Thực hiện Kế hoạch phối hợp tiếp xúc cử tri với
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai sau kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV. Từ
ngày 20-22/6/2018, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các
huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân tổ chức 11 điểm tiếp xúc cử tri tại 11 đơn vị cấp huyện, thị xã,
thành phố. Trong các buổi tiếp xúc có khoảng 1.700 cử tri tham dự và có 120 lượt
cử tri tham gia đóng góp ý kiến phản ánh, kiến nghị, qua các ý kiến phát biểu của
cử tri đa số là các ý kiến kiến nghị, phát biểu khiếu nại mang tính chất cá
nhân, và phản ánh những vấn đề, nội dung bức xúc tại địa phương nơi mình cư
trú. Đồng thời, tại các buổi tiếp xúc, cử tri
tham gia đóng góp một số ý kiến liên quan đến nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền,
trách nhiệm trả lời, trao đổi, giải trình, hướng dẫn của địa phương và đã được
các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các địa phương và các sở, ban
ngành liên quan của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố trực tiếp giải trình, trả lời
và tiếp thu tại buổi tiếp xúc.
Kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 5 - Quốc hội
khóa XIV cần được quan tâm xem xét, giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ,
ngành liên quan có một số vấn đề như sau:

Cử tri huyện Thống Nhất phát biểu ý kiến
Đối với Quốc hội:
Kiến nghị Quốc hội xem xét không thông qua dự án Luật đơn vị hành
chính- kinh tế đặc biệt. Vì, trong kỳ họp thứ năm Quốc hội, khóa XIV đang thảo
luận về dự án luật đã bị một số đối tượng phản động lợi dụng để kích động, dụ
dỗ lôi kéo người dân ở một số địa phương gây mất trật tự công cộng, chống người
thi hành công vụ, phá hoại tài sản nhà nước và của nhân dân, gây ra nhiều thiệt
hại, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Cử
tri kiến nghị, luật trên cần xem xét quy định chặt chẽ các nội dung liên quan
đến việc cho thuê đất đối với các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, cần thiết nên tổ chức lấy ý kiến
rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về dự án luật hành chính- kinh tế đặc
biệt.
Cử tri kiến nghị cần có sự tập huấn thường xuyên và trang bị
phương tiện bảo đảm cho lực lượng an ninh, lực lượng làm công tác phòng chống khủng
bố. Vì vừa qua, khi có sự cố xảy ra thì các lực lượng trên chưa phát huy được
vai trò, chưa xử lý kịp thời, còn lung túng, bị động trong xử lý tình huống. Cử
tri kiến nghị, lực lượng an ninh cần quyết liệt vào cuộc điều tra để nhanh
chóng tìm ra các đối tượng cầm đầu kích động, lôi kéo nhân dân thực hiện các
hành vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước.
Cử tri kiến nghị Quốc hội sớm xây dựng, ban hành luật biểu tình
nhằm đảm bảo người dân thực hiện quyền tự do dân chủ theo Hiến pháp, đồng thời
để thuận tiện cho Nhà nước xử lý các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để
kích động, lôi kéo người thiếu hiểu biết pháp luật thực hiện gây rối trật tự,
phá hoại tài sản đã diễn ra như thời gian qua.
Cử tri kiến nghị các cơ quan tuyên giáo, thông tin truyền thông
cần nhanh chóng vào cuộc để nắm rõ tình hình nhằm kịp thời định hướng công tác tuyên
truyền, vận động nhân dân không bị lôi kéo khi có kẻ xấu lợi dụng, kích động.
Cử
tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần có các giải
pháp tuyên truyền kịp thời cho nhân dân hiểu rõ về việc ban hành các văn bản
quy phạm pháp luật, nhằm tránh việc gây nhầm lẫn và
không bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động.
Cử tri đồng thuận đối với Luật phòng
chống tham nhũng, tuy nhiên đề nghị Quốc hội, Chính phủ thường xuyên thanh tra,
kiểm tra có biện pháp để phát hiện sớm và xử lý triệt để các vụ án tham nhũng,
giảm thiểu thiệt hại cho đất nước.
Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội là
Chủ tịch nước, Tổng Bí thư nên thay phiên đi các tỉnh ngoài địa bàn ứng cử để
tiếp xúc cử tri và lắng nghe ý kiến của cử tri trong cả nước
Cử tri thống nhất với Luật Công an vừa thông qua, tuy nhiên đề nghị nên
tập trung quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng Công an xã trong tình hình mới.
Cử tri kiến nghị Quốc hội cần quy định về việc hàng năm nên tổ
chức lấy phiếu tín nhiệm của cử tri đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND
các cấp nơi đại biểu trúng cử và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hàng năm tại nơi
cư trú đối với người được bổ nhiệm các chức danh trong bộ máy Nhà nước ở tất cả
các cấp để tăng cường sự giám sát của nhân dân.
Đối với Chính
phủ:
Cử tri kiến nghị Chính phủ
cần nghiên cứu kỹ các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua đảm bảo
hình thức, nội dung chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài.
Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét nên tăng mức hỗ trợ tiền thờ cúng liệt
sỹ, vì mức hỗ trợ 500.000đ/gia đình/năm như hiện nay là quá ít không đủ để chi
phí cho việc thờ cúng.
Đời sống của người nghỉ hưu trước năm 1992 quá thiếu thốn và quá
thiệt thòi so với người về hưu sau năm 1992; do mức lương ở thời điểm trước năm
1992 còn quá thấp. Cử tri kiến nghị Chính phủ nghị sớm có sự điều chỉnh mức
lương hưu phù hợp để đảm bảo một phần cuộc sống và giảm bớt thiệt thòi cho đối tượng
này.
Cử tri kiến nghị Chính phủ cần nâng thời hạn sử dụng thẻ BHYT thành nhiều năm, vì hiện nay quy định việc mua BHYT được thực hiện hàng năm gây khó
khăn cho nhân dân trong việc thực hiện khám, chữa bệnh.
Cử tri kiến nghị Chính Phủ cần chỉ đạo xử lý nghiêm người có
trách nhiệm và người trực tiếp quản lý trật tự an toàn giao thông đường sắt,
người điều khiển phương tiện giao thông đã để xảy ra liên tục các vụ tai nạn
giao thông đường sắt trong thời gian qua gây hậu quả rất nghiêm trọng .
Kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quyết
định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia
kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục
viên, xuất ngũ về địa phương
có chế độ chính sách tương xứng với quân nhân tham gia kháng chiến, nhưng không
phục viên xuất ngũ để tạo điều kiện thuận lợi hợp pháp chính đáng cho người thụ
hưởng chính sách.
Cử tri kiến Chính Phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng cần có giải
pháp quản lý, định hướng người nông dân trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả
hơn, giúp nhà nông tiêu thụ nông sản, giảm bớt thua lỗ, ổn định sản xuất và đời
sống cho nông dân. Vì trong thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên
cả nước khi vào mùa thu hoạch nông sản không tiêu thụ được và thường bị hương lái
ép giá gây nhiều khó khăn cho nông dân vì được giá thì mất mùa, được mùa thì mất
giá.
Lĩnh vực Giao thông vận
tải:
Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm có giải
pháp mở đường dân sinh tại một số đoạn đường có đường Cao tốc Long Thành – Dầu Giây
đi qua. Vì hiện tại, người dân sống hai bên đường cao tốc khi đi vào khu sản
xuất nông nghiệp phải cắt rào để lưu thông gây mất an toàn giao thông.
Lĩnh vực Giáo dục và đào tạo:
Cử
tri kiến nghị Bộ giáo dục và đào tạo xem xét không nên quy định đưa môn học an
ninh quốc phòng vào kết quả đánh giá chung của học sinh Trung học phổ thông vào
cuối năm, vì trên thực tế sẽ có sự chênh lệch về thể chất giữa các học sinh với
nhau, do đó chỉ nên đánh giá đạt hoặc không đạt trong thành tích học tập cuối
năm đối với môn học này.
Chế độ chính sách:
Cử tri kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có
chính sách hướng dẫn, hỗ trợ cho các đối tượng là người có công với cách mạng trong
trường hợp bị thất lạc hồ sơ gốc
hoặc các trường hợp không còn giấy tờ gốc chứng minh thời gian tham gia kháng
chiến.
Cử tri kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần
nâng mức hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ lên cao hơn cho phù hợp với điều kiện
kinh tế xã hội hiện nay. Vì theo quy định tại Điều 17 Thông tư liên tịch số
13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội, Bộ Tài chính hiện nay là còn khá thấp.
Pháp luật