Năm 1946, khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, giữa bộn
bề công việc và khó khăn chồng chất nhưng Người vẫn không quên các thương binh,
thân nhân gia đình liệt sĩ: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào
và Chính phủ, cám ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập
và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ
kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận
các con liệt sĩ làm con của tôi".

Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng Nghĩa trang liệt sỹ
Hằng năm, cứ vào dịp tháng 7, Chủ tịch Hồ
Chí Minh lại gửi thư thăm hỏi, động viên thương binh, bệnh binh, gia đình liệt
sĩ, một mặt khẳng định công lao, đóng góp của họ, một mặt động viên họ:
"Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người
công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là chiến sĩ kiểu
mẫu ở ngoài mặt trận", để mỗi "thương binh tàn nhưng không phế".
Nặng lòng với thương binh và gia đình liệt sĩ, trước lúc đi
xa, trong bản Di chúc bất hủ, Người căn dặn: "Đối với những người đã dũng
cảm hy sinh một phần xương máu của mình" cán bộ, binh sĩ, dân quân, du
kích, thanh niên xung phong...", Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi
cách cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề
thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh".
Đối với các liệt sĩ mỗi địa phương (thành phố, làng, xã)
cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi nhận sự hy sinh anh dũng của các liệt
sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha, mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà
thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương... phải giúp đỡ họ
có công ăn, việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, rét".
Trong mọi hoàn cảnh, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: giúp
thương binh lâu dài, chứ không phải chỉ giúp trong một thời gian. Không phải
giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh hay những biện pháp hỗ trợ trước mắt,
mà bằng cả một hệ thống giải pháp căn cơ, lâu dài, trên mọi phương diện, từ việc
làm đến thu nhập, từ việc học đến đào tạo nghề, từ giúp đỡ, hỗ trợ của tập thể
đến phát huy tính năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân…
Những quan điểm cơ bản và tấm gương của Hồ Chí Minh trong
công tác thương binh, liệt sĩ đã được Đảng và Chính phủ ta vận dụng, kế thừa,
phát huy và cụ thể hóa thành nhiều chương trình, chính sách giúp đỡ thương
binh, gia đình liệt sĩ hiện nay.
Trong suốt 70 năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ
nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt
quan tâm đến các đối tượng thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Các hoạt
động “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu và xã hội hóa cao. Các
phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, thẻ bảo hiểm
y tế, Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa, nhận chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh
hùng, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp
các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ... ngày càng thu hút sự tham gia của
đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tất cả đều bắt nguồn từ truyền thống “Uống nước
nhớ nguồn” và bản chất tư tưởng nhân văn
của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tố Nga (tổng hợp)