ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Thực hiện Đề án 404 trên địa bàn tỉnh: Vẫn còn nhiều khó khăn
Đăng ngày: 11-12-2017 12:05
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Đề án 404 của Chính phủ về “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục khu vực công nghiệp, khu chế xuất” trên địa bàn tỉnh do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) chủ trì phối hợp với các ngành LĐ-TBXH, LĐLĐ, GDĐT theo chỉ đạo điểm đến nay vẫn còn nhiều khó khăn. Mục tiêu hỗ trợ, kiện toàn 20 nhóm trẻ độc lập tư thục tại 2 địa bàn điểm là xã Hóa An và phường Long Bình chưa thực hiện được.
Nhu cầu lớn

Đồng Nai là một trong 5 địa phương cả nước được Trung ương Hội Phụ nữ chọn thực hiện thí điểm đề án 404. Mục tiêu, sẽ hỗ trợ, kiện toàn 20 nhóm trẻ độc lập tư thục trong giai đoạn đầu 2014-2017 đến nay chưa thực hiện được. Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh thì nguyên nhân chính là khi thực hiện khảo sát, nhu cầu của các nhóm trẻ độc lập tư thục lớn hơn nhiều so với thực tế, trong khi nguồn hỗ trợ thực hiện còn hạn chế.

Chủ tịch Hội LHPN phường Long Bình Nguyễn Thị Thu Hà nhìn nhận, trên địa bàn phường hiện có hai khu công nghiệp lớn là Amata và Loteco, chưa kể nơi đây còn có nhiều cụm công nghiệp, là địa bàn giáp ranh với KCN Biên Hòa 1 và 2 nên có trên 50.000 công nhân lao động thuê trọ, sinh sống. Thực tế này đưa đến việc ra đời những nhóm trẻ độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình để trông giữ con của CNLĐ phát triển khá nhanh. Đến nay, trên địa bàn phường có khoảng 100 nhóm trẻ độc lập tư thục với số lượng trung bình từ 15 đến 30 trẻ/nhóm. Trong đó, 10 nhóm được lựa chọn nằm trong thí điểm của đề án nhưng hiện mới chỉ dừng ở việc tập huấn, tuyên truyền kiến thức, cung cấp một số tài liệu chuyên môn.

IMG_7107.JPG 
 
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng thăm trường mầm non tư thục Thái Quang

“Cái khó nhất hiện nay là nhu cầu gửi con của CNLĐ, nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi rất cao trong khi hệ thống trường lớp đủ chuẩn còn hạn chế. Việc hỗ trợ cho các nhóm trẻ diện này mới chỉ dừng ở việc cung cấp kiến thức, nghe một số chuyên đề nên chưa đạt hiệu quả theo mục tiêu của Đề án”, bà Hà nhấn mạnh.

Là một địa bàn có đông công nhân lao động sinh sống, xã Hóa An có nhiều nhóm trẻ độc lập tư thục ra đời, hoạt động để đáp ứng nhu cầu gửi con (nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi) của công nhân lao động. Đến nay, xã đã phối hợp khảo sát, thu thập thông tin với hơn 350 lượt CNLĐ và chủ một số nhóm trẻ tư thục độc lập cho thấy: nhu cầu gửi con dưới 36 tháng tuổi của CNLĐ hiện rất cao; các nhóm trẻ độc lập tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình có phạm vi từ 13-35 cháu gần khu vực công nhân thuê trọ vẫn là lựa chọn phổ biến của đông đảo công nhân lao động.

Mới chỉ dừng ở mức độ khảo sát, tập huấn

Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đào Thị Hằng nhìn nhận: từ thực tế khảo sát, Hội LHPN tỉnh chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số kế hoạch chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, phối hợp với các ngành tập huấn kiến thức cho các chị em phụ nữ, chủ các cơ sở, nhóm trẻ độc lập tư thục. Nhưng thực tế các hoạt động này mới chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát, tập huấn, cung cấp kiến thức mà chưa đi sâu vào những nội dung cần hỗ trợ.

