm, xây dựng đơn vị vững mạnh
toàn diện, tô thắm truyền thống “Đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn, quyết
chiến quyết thắng”, xứng danh đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng trong chiến đấu
Lịch sử truyền thống của Sư đoàn
ghi rõ: Ngày 16-12-1977, tại Làng Hai, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông
Bé (nay là Bình Phước), Sư đoàn bộ binh 2 được thành lập- tiền thân của Sư đoàn
302- đơn vị chủ lực bộ binh đầu tiên miền Đông Nam bộ. Vừa thành lập được 3
ngày, Sư đoàn đã nhận nhiệm vụ bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ trên tuyến biên giới Tây Nam. Sau 10 ngày đêm chiến đấu liên tục, Sư
đoàn 302 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững tuyến phòng thủ biên giới
thuộc địa bàn tỉnh Sông Bé.
Khánh thành công trình Di tích lịch sử Sư đoàn 302
Tháng 7-1978, Sư đoàn 302 trong đội
hình của Sư đoàn 5 tham gia chiến dịch “Thời cơ”. Hoàn thành nhiệm vụ, Sư đoàn
được lệnh hành quân về tuyến biên giới Tây Nam, giữ tuyến phòng thủ Xa Mát- Lò
Gò. Cũng trong thời gian này, Sư đoàn được giao nhiệm vụ đột xuất chủ động đưa
lực lượng trinh sát tinh nhuệ, trang bị gọn nhẹ, luồn sâu vào hậu cứ địch, giải
thoát trên 4000 cán bộ cách mạng và Nhân dân Campuchia đang bị quân Pôn Pốt
truy diệt.
Bước vào chiến dịch tổng tiến
công năm 1979, Sư đoàn 302 trong đội hình của Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ thực
hiện tấn công, kìm chân địch góp phần giải phóng xã Tân Phú, đồn Lò Gò, giải
vây đồn Xa Mát và thọc sâu sau lưng địch, đánh chiếm các mục tiêu như Ngã tư
Không Tên, cầu Tăng Tốc; đánh địch dọc trục lộ 24, hòa nhịp tấn công thần tốc
trên toàn chiến trường biên giới. Sư đoàn đã tiến công giải phóng Đầm Be, Sàm
Rông, Ampin, Ốtđômiêngchay, Cầnđan và nhiều mục tiêu khác, góp phần cùng lực lượng
cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ Khơ me đỏ, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi
họa diệt chủng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia....
Box: Đại tá Lê Xuân Thế, Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 302 cho biết: Năm
1979, nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ghi nhận
đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, Sư đoàn 302 đã được Đảng, Nhà nước phong tặng
danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các đơn vị thuộc Sư đoàn: Trung
đoàn 88, Đại đội Trinh sát 21; Trung đoàn 429 cùng 2 cá nhân Chuẩn úy Lê Thái
Bê (Trung tướng Lê Thái Bê, nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2) và Trung
sĩ, liệt sĩ Phạm Đình Thiện được phong và truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng
lực lượng vũ trang nhân dân. Trong lễ kỷ niệm 40 năm, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn
vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba.
Xây dựng đơn vị VMTD

Hướng dẫn chiến sĩ mới gấp nội vụ
Theo Đại tá Lê Xuân Thế, là một
trong những đơn vị chủ lực của Quân khu 7, công tác xây dựng đơn vị vững mạnh
toàn diện (VMTD) được chú trọng, đặc biệt là nâng chất huấn luyện sẵn sàng chiến
đấu (SSCĐ), chủ động trước mọi tình huống, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ
được giao. Trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chú trọng công tác giáo dục
chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân
viên quốc phòng, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, tin tưởng tuyệt đối vào sự
lãnh đạo, vào công cuộc đổi mới của Đảng.
Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đẩy mạnh
việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài
năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát động, ổn
định tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực
thù địch, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh- tiền đề cơ bản thực
hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện SSCĐ.
Huấn luyện chiến sĩ mới ngoài thao trường
Với phương châm “Cơ bản, thiết thực,
vững chắc” gắn với vận dụng tốt “3 quan điểm”, “8 nguyên tắc”, “6 mối kết hợp”
trong huấn luyện, hằng năm Sư đoàn đều hoàn thành 100% các nội dung huấn luyện
với kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75% khá, giỏi. Trong huấn luyện, Sư
đoàn coi trọng huấn luyện đêm, hành quân xa, mang vác nặng, huấn luyện sát thực
tiễn chiến đấu và phù hợp từng đối tượng cụ thể. Phương pháp huấn luyện được kết
hợp với rèn thể lực, kỷ luật quân đội để nâng cao sức khỏe cho bộ đội nên chất
lượng quân số khỏe luôn đảm bảo trên 99%.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị
trong toàn Sư đoàn còn thực hiện nghiêm Điều lệnh quản lý bộ đội, các quy định
của Quân đội, Quân khu 7 và thực hiện nghiêm pháp luật, chặt chẽ, đúng quy
trình. Nhờ vậy, công tác xây dựng nền nếp chính quy, quản lý rèn kỷ luật và môi
trường văn hóa được đảm bảo, nhiều năm liền Sư đoàn không có vi phạm kỷ luật
nghiêm trọng, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,1%. Việc xây dựng mối
quan hệ đơn vị với địa bàn đóng quân được chú trọng, cán bộ chiến sĩ của Sư
đoàn luôn chủ động, tích cực tham gia công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân phòng
chống bão lụt, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, được cấp ủy, chính quyền địa
phương nơi đóng quân (Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu) ghi nhận.
Box: Đại tá Trần Văn Khương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 302 cho
biết: Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Sư đoàn đã tổ chức khánh thành Khu di
tích nơi thành lập Sư đoàn 302 tại tỉnh Bình Phước nhằm giáo dục truyền thống
cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Công trình có diện tích xây dựng trên 2.200 m2
gồm các hạng mục nhà bia, nhà tưởng niệm ghi danh 3.811 liệt sĩ của Sư đoàn, bức
phù điêu, nhà văn hóa và các hạng mục khác...tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ đồng từ
sự giúp đỡ của các tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, TP.
Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp: Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng
công ty Cao su Bình Phước./.
Vĩnh Hà