Nhằm góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn,
tranh chấp trong nội bộ nhân dân tại cộng đồng dân cư, xây dựng mỗi con người
sống có ý thức cộng đồng, có lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa
tình, tôn trọng pháp luật, quan hệ hài hòa trong gia đình và xã hội. Trong
những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và rất coi trọng công tác hòa
giải, qua đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hòa
giải ở cơ sở để định hướng cho công tác này.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII,
Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở và Luật có hiệu lực từ ngày
1-1-2014, đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động hòa giải ở cơ sở
đi vào nề nếp, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở.
Tại các điều 29 và 30 của Luật đã quy định rất
rõ vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ
chức thành viên của Mặt trận, đó là:
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham
gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành
pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm
tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.
- Các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm
vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện hoạt động hòa giải ở
cơ sở theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó nhằm hướng dẫn phối hợp thực hiện
một số quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở và tham
gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày
18/11/2014, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký
nghị quyết liên tịch số 01 để hướng dẫn cụ thể hơn công tác này. Nghị quyết
liên tịch 01 xác định nguyên tắc phối hợp phải được thực hiện trên cơ sở chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ
chức; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
thành viên của Mặt trận; tăng cường tính chủ động, tích cực của mỗi cơ
quan, tổ chức trong công tác hòa giải ở cơ sở; và việc phối hợp phải thường
xuyên, kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
huyện, xã và các tổ chức thành viên thực hiện việc hướng dẫn, khuyến khích,
động viên và tạo điều kiện thuận lợi cũng như chọn cử các thành viên, đoàn
viên, hội viên tham gia trực tiếp hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở.
Với sự tham gia tích cực
của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, xã và các đoàn thể thành viên các
tổ hòa giải thường xuyên được củng cố, kiện toàn, tính đến nay trên địa bàn
huyện đã thành lập được 74 tổ hòa giải với hơn 380 hòa giải viên, thành viên
các tổ hòa giải là cán bộ Mặt trận, các đoàn thể, người có uy tín trong cộng
đồng dân cư … đây là những người có phẩm chất đạo đức, có uy tín, có tinh thần
trách nhiệm, được nhân dân tín nhiệm. Trong những năm qua công tác hòa giải ở
cơ sở đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thực hiện hòa giải thành công nhiều
vụ mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2017, các
tổ hòa giải đã thực hiện hòa giải 105 vụ mâu thuẫn, trong đó hòa giải thành 78
vụ, chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét 20 vụ và đang tiếp tục hòa giải 07 vụ,
từ đó góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng, phòng ngừa vi
phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở, đồng thời, hạn chế đơn thư khiếu nại, khiếu
kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng khiếu nại đến tòa án nhân dân, cơ quan
hành chính nhà nước các cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được hoạt động hòa giải vẫn còn một số hạn chế nhất định do một số nơi
cấp ủy, chính quyền chưa nhận thấy hết tầm quan trọng và hiệu quả của công tác
hòa giải, nên mức độ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chưa kịp thời, đội ngũ cán bộ
làm công tác hòa giải thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên chưa dành
nhiều thời gian cho công tác hòa giải; sự phối hợp giữa các ngành trong công
tác hòa giải đôi lúc còn thiếu chặt chẽ, chưa huy động được đông đảo các thành
viên tham gia.
Trong hướng tới để thực hiện có hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở và
Nghị quyết liên tịch số 01, Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc từ huyện đến cơ sở luôn xem công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ
thường xuyên của công tác Mặt trận và xác định một số nhiệm vụ trong tâm như:
- Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền, các đoàn thể chính
trị - xã hội cùng cấp tuyên truyền, phổi biến nội dung của Luật hòa giải ở cơ
sở và các văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải
đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và nhân dân trên
địa bàn bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với các đối tượng, góp phần đưa
pháp luật hòa giải vào cuộc sống.
- Gắn
hoạt động hòa giải với các phong trào, cuộc vận
động nhân dân, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới
đô thị văn minh” nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa
phương, chú trọng phát huy vai trò của các vị cá nhân tiêu biểu trong đồng bào
các dân tộc thiểu số, các vị chức sắc tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong cộng
đồng dân cư cùng tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
- Quan
tâm củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thường trực Ủy ban
MTTQVN cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ấp, nâng cao năng lực hoạt động
của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành
viên tạo điều kiện để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sự
hiểu biết về pháp luật cho người làm công tác hòa giải.
- Phát
huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thường xuyên phối
hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa
nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tăng cường nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các
tầng lớp nhân dân thông qua nhiều kênh nắm thông tin như tại các cuộc họp, hội
nghị, tiếp xúc cử tri, đối thoai … nhằm phát hiện những mâu thuẫn trong nhân
dân, kịp thời phối hợp làm tốt công tác hòa giải
để giải quyết ngay hoặc kiềm chế mâu thuẫn phát sinh từ các tranh chấp nhỏ;
kiến nghị chính quyền cùng các cơ quan chức năng liên quan kịp thời giải quyết,
tránh để mâu thuẫn phát triển, kéo dài, thành việc lớn và phức tạp, gây mất
đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ở
cơ sở cần chủ động hơn nữa trong tham gia phối hợp trong quản lý Nhà nước về
công tác hòa giải ở cơ sở để hỗ trợ và góp phần
nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác hòa giải.
- Ban
Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, xã thực
hiện thường xuyên công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ
sở; yêu cầu cơ quan, tổ chức được giám sát cung cấp thông tin về các vấn đề có
liên quan đến nội dung giám sát.
Đồng thời, quan tâm thực hiện việc sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm
về việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, rà soát, đánh giá về tổ chức và
hoạt động của tổ hòa giải trên địa bàn, nhân rộng những cách làm hay, có hiệu
quả, để đề nghị cấp ủy, chính quyền biểu dương khen thưởng nhằm động viên công
tác này ngày càng hiệu quả hơn.
Phan Văn Thạo/UVTT -Mặt trận Cẩm Mỹ