Theo đó, gói hỗ trợ được thực hiện theo từng năm: Năm 2015-2017 với tổng kinh phí trên 311 triệu đồng. Trong đó, năm 2015, Hội Phụ nữ phối hợp tổ chức khảo sát nhu cầu hỗ trợ, kiện toàn hoặc thành lập mới nhóm trẻ tại 100 cơ sở giữ trẻ tư nhân và nhu cầu gửi trẻ theo từng độ tuổi của 200 công nhân lao động, người dân tại phường Long Bình và xã Hóa An. Năm 2016, tiếp tục các hoạt động triển khai đề án cấp tỉnh cho 150 đại biểu; mở 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 120 người quản lý nhóm trẻ, chính quyền địa phương và các ngành có liên quan tại 2 địa phương điểm là Hóa An và Long Bình.

IMG_5295.JPG 
 
Khảo sát về các nhóm trẻ độc lập tư thục

Cùng đó, tổ chức 10 lớp tập huấn đề án tại các huyện với 600 cán bộ, hội viên phụ nữ và tổ chức đoàn đại biểu tham quan, dự tập huấn hướng dẫn cách sử dụng tài liệu của Đề án tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Phối hợp với Trung ương Hội tổ chức truyền thông về chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ thơ, phòng chống tác hại của thuốc lá cho các ông bố, bà mẹ có con từ 1 đến 36 tháng tuổi, chủ các nhóm trẻ gia đình và cán bộ, hội viên phụ nữ xã Sông Trầu (Trảng Bom) và phường Long Bình (Biên Hòa); hướng dẫn thành lập Câu lạc bộ “Chủ nhóm trẻ gia đình” tại địa phương nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin giữa các nhóm trẻ. Năm 2017 tiếp tục tập huấn, mở lớp tới 11 huyện, TX. Long Khánh và TP. Biên Hòa.

Các đơn vị phối hợp như Liên đoàn Lao động, Sở LĐ-TBXH, Sở GDĐT tiếp tục các hoạt động như khảo sát, tập huấn và cung cấp kiến thức cho công nhân lao động, chủ các nhóm trẻ độc lập tư thục kết hợp với các hoạt động tuyên truyền pháp luật. Theo bà Hằng, nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động cao, trong khi sự hỗ trợ của đề án còn hạn chế và mới chỉ tập trung tại 2 cơ sở của TP. Biên Hòa trong khi tại các địa phương Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu là những nơi có đông khu công nghiệp, công nhân lao động sinh sống, nhu cầu được hỗ trợ rất lớn. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, Hội đã chủ động phối hợp các địa phương mở rộng đề án bằng hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nắm bắt tình hình kết hợp mô hình đánh giá kết quả thực hiện điểm Đề án 704 của Chính phủ về “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2010-2020.

Cũng theo bà Đào Thị Hằng, để đạt mục tiêu đề án, cần phối hợp mở rộng khảo sát các nhóm trẻ độc lập tư thục, nhu cầu cần được hỗ trợ (kiến thức, kỹ năng, phương pháp nuôi dạy trẻ...) tiếp tục được triển khai. Trên cơ sở đó, Hội LHPN, cơ quan chủ trì mới tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện mới đạt được mục tiêu đến năm 2020, 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ tư thục thuộc đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý, vảo đảm chất lượng; 500 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ, kiện toàn, xây dựng và phát triển.

Box: “Toàn tỉnh hiện có 1.067 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập. Những nhóm trẻ này đã và đang đáp ứng một phần nhu cầu gửi con (nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi) của công nhân lao động. Để đạt mục tiêu 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi nằm trong đề án 404 được chăm sóc đảm bảo chất lượng, các cấp, các ngành cần điều chỉnh các văn bản quy định cho phù hợp, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng trường mầm non để con em CNLĐ được chăm sóc đảm bảo”, bà Đào Thị Hằng, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh.

Vĩnh Hà

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu