Chiến tranh đi qua, khu căn cứ năm nào nay trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh (từ năm 2005), được đầu tư xây dựng, vừa mang ý nghĩa tái hiện lịch sử đấu tranh của quân và dân Ðồng Nai, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Lịch sử hào hùng
Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 là một trong những căn cứ địa cách mạng rất quan trọng ở khu vực miền Ðông Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khu căn cứ thành lập vào tháng 9-1965 đứng chân tại khu vực Bàu 17, rừng Cây Gáo, xã Bàu Hàm (nay là xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), được thiết kế với các khu nhà làm việc, hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn… Ðây là khu vực tam giác có địa thế thuận lợi và hiểm trở như giữa rừng rậm, gần sông Ðồng Nai, quốc lộ 1A, quốc lộ 20, nối liền với Chiến khu Ð nhằm giúp các lực lượng cách mạng đứng chân có thế tiến công và phòng thủ.
Công trình cụm tượng đài tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 là nơi tập trung, triển khai nhiệm vụ của các đơn vị chủ lực như: Sư đoàn 5, đặc công Biên Hòa; Trung đoàn 4; Ðoàn đặc công 113; Trung đoàn pháo 274… đánh vào các căn cứ trọng điểm của Mỹ ngụy tại mặt trận Biên Hòa. Là một trong những nhân chứng lịch sử, ông Trần Trọng Thanh (Nguyên lính biệt động U1 Biên Hòa) cho biết, trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, ông được giao nhiệm vụ nằm vùng, nắm bắt tình hình địch, giúp quân đội chủ lực đánh chiếm Sân bay Biên Hòa và các căn cứ khác của địch.
“Phải nói rằng, trận đánh Mậu Thân 1968 rất là ác liệt. Sự hy sinh cũng rất lớn lao. Thậm chí, có những đơn vị chưa kịp nổ súng như đơn vị pháo phòng không ba mươi bảy ly chưa kịp ráp nòng, ráp đạn đã bị máy bay nó bắn. Trong đó, có anh lạc 21 ngày đêm nhịn đói nhịn rét tới khi trở về đơn vị chỉ còn da bọc xương”, ông Thanh nói.
Ðến năm 1971, Trung ương Cục miền Nam quyết định nhập Biên Hòa U1 vào Phân khu 5 thành Phân khu Thủ Biên. Phân khu Thủ Biên xác định nhiệm vụ hàng đầu vẫn là đánh hậu cứ sân bay quân sự Biên Hòa và Tổng kho liên hợp Long Bình. Năm 1972, sau khi tách Phân khu Thủ Biên, tỉnh Biên Hòa được thành lập. Tỉnh ủy Biên Hòa vẫn trụ tại căn cứ này để kết hợp 3 mũi chính trị, binh vận, vũ trang đánh phá ấp chiến lược ở Bàu Hàm, Thiện Tân, Tân Ðịnh, Hưng Lộc, Hưng Nghĩa… ngăn chặn ý đồ bình định cấp tốc của địch.
Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Phan Văn Trang, trong suốt 10 năm hoạt động (1965 - 1975), bộ đội đứng chân ở căn cứ U1 bị bom pháo ác liệt nhưng mọi người vẫn vững vàng và kiên cường bám địa bàn để đánh địch. Mặc dù xa Trung ương Cục nhưng với sự đồng lòng, gắn bó và đoàn kết chặt chẽ trong khó khăn, quân và dân ta đánh thắng hàng trăm trận lớn nhỏ, góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Mùa xuân 1975 lịch sử.
Phát huy giá trị di tích
Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 được xem là một trong những biểu tượng của truyền thống đấu tranh bất khuất của Ðảng bộ và quân dân Biên Hòa - Ðồng Nai không chỉ trong kháng chiến, mà trong cả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bởi vậy mà nhiều năm nay, khu di tích được quan tâm, đầu tư, xây dựng các hạng mục công như nhà bia, đền tưởng niệm, sân lễ hội, cây xanh… Từ khi đi vào hoạt động, khu di tích đã đón hàng trăm đoàn khách và nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường và lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu dâng hương tại bia tưởng niệm Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1
Tuy nhiên, để tiếp tục tôn tạo và phát huy giá trị to lớn của khu di tích, tháng 9-2015, công trình Cụm tượng đài và Nhà lưu niệm truyền thống tiếp tục được khởi công xây dựng, được nghiệm thu vào tháng 1-2018. Công trình bao gồm các hạng mục: Cụm tượng đài, phù điêu được thực hiện trên chất liệu đá xanh Bửu Long; Nhà lưu niệm truyền thống; chòi nghỉ và các hạng mục khác như: sân đường nội bộ, bãi đậu xe, cây xanh, hồ nước…
Theo chủ đầu tư là UBND huyện Trảng Bom, Cụm tượng đài Căn cứ U1 Biên Hòa cao 21,4m, được chia làm 3 phần (phần đế, 3 bức phù điêu và cụm tượng đài). Về tổng thể, công trình thể hiện tinh thần chiến đấu, ý chí kiên cường của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh theo Ðảng, theo cách mạng, một lòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Cụm tượng đài trung tâm có 9 nhân vật (là các lực lượng tham gia kháng chiến, góp sức làm nên thắng lợi lịch sử). Bức phù điêu chính diện thể hiện Ngày giải phóng; phù điêu bên trái thể hiện các trận đánh tiêu biểu như: Xuân Mậu Thân 1968; Xuân Kỷ Dậu 1969; Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972; trận đánh Sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình; những trận đánh trên cầu Ðồng Nai. Phù điêu phía sau bên phải là hình ảnh phục vụ kháng chiến.
Sau khánh thành công trình Cụm tượng đài và Nhà lưu niệm truyền thống, chủ đầu tư và đơn vị thi công sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1. Cùng với hệ thống nhà bia, đền tưởng niệm… công trình chắc chắn sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Niềm tự hào của quê hương Đồng Nai
Từ khi khởi công xây dựng cho đến lúc hoàn thành, công trình luôn nhận được sự đồng tình cao của người dân và chính quyền địa phương. Là người dân sống trên mảnh đất này, ông Lê Minh Xuân (ấp Tân Thành, xã Thanh Bình) rất tự hào và phấn khởi khi trên vùng đất mình sinh sống được đầu tư xây dựng một công trình có ý nghĩa lịch sử và quy mô. Ông nói: “Tôi thấy việc xây dựng khu di tích này rất ý nghĩa vì nó gìn giữ lịch sử truyền thống. Cơ quan kháng chiến Nam bộ cũng đã về đây đóng và làm việc suốt nhiều năm. Tôi với những hộ dân khu vực này ai cũng phấn khởi. Tôi mong rằng, công trình sẽ được phát huy hơn nữa để các thế hệ mai sau biết công lao của các thế hệ cha ông”.
Xây dựng, tôn tạo và phát huy giá trị khu căn cứ góp phần mang đến “bằng chứng sống” về một giai đoạn kiên cường, bất khuất của các thế hệ chiến sĩ cách mạng đối với những người trẻ, nhất là với học sinh, sinh viên. Em Hoàng Thị Thùy Dương (lớp 5, Trường tiểu học Cao Bá Quát, thị trấn Trảng Bom) bày tỏ: “Hằng năm, nhà trường tổ chức các hoạt động về nguồn, ngoại khóa tại Khu căn cứ U1. Qua đó, con cảm nhận được sự hy sinh gian khó của các chiến sĩ bộ đội ngày xưa, hiểu hơn về lịch sử của quê hương Ðồng Nai. Con hứa sẽ học thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”.
“Việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Ðảng, 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân và khánh thành công trình Cụm tượng đài, Nhà lưu niệm truyền thống tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 có ý nghĩa to lớn về chính trị, lịch sử và nhân văn; tôn vinh, tri ân các chiến sĩ, đồng bào yêu nước đã gan dạ, dũng cảm làm nên thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng yêu nước, tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng cũng như đáp ứng hoạt động viếng thăm của đông đảo thanh thiếu niên và nhân dân trong nước cũng như du khách nước ngoài quan tâm, tìm hiểu”, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.
(Nguồn: Báo Lao Động Đồng Nai